(Baonghean) Nhà có cô cháu gái, năm nay học lớp 10. Sống trong gia đình bố mẹ công chức Nhà nước nên cô cháu được chăm sóc khá cẩn thận. Nghĩa là bố mẹ đều dành cho cô công chúa nhỏ mọi điều kiện tốt nhất: ăn, ở, áo quần, đồ dùng học tập và kèm theo đó là chế độ giáo dục theo khuôn phép: chăm học, chăm làm, vâng lời bố mẹ. Từ nhỏ đã được rèn luyện với những phép tắc đó nên cô cháu gái học rất khá, ngoan ngoãn, hiền lành.

Lên bậc THPT, cô cháu gái thành thiếu nữ, được nhiều bạn trai cùng lớp và trên khóa để ý. Nhiều anh chàng viết thư tay, nhắn tin, tặng quà bày tỏ tình cảm... ở lứa tuổi mới lớn, cô cháu gái có những rung động theo kiểu "say lòng mặt". Thay vì thông cảm, chia sẻ, nhỏ to tâm sự cùng con, khi biết chuyện, bố mẹ cô cháu gái làm ầm lên, cắt chế độ sử dụng điện thoại, cấm tiệt con không được chơi với bạn khác giới và để giám sát con, bố, mẹ thay phiên nhau đưa đón.


Tính tình cô cháu gái trước đây vốn vui vẻ, hoạt bát bỗng nhiên ít nói, trầm buồn hẳn và học hành có phần sa sút. Là con một, không có chị em để chia sẻ mọi chuyện, bố mẹ lại không hiểu tâm lý lứa tuổi, không chịu lắng nghe con nên cô bé sống khép mình, lặng lẽ hơn...


Để giáo dục con nên người, ngoài những phép tắc, nề nếp gia phong, các bậc làm cha, làm mẹ cần chia sẻ những tâm tình của con, từ đó cho con những lời khuyên bổ ích, định hướng cho con trong tình cảm, để con tránh những sai lầm không đáng có xảy ra.

Nam Phương