(Baonghean.vn) - Ngày 20/8, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh do ông Trần Quốc Chung – Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách làm trưởng đoàn có cuộc khảo sát tình hình sử dụng đất, bàn giao đất, thuê đất tại Xí nghiệp chè Bãi Phủ và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Anh Sơn. Cùng tham gia đoàn giám sát có đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên – Môi trường.
Buổi sáng, qua khảo sát tại Xí nghiệp chè Bãi Phủ, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển chè Nghệ An cho thấy, tổng diện tích đất tự nhiên xí nghiệp đang quản lý là 524,46 ha. Trong đó có hơn 419 ha đất nông nghiệp; 32 ha đất rừng; số còn lại đất hoang, khe suối, nuôi trồng thủy sản, đường giao thông, đất phi nông nghiệp. Hiện tại xí nghiệp đã khai thác, sử dụng toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thông qua giao khoán cho hơn 1.000 hộ gia đình để trồng cây chè, cây mía, ngô, đậu, lạc; đất phi nông nghiệp và xây dựng văn phòng cơ quan, xí nghiệp chế biến chè... Số đất còn lại đang đề nghị chuyển cho chính quyền địa phương quản lý.
Theo quy định, xí nghiệp là chủ thể được nhà nước giao đất để tổ chức sản xuất, kinh doanh phải lập quy hoạch sử dụng đất và quản lý chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất. Tuy nhiên thực tiễn thời gian qua xí nghiệp chủ yếu đang khoán trắng cho các hộ dân nhận khoán, cho nên khi có những hộ dân xây dựng nhà ở trên đất nhận khoán, việc bán sản phẩm chè ra ngoài thị trường, xí nghiệp không thể quản lý nổi. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các hộ nhận khoán đối với xí nghiệp chỉ 3% trong tổng 60% sản phẩm mà xí nghiệp giao khoán cho các hộ, còn xí nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước hàng năm chỉ có 12,6 triệu đồng tiền thuế thuê đất và 4 triệu thuế môn bài.
Buổi chiều, đoàn khảo sát làm việc với Ban quản lý rừng phòng hộ Anh Sơn. Tổng số diện tích đất rừng mà Ban quản lý và bảo vệ là 8.146,7 ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ với 7.916 ha. Hiện nay, Ban mới thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ, chưa tổ chức sản xuất kinh doanh. Việc tổ chức bảo vệ được thực hiện theo hình thức giao cho cán bộ, nhân viên của Ban, giao cho hộ dân và lực lượng Bộ đội Biên phòng với 2.630,91 ha. Thực trạng quản lý và bảo vệ rừng được giao chưa thực sự phát huy được các tiềm năng của rừng và đất rừng, dẫn đến đời sống và thu nhập của người lao động chưa đảm bảo. Đặc biệt có hơn 1.500 ha được Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn trước đây (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ) giao khoán cho 6 đơn vị liên doanh chưa thể thu hồi để giao cho Công ty Cao su Nghệ An phát triển dự án trồng cây cao su.
Đoàn khảo sát HĐND tỉnh đã ghi nhận thực trạng quản lý, sử dụng, bàn giao và cho thuê đất tại 2 đơn vị, trong đó lưu ý với từng đơn vị những việc cần quan tâm nhằm đưa việc quản lý, sử dụng đất thuộc phần quản lý của mình có hiệu quả. Về phía huyện Anh Sơn cần quan tâm quản lý Nhà nước về vấn đề này, đồng thời cùng phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trên địa bàn; quan tâm rà soát việc quản lý và sử dụng đất tại các nông, lâm trường, tổng đội TNXP để đề xuất biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả.
Minh Chi