(Baonghean.vn) - Việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới chưa có tính bền vững; huy động đóng góp của nhân dân cao, nợ đọng vẫn xảy ra.... Đó là các vấn đề được ghi nhận tại cuộc giám sát việc thực hiện các tiêu chí chương trình nông thôn mới của Thường trực HĐND tỉnh tại 2 xã Nam Hưng và Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn sáng 27/9.

Đồng chí Hoàng Viết Đường – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát; cùng tham gia có đại diện MTTQ tỉnh, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh và lãnh đạo huyện Nam Đàn.

images1697363_dsc_3590___1.jpgĐồng chí Hoàng Viết Đường - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn cuộc giám sát

Tại xã Nam Hưng, chương trình nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tập trung triển khai. Quá trình xây dựng nông thôn mới, địa phương quan tâm chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, đẩy mạnh đa dạng hóa các cây, con, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Nam Hưng cũng chú trọng vận động nhân dân tham gia ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa..., nhằm giảm sự đóng góp của người dân. Tuy nhiên, tổng mức huy động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới vẫn còn cao, chiếm hơn 33%. 

Cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư cơ bản tại xã Nam Hưng
Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư khá đồng bộ tại xã Nam Hưng.

Hiện xã còn nợ nguồn vốn xây dựng hơn 5 tỷ đồng. Đến thời điểm này, xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí nhưng chưa có tính bền vững. Cụ thể, năm 2010, 2011, xã đã đạt tiêu chí hệ thống chính trị, xã hội, nhưng từ năm 2013 đến nay lại chưa đạt; tiêu chí y tế năm 2012 đạt nhưng năm 2013, 2014 chưa đạt; tiêu chí môi trường năm 2011 đạt nhưng năm 2012 chưa đạt.

Còn tại xã Nam Nghĩa, mặc dù được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 nhưng đến nay địa phương vẫn còn nợ hơn 4,2 tỷ đồng.

Đoàn giám sát làm việc tại xã Nam Nghĩa

Thông qua giám sát, đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, việc xây dựng nông thôn mới là một quá trình liên tục, các địa phương cần tiếp tục chăm lo để đảm bảo sự ổn định và bền vững các tiêu chí.

Chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất; gắn với đó là nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa, cải thiện môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Minh Chi

TIN LIÊN QUAN