Hậu Troussier, bóng đá Việt đi về đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Bóng đá Việt Nam thời “hậu Troussier” đang là vấn đề được giới chuyên môn và đông đảo người hâm mộ quan tâm, theo dõi và mong ngóng.

Công việc đầu tiên là tìm kiếm, lựa chọn một vị thuyền trưởng giỏi, am hiểu văn hóa và bóng đá Việt, tức là phù hợp với đường hướng phát triển của cả nền bóng đá, của truyền thông và cộng đồng người hâm mộ. Công việc lâu dài là xây dựng và duy trì một giải V.League chuyên nghiệp, chất lượng cao bên cạnh một nền đào tạo trẻ căn cơ, khoa học và hiện đại, có tính cọ xát cao, kết hợp cả việc đưa nhiều nhân tố tài năng ra nước ngoài thi đấu…

Tuyển VN.Jpeg

Dễ thấy, nói thì đơn giản nhưng thực hành thì vô cùng khó khăn, vất vả và nhiều ngáng trở từ khách quan lẫn chủ quan. Trước hết, ai là người giỏi, có số má trên “thị trường” quốc tế, ai là người chắc chắn am tường văn hóa Việt và nội tình bóng đá Việt? Hiện tại, người ta đưa ra một danh sách gần chục nhà cầm quân, cả nội lẫn ngoại nhưng chắc chắn, bóng đá Việt không thể/chưa thể thành công ngay lập tức với một ông thầy nội hay ngoại vì nhiều nguyên nhân khác nhau?

Các nhân tố nội nổi bật như Hoàng Anh Tuấn, Vũ Hồng Việt, Huỳnh Đức, Chu Đình Nghiêm… có thể thành công với một đội bóng trẻ, một đội bóng tiềm lực, giàu tham vọng, nhưng việc “nắm” đội tuyển quốc gia là câu chuyện hoàn toàn khác. Trong đó, việc không dám đảm nhận, hoặc đảm nhận nhưng nhanh chóng thất bại trước đó là cái “dớp” khiến cho những ông thầy nội này chùn bước ngay từ… vòng gửi xe. Điều đó dẫn đến việc những người này chỉ có thể là “người tạm quyền” như ông Hoàng Anh Tuấn với U23 Việt Nam, hoặc những người khác khéo léo chối từ vì “đang bận công việc ở câu lạc bộ” như Huỳnh Đức, Đình Nghiêm hay Hồng Việt…

Các ứng viên ngoại hiện tại được gửi gắm gồm Park Hang-seo, Kiatisuk, Polking, Gong Oh-kyun, Popov… và họ đều có lợi thế riêng nhờ am hiểu V.League, hiểu cặn kẽ học trò, truyền thông và người hâm mộ. Chắc chắn, ai trong số những người này đảm nhận vị trí thuyền trưởng Đội tuyển Việt Nam cũng được tin tưởng và hy vọng, nhờ thực tiễn và kết quả mà họ từng mang lại lâu nay. Tất nhiên, quá trình tìm kiếm một ông thầy ngoại sẽ còn diễn ra và sẽ có thêm nhiều ứng viên mới, nhiều tình tiết mới để chờ đợi. Xem ra, rất khó ông thầy ngoại nào có thể đáp ứng ngay lập tức yêu cầu phát triển hay nâng tầm của bóng đá Việt thời điểm này, bởi so với mặt bằng khu vực, so với phương pháp làm việc hiện tại, bóng đá Việt đang dần tụt lại phía sau mà không thể “phanh” kịp như đang thấy.

Vì vậy, chính lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng như một người hâm mộ bình thường đều hiểu điều quan trọng hiện nay là phải chăm lo, phải làm việc thực chất và hiệu quả thực chất để nâng tầm giải bóng đá chuyên nghiệp, chăm lo đào tạo trẻ để “xây nền móng” cho quá trình dài… Bên cạnh việc đưa cầu thủ giỏi ra nước ngoài thi đấu là việc nhập tịch cầu thủ Việt kiều, không ồ ạt, dễ dãi nhưng cũng tránh nâng lên, đặt xuống như lâu nay.

Rõ ràng, sau thất bại của Đội tuyển Việt Nam ở ASIAN Cup 2023 và Vòng loại thứ 2 World Cup 2026, bóng đá Việt Nam không thể bằng lòng với cách làm, phương pháp cũ, không thể dựa vào chu kỳ thành công 5 năm dưới thời Park Hang-seo để làm chỗ dựa mong manh và cũng không thể tin cậy vào một “thế hệ vàng” vốn đã “chán” bóng đá, hết động lực từ cuối thời Park Hang-seo. Bài học để lại từ các ông thầy ngoại, nhất là từ Philippe Troussier về việc làm mới vội vã, trong khi “đoạn tuyệt” với thành công thời Park Hang-seo, về việc thiếu niềm tin từ các trụ cột cũ, việc tin tưởng thái quá vào các nhân tố trẻ… sẽ còn có giá trị lâu dài trong quá trình ổn định và lấy lại vị thế của cả nền bóng đá.

Hiện tại, V.League 1 và 2 sẽ là “kho dữ liệu” để các nhà hoạch định xây dựng một bộ khung mới cho Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam. Những nhân tố nổi trội cũ, những ai hết động lực sẽ phải nhường chỗ cho những nhân tố mới, có cơ hội và kỳ vọng hơn. Các nhân tố trẻ đương nhiên phải tiếp tục trui rèn, cọ xát để trưởng thành, để được gửi trao, tin cậy. Nên nhớ, dù muốn dù không tới đây, sẽ không chỉ Nguyễn Filip hay Văn Lâm là cầu thủ Việt kiều có chỗ đứng trên tuyển mà sẽ có hàng loạt các nhân tố mới được triệu tập và tin dùng.

Để thấy, sẽ là một cuộc cạnh tranh thú vị và hấp dẫn, sẽ có người lên, có người xuống như quy luật thông thường. Tất nhiên, cuộc cạnh tranh sòng phẳng nào cũng là điều có lợi cho bóng đá Việt, có lợi cho những người có quyết tâm, có thực lực. Cách làm của Indonesia, những bàn thắng xé lưới Nguyễn Filip từ những ngôi sao nhập tịch bên phía đối thủ trên thực tế đã “xé lòng” chúng ta và khiến chúng ta không thể chậm trễ, lùi bước trong bối cảnh mới này.

Tin mới