(Baonghean)- Suy nghĩ “chết là hết”, nhiều gia đình đã đốt hết giấy tờ sau khi có người thân qua đời, không đến các cơ quan chức năng làm thủ tục đăng ký khai tử. Từ đây, nhiều rắc rối, phiền hà nảy sinh khi tiến hành các công việc liên quan đến các thủ tục pháp lý.

Chết vẫn chưa hết

Đầu năm 2016, mẹ của anh Nguyễn Linh H. (phường Cửa Nam, TP. Vinh) mất, bà có để lại tài sản là miếng đất rộng hơn 200m2 cho 3 người con ruột nhưng chỉ giao bằng miệng chứ không có giấy tờ. Sau vài tháng, các con bắt đầu làm thủ tục phân chia tài sản. Khi lên phường làm thủ tục mới biết, họ vẫn chưa làm chứng tử cho mẹ nên việc phân chia tài sản chưa thể thực hiện.

Kéo nhau về để bắt đầu làm thủ tục chứng tử cho mẹ, nhưng tất cả các giấy tờ tùy thân của mẹ đều đã đốt hết. Phải mất một thời gian sau mới làm được chứng tử cho mẹ nhưng tốn không ít thời gian. Anh H cho biết: Vì nghĩ mẹ chết là thôi nên gia đình không để ý đến chuyện khai tử. Nhưng khi được giải thích thì chúng tôi mới bắt đầu làm. Mặc dù việc khai tử quá hạn không mất chi phí, thời gian giải quyết nhanh nhưng chúng tôi phải nghỉ việc ở cơ quan để làm.

Câu chuyện của anh Lê Viết T. (trú huyện Hưng Nguyên) liên quan đến thủ tục khai tử cũng “nan giải” không kém. Anh T. lấy vợ năm 2008, sau 5 năm chung sống, vợ anh chẳng may qua đời vì tai nạn giao thông . Anh vào miền Nam sinh sống và lập nghiệp, tại đây, anh quen và nảy sinh tình cảm với một nữ công nhân đang làm việc tại một khu công nghiệp. Anh chị đi đăng ký kết hôn nhưng khi làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân, anh T. không biết phải chứng minh làm sao khi người vợ của anh đã mất mà không có giấy chứng tử. Buộc lòng anh phải trở về nơi anh sống trước kia làm đăng ký khai tử quá hạn…  “Tôi không nghĩ là việc quên đăng ký khai tử nó lại mang đến nhiều phiền phức, rắc rối như thế này”, anh T cho biết.

Đó chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp rơi vào tình cảnh “quên” đăng ký khai tử khi trong gia đình có người thân chết. Sự kiện một người chết là sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật của người tham gia với tư cách là một công dân, một con người như quan hệ về hôn nhân và gia đình, thừa kế, hộ khẩu, hộ tịch, bảo hiểm xã hội…

images1725414_ng__i_d_n___n_l_m_th__t_c_t_i_b__ph_n_m_t_c_a_x__nghi_long__nghi_l_c_.jpgNgười dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa xã Nghi Long (Nghi Lộc).

Theo đó, nếu người có nghĩa vụ không thực hiện đăng ký khai tử theo quy định thì sẽ ảnh hưởng đến chính quyền lợi của họ. Thân nhân của người chết sẽ không được hưởng thanh toán chế độ tử tuất của bảo hiểm xã hội nếu trong hồ sơ bảo hiểm không có giấy chứng tử hoặc giấy tờ thay thế giấy chứng tử theo quy định; một người không thể kết hôn với người khác nếu không có giấy tờ chứng minh vợ hoặc chồng của mình đã chết, làm cơ sở chấm dứt quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật; việc phân chia di sản thừa kế không thể thực hiện được nếu không thể chứng minh người để lại di sản đã chết; thanh toán các khoản nợ của người chết như thế nào…

Như vậy, sẽ có rất nhiều tranh chấp xảy ra, gây tốn kém về thời gian, tiền của, công sức của người dân khi một trong hai bên tham gia quan hệ pháp luật bị chết nhưng không được thông báo và được Nhà nước xác nhận thông qua thủ tục đăng ký khai tử.

Tăng cường tuyên truyền

Việc đăng ký khai tử giúp gia đình người chết thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý, đảm bảo quyền lợi mà còn có vai trò quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước và ban hành các chính sách phù hợp. Việc người dân không thực hiện đăng ký khai tử sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch, quản lý dân số, quản lý hộ khẩu, thực hiện chính sách về an sinh xã hội... Có thể, sẽ có trường hợp người chết vẫn được phát thẻ cử tri đi bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; người chết vẫn được trả lương hưu trong nhiều năm; người chết vẫn được hưởng trợ cấp hàng tháng…

Như vậy, việc không nắm bắt đầy đủ thông tin về người chết sẽ ảnh hưởng đến công tác hoạch định chính sách về dân số nói riêng và chính sách phát triển KT - XH nói chung. Làm tốt công tác hộ tịch, đặc biệt là việc khai tử sẽ góp phần ngăn chặn được những hành vi cố tình trục lợi chính sách của Nhà nước. Đơn cử như vào năm 2013, trên nhiều địa bàn TP. Vinh, Yên Thành, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò xảy ra sự việc khai tử người đang sống hay trước đó vào năm 2012 ở Thanh Chương xảy ra vi phạm về đăng ký khai tử ở xã Thanh Chi nhằm mục đích ăn chặn tiền chính sách của các đối tượng bảo trợ xã hội. 

Theo Điều 32, Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 ngày 20/11/2014 thì cơ quan có thẩm quyền khai tử quy định như sau: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử”. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thân nhân mất thì gia đình phải đăng ký khai tử tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Phó phòng Hành chính Tư pháp (Sở Tư pháp) cho biết, tỷ lệ đăng ký khai tử còn đạt chưa cao, đặc biệt ở các huyện miền núi, vùng cao. Cùng với đó, tỷ lệ đăng ký lại, đăng ký quá hạn việc khai tử còn xảy ra nhiều ở các địa phương. “Vì việc đăng ký khai tử là trách nhiệm của người thân, nếu gia đình không đi đăng ký thì không ai ép buộc được”, chị Thủy trao đổi thêm.

Theo tổng hợp của Sở Tư pháp thì riêng trong năm 2015, toàn tỉnh có 20.498 người được đăng ký khai tử nhưng trong đó có 6.586 người đăng ký quá hạn. Đối với số người chết nhưng không được người thân đi đăng ký khai tử thì không thống kê được. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở các địa phương. Như tại huyện Hưng Nguyên, mặc dù đã có hệ thống phần mềm nhưng số lượng người chết thực tế là bao nhiêu thì vẫn không có con số chính xác. Cùng với đó, khoảng 30% số hồ sơ đăng ký khai tử của người dân là quá hạn.

Theo ông Phan Văn Trường - Trưởng phòng Tư pháp huyện Hưng Nguyên: đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng nhiều gia đình không thực hiện đi đăng ký khai tử theo đúng quy định. Lý do là họ nghĩ chết là hết, không có quyền lợi gì nữa nên đăng ký hay không không quan trọng. Chỉ khi phát sinh quyền lợi thì họ mới lục đục đi đăng ký, có thời điểm số lượng đăng ký khai tử nhiều vì có đợt làm chế độ chính sách. 

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường tập huấn, kiểm tra nhưng vẫn còn để xảy ra những hạn chế, thiếu sót và cả hành vi vi phạm pháp luật về hộ tịch gây bức xúc trong dư luận. Để giải quyết triệt để vấn đề trên, nhằm đưa hoạt động đăng ký khai tử vào nề nếp, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về dân cư thì các cơ quan Nhà nước cần tích cực, chủ động tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức trong việc thực hiện thủ tục đăng ký khai tử theo đúng quy định. Thực hiện cải cách thủ tục đăng ký khai tử theo hướng đơn giản nhất để giúp người dân dễ dàng thực hiện.

Nguyên Hưng

TIN LIÊN QUAN