bna__mai_hoa_49628084_1832022.jpgChuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, sáng 18/3, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức cuộc họp thẩm tra một số dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù đối với huyện Đô Lương. Ảnh: Mai Hoa

Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thái Thị An Chung - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Theo tờ trình của UBND tỉnh, Đô Lương là huyện trung tâm kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh liên huyện, liên vùng Tây Nam tỉnh Nghệ An. Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, UBND tỉnh đã xác định nhiệm vụ xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển huyện Đô Lương trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ vùng Tây Nam Nghệ An là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Thời điểm hiện tại, huyện đang nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương với phạm vi nằm trong địa giới của 14 đơn vị hành chính cấp xã với tổng diện tích tự nhiên khoảng hơn 7.930 ha. Mục tiêu xây dựng đô thị trung tâm huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030.  

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tham gia ý kiến tại cuộc thẩm tra. Ảnh: Mai Hoa

Hiện nay, nguồn kinh phí phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Đô Lương cơ bản từ ngân sách địa phương của UBND tỉnh giao hàng năm và nguồn thu sử dụng đất phân cấp cho cấp huyện được phân cấp theo nghị quyết của HĐND tỉnh; với tổng mỗi năm khoảng 70 tỷ đồng.

Từ nguồn này chưa đảm bảo nguồn lực để thực hiện đề án “Xây dựng đô thị trung tâm huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030” theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua.

Từ thực tiễn đó, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện Đề án “Xây dựng đô thị trung tâm huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030”.

Một góc Thị trấn Đô Lương. Ảnh: Quang Dũng

Theo đó, huyện Đô Lương sẽ được hưởng 100% tiền sử dụng đất thu được từ các khu đất quy hoạch (tại thị trấn Đô Lương và các xã Yên Sơn, Văn Sơn, Lạc Sơn) với diện tích đất ở khoảng 25,43 ha để bố trí đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn huyện.

Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, ông Hoàng Văn Hiệp giải trình một số nội dung đặt ra tại cuộc họp. Ảnh: Mai Hoa

Thẩm tra dự thảo nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện Đề án “Xây dựng đô thị trung tâm huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030”, các thành viên tham gia cuộc họp cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo nghị quyết để trình Thường trực HĐND tỉnh đưa vào chương trình kỳ họp thứ 5, dự kiến tổ chức vào ngày 25/3/2022.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đặt ra băn khoăn khi cơ chế, chính sách đặc thù dành cho huyện Đô Lương chưa đủ đáp ứng để thực hiện mục tiêu trở thành đô thị loại IV,  làm tiền đề cho huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030.

Có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo văn bản bổ sung giai đoạn thực hiện nghị quyết, đảm bảo chặt chẽ của nghị quyết, đồng thời giải quyết tình huống đến năm 2030, trong tổng diện tích thuộc phạm vi của nghị quyết chưa được thực hiện hết thì sẽ không được thực hiện tiếp.