(Baonghean) - HĐND tỉnh đã ban hành 111 nghị quyết từ đầu nhiệm kỳ đến nay với nhiều quyết sách xuất phát từ cuộc sống, vì cuộc sống, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể nói, 111 nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ 2016 – 2021 đến nay, ngoài các nghị quyết về tổ chức cán bộ thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh, đều là những nghị quyết được trăn trở và đầu tư chất xám, trí tuệ trên cơ sở nắm bắt thực tiễn, nghiên cứu sâu các vấn đề của Thường trực, các ban, các tổ và từng đại biểu HĐND tỉnh. Các nghị quyết về giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được ban hành đã mang lại những quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự phát triển đột phá đối với từng ngành, từng lĩnh vực. 

1514262774797.jpgĐồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tìm hiểu đời sống và sản xuất của người dân xã Châu Nga (Quỳ Châu). Ảnh: P.V

Điển hình lĩnh vực nông nghiệp có Nghị quyết về quy định mức hỗ trợ thực hiện chính sách khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chính sách khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh có tác động tích cực đến người nông dân, thông qua vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã để xây dựng cánh đồng sản xuất lớn theo chuỗi, từ lựa chọn giống cây trồng đến kỹ thuật thâm canh, bao tiêu sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, sau tròn 1 năm ban hành (tháng 12/2016), đã có 9 doanh nghiệp, hợp tác xã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cánh đồng lớn. Hay Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị quyết số 125/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết số 200/2015/NQ-HĐND) được ban hành cũng có nhiều đổi mới trong việc xây dựng chính sách nông nghiệp, hướng tới nền sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, giá trị sản xuất các sản phẩm cây - con trên địa bàn tỉnh, hạn chế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giải phóng sức lao động cho người nông dân, như hỗ trợ giống mới, tiến bộ kỹ thuật máy gieo mạ, máy thu hoạch mía, hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã… 

Ngư dân xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) Vận thu hoạch cá. Ảnh: Nguyễn Vân

Có thể nói, mỗi một vấn đề tồn tại, bất cập đặt ra trong cuộc sống đều được HĐND tỉnh nhìn nhận rõ để ban hành chính sách tháo gỡ. Ví dụ, mặc dù không thuộc trong các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, nhưng thực tế nhiều xã ở các huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao và điều kiện phát triển cũng rất khó khăn. 

Đơn cử ở huyện Con Cuông, xã Đôn Phục có 50,50% hộ nghèo và 23,92% hộ cận nghèo; xã Cam Lâm có tỷ lệ hộ nghèo 48,23% và cận nghèo là 45,65%. Từ thực tế đó, để tạo sự phát triển đồng đều giữa các địa phương, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết 30a của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, gồm 44 xã, thuộc 6 huyện: Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương. 

Ông Nguyễn Thế Mạnh - Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn (Con Cuông) chia sẻ: Từ chính sách của HĐND tỉnh ban hành đã góp phần thay đổi một bước tư duy trong sản xuất của người dân, từ chủ yếu làm nương rẫy, khai thác các sản phẩm phụ từ rừng và chăn nuôi thả rông; nay đã biết sản xuất lúa nước và nuôi trâu bò nhốt, nâng cao chất lượng con nuôi. Hiện tại, trên địa bàn xã có 30 ha diện tích lúa nước được khai hoang để sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và 20 gia đình được hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi trâu bò và lợn.

Bên cạnh những nghị quyết có tác động trực tiếp đến từng đối tượng được thụ hưởng, thì nhiều quyết nghị của HĐND tỉnh cũng khơi dậy quyết tâm chính trị của chính quyền và hệ thống chính trị các cấp trong thực hiện một số nhiệm vụ của địa phương. Rõ nét nhất là Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND quy định một số biện pháp giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, hè phố trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020, được xem như cái “gậy” để các cấp chính quyền, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc mạnh mẽ với sự quyết tâm, quyết liệt cao. Đến thời điểm này, 21/21 huyện, thành, thị ban hành kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa; 15/21 huyện, thành, thị ký quy chế phối hợp với các đơn vị quản lý đường sắt về đảm bảo và xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông.

Không chỉ ở các nghị quyết chuyên đề sâu, nhiều nghị quyết được ban hành hàng năm cũng bám sát thực tiễn và mang hơi thở cuộc sống, hạn chế lãng phí về nguồn lực, tài nguyên đất, đồng thời khắc phục những bất cập, tồn tại, như Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thu chi và quyết toán ngân sách; kế hoạch bố trí vốn xây dựng cơ bản; danh mục công trình, dự án và chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện công trình, dự án… 

Cơ giới hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Mỹ Nga

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: “Các nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành thời gian gần đây đã bắt đúng “mạch”, điểm đúng “huyệt” những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, tạo bước đột phá, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều nội dung, lĩnh vực của tỉnh. Nhiều nghị quyết xây dựng được chú trọng làm rõ nguồn lực và các điều kiện bảo đảm để khi ban hành, đưa vào thực hiện đạt hiệu quả cao. Đó còn là công tác triển khai, đưa nghị quyết vào cuộc sống được UBND tỉnh, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện bài bản và quyết liệt; công tác đôn đốc giám sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh sát sao và có chiều sâu hơn”. 

“Để các quyết nghị của HĐND tỉnh ban hành có chất lượng, điều quan trọng là phải căn cứ và xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp và vì mục tiêu phát triển của tỉnh”, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN