(Baonghean.vn) - Năm nay, với thông điệp “Hãy cùng thu hẹp khoảng cách phòng ngừa sốt rét” Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tập trung vào lĩnh vực dự phòng - chiến lược quan trọng làm giảm số mắc và tử vong do sốt rét - căn bệnh tiếp tục giết chết hơn 400.000 người mỗi năm.
Sốt rét là một bệnh do ký sinh trùng (KST) sốt rét truyền từ người bệnh sang người lành bởi muỗi Đây là một bệnh phổ biến trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng. Theo tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có từ 350 triệu người đến 500 triệu người mắc và hơn 1 triệu người chết do sốt rét (trong đó đa số là trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước châu Phi).
Nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống sốt rét, làm giảm số mắc và chết, giảm gánh nặng bệnh tật do sốt rét gây ra. Tại kỳ họp lần thứ 60, tổ chức Y tế thế giới đã nhất trí chọn ngày 25 tháng 4 là "Ngày sốt rét thế giới" với mục đích truyền thông giáo dục cho cộng đồng về bệnh sốt rét, nâng cao hiểu biết về bệnh và phương pháp phòng chống bệnh.
Từ đó, thực hiện thành công chiến lược kiểm soát bệnh sốt rét thông qua các hoạt động dựa vào cộng đồng, đồng thời phổ biến cho cộng đồng biết được những thành quả cũng như những khó khăn, thách thức trong công cuộc phòng chống sốt rét quốc gia.
Ngay từ năm 2000, phòng ngừa sốt rét đã có vai trò quan trọng làm giảm số mắc và tử vong do sốt rét chủ yếu thông qua việc mở rộng phạm vi bao phủ màn tẩm hóa chất diệt (ITNs) và phun tồn lưu hóa chất trong nhà (IRS).
Ở khắp vùng cận Saharan châu Phi nơi tập trung chủ yếu sốt rét toàn cầu, phần lớn dân số đang ngủ dưới ITNs. Trong năm 2015, ước tính khoảng 53% dân số nguy cơ được bảo vệ bằng ITNs so với 30% năm 2010. Trong 20 quốc gia châu Phi, giai đoạn 2010 -2015 điều trị dự phòng cho phụ nữ mang thai tăng gấp 5 lần.
Theo Báo cáo sốt rét thế giới của WHO 2016, trong năm 2015 có 212 triệu ca mắc mới sốt rét và 429.000 trường hợp tử vong, cứ mỗi 2 phút lại có một đứa trẻ chết vì sốt rét.
Mở rộng phạm vi phòng ngừa đang thu được những kết quả khả quan, ước tính mới nhất của WHO cho thấy nhiều quốc gia còn sốt rét lưu hành gánh nặng sốt rét đã được làm giảm đáng kể. Trên quy mô toàn cầu, số ca mắc mới sốt rét giảm 21% giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ tử vong sốt rét giảm 29% so với cùng kỳ 5 năm trước đó.
Ngày thế giới phòng chống sốt rét năm nay, WHO kêu gọi các quốc gia và đối tác khẩn trương cải thiện tiếp cận các công cụ dự phòng cứu mạng sống, trung bao phủ các công cụ dự phòng sốt rét cốt lõi đã được kiểm chứng trong kiểm soát vector như màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu (LLINs), phun tồn lưu hóa chất diệt muỗi trong nhà (IRS) cùng các liệu pháp dự phòng theo thai kỳ cho phụ nữ mang thai, điều trị dự phòng cách quãng cho trẻ sơ sinh, hóa trị liệu sốt rét theo mùa.
Các hoá trị liệu dự phòng này là những yếu tố chính của gói biện pháp phòng ngừa và kiểm soát sốt rét toàn diện được WHO khuyến cáo với mục đích can thiệp ngăn ngừa sốt rét bằng cách duy trì mức độ thuốc điều trị trong máu suốt thời kỳ nguy cơ sốt rét lớn nhất.
Việt Nam là một nước có sốt rét lưu hành, gần 30 triệu dân có nguy cơ mắc sốt rét. Mặc dù công cuộc phòng chống sốt rét của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, bệnh sốt rét từng bước được khống chế. Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết do sốt rét giảm ít nhất 5% so với những năm trước, không có dịch sốt rét lớn xảy ra.
Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng chống sốt rét vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Bệnh sốt rét có nguy cơ quay trở lại. Hiện tượng dân giao lưu vào vùng sốt rét lưu hành khó kiểm soát, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, kiến thức về tự phòng chống sốt rét cho bản thân và gia đình rất hạn chế, ký sinh trùng tăng sức chịu đựng đối với thuốc sốt rét, muỗi kháng hóa chất, tâm lý lơ là đối với bệnh sốt rét của cán bộ y tế tại vùng không có sốt rét lưu hành hoặc sốt rét lưu hành thấp.... Do đó, đã tạo nên nhiều khó khăn cho hệ thống phòng chống sốt rét.
Kim Ngọc
(Tổng hợp)