Ban hành 63 nghị quyết
Trong năm 2020, HĐND tỉnh đã tổ chức 5 kỳ họp (2 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp bất thường) - đây là năm có nhiều kỳ họp nhất trong nhiệm kỳ. Ngoài công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, tại 5 kỳ họp này, HĐND tỉnh đã xem xét, ban hành 63 nghị quyết chuyên đề về các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Có thể nói, mỗi một chủ trương, chính sách được xem xét, quyết nghị thông qua đều thể hiện sự trăn trở, trách nhiệm của HĐND tỉnh trước yêu cầu phát triển cũng như giải quyết các khó khăn, bất cập đặt ra trong thực tiễn. Như trong lĩnh vực đầu tư công, HĐND tỉnh thông qua nhiều nội dung quan trọng như Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về việc giao UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư một số sự án nhóm C; Nghị quyết về chủ trương đầu tư 13 dự án cấp bách trên địa bàn tỉnh.
HĐND tỉnh cũng thể hiện rõ trách nhiệm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX thông qua ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Như Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh… Cùng đó là một số chính sách an sinh xã hội.
"Soi vào thực tiễn, các chủ trương, chính sách được HĐND tỉnh ban hành trong năm 2020 đều bám sát thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống và khi triển khai thực hiện trong thực tiễn, từng chủ trương, chính sách có “sứ mệnh” thúc đẩy phát triển ở một số lĩnh vực và giải quyết khó khăn cho một số đối tượng cụ thể".
Bám sát vấn đề người dân quan tâm
Ngoài xem xét, ban hành nhiều chủ trương, chính sách mang ý nghĩa thấu hiểu các vấn đề mà thực tiễn đặt ra, trong năm 2020, HĐND tỉnh cũng đã bám sát các vấn đề nhân dân quan tâmđể vào cuộc.
Điều này được thể hiện qua 2 phiên giải trình được Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn về tiến độ thực hiện một số dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn tỉnh; tình trạng sai phạm của một số Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh.
"Các vấn đề đưa ra giải trình đều được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan làm sáng tỏ, đặc biệt là trách nhiệm, giải pháp để khắc phục các tồn tại".
Phiên chất vấn tại 2 kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm cũng được đổi mới trong việc lựa chọn nội dung. Đặc biệt tại kỳ họp cuối năm - kỳ họp thứ 17 vừa qua, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, HĐND tỉnh không chất vấn theo nhóm chuyên đề hoặc lĩnh vực cụ thể, mà tiến hành chất vấn theo hướng mở, liên quan đến trách nhiệm của UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương trong thực hiện các Kết luận chất vấn và các kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Như xử lý các tồn tại, bất cập tại các khu đô thị, khu chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố Vinh; các vấn đề liên quan về điện, giải quyết các tồn tại, vướng mắc khi thực hiện đầu tư xây dựng, vận hành các dự án thủy điện; bất cập trong công tác giao đất, giao rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; việc làm cho lao động khu vực miền núi, vùng dân tộc; một số dự án trọng điểm chậm tiến độ…
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, với việc thay đổi cách thức chất vấn “mở”, vừa tạo cho các đại biểu HĐND tỉnh thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trước các vấn đề cử tri đã gửi gắm, phản ánh; vừa khẳng định trách nhiệm của HĐND tỉnh theo đuổi đến cùng các vấn đề đã đặt ra, nhất là các vấn đề dân sinh; đồng thời nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức, quyết tâm, quyết liệt hành động khắc phục các tồn tại, hạn chế của UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương.
Cũng xuất phát từ việc quan tâm đến các vấn đề của nhân dân, trong năm, HĐND tỉnh tổ chức cuộc giám sát việc triển khai thực hiện 16 nghị quyết trọng tâm liên quan đến cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Ở mỗi Ban HĐND tỉnh đều tiến hành 2 - 3 cuộc giám sát, khảo sát liên quan đến những vấn đề dân sinh như đầu tư phát triển điện phục vụ địa bàn miền núi, biên giới; hoạt động y tế dự phòng và xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; thực trạng lao động và giải quyết việc làm vùng miền núi, dân tộc…
Hoạt động tiếp công dân của đại biểu HĐND tỉnh, ngoài cử người tham gia kỳ tiếp công dân tại Hội đồng tiếp công dân tỉnh, hàng tháng, Thường trực HĐND tỉnh cũng phân công đại biểu HĐND tỉnh tham gia tiếp công dân tại địa phương nơi mình ứng cử. Theo bà Thái Thị An Chung - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, cách làm này, vừa giúp các đại biểu HĐND tỉnh nắm sâu hơn những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa bàn để báo cáo Thường trực HĐND tỉnh vào cuộc.
"Đối với đại biểu HĐND tỉnh là lãnh đạo các sở, ban, ngành cơ quan cấp tỉnh sẽ đánh giá được công tác quản lý nhà nước ở từng địa phương, kể cả việc thực hiện quy trình tiếp dân, giải quyết đơn thư, phản ánh của nhân dân để cùng tham gia vào công tác này".
Có thể nói, bằng tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển chung của tỉnh và cử tri, nhân dân tỉnh nhà, hoạt động của HĐND tỉnh trong năm 2020 tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình trong hệ thống chính trị và nhân dân. Đây là tiền đề quan trọng để HĐND tỉnh nhiệm kỳ mới 2021 - 2026 phát huy, đổi mới, sáng tạo hơn nữa, xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương.