(Baonghean.vn) - Sau “cú sốc” từ tấm ảnh em bé Syria tị nạn trôi dạt vào bờ biển, Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu đã khẩn cấp họp “nóng” tại Luxembourg để bàn giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư. Thế nhưng, cuộc họp này tiếp tục chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc hơn nữa giữa các nước Liên minh châu Âu với những đề xuất vẫn chưa mang tính tổng thể và không được đồng thuận, bất chấp cảnh báo về mức độ ngày càng trầm trọng của cuộc khủng hoảng. 

Hy vọng le lói cho người di cư

Sau chuyến hành trình cả tháng trời đầy mệt mỏi và nguy hiểm từ Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Serbia, rồi bị chặn lại tại Hungary trước những hàng rào thép gai, trước những nhà ga đóng cửa, hôm qua (6/9), hơn chục nghìn người di cư đã đến được Đức và Áo - miền đất hứa mà họ phải bất chấp cả tính mạng để được đặt chân tới. Khi Hungary đã phải dùng tới những biện pháp mạnh nhất trong vô vọng, Áo và Đức bất ngờ đồng ý mở cửa biên giới đón người tị nạn. Sau chuyến tàu cuối cùng vào sáng hôm qua, đã có tổng số 8.000 người tị nạn tới thành phố Munich của Đức. Sau khi tiến hành sàng lọc y tế, cung cấp thực phẩm và quần áo, họ đã được các trung tâm tiếp nhận đặt ở Munich tiếp đón và được đưa đến các khu người tị nạn do chính phủ Đức thành lập trên toàn quốc. Trong khi đó, Áo cũng đã tiếp nhận khoảng 9.000 người. Trong động thái bày tỏ sự chia sẻ với chính sách tiếp đón người di cư, Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila tuyên bố sẵn sàng nhường lại ngôi nhà ngoại ô của mình để đón tiếp những người di cư. Ông hy vọng sẽ cổ vũ được thêm nhiều người khác cùng sẻ chia gánh nặng của cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Phần Lan dự kiến sẽ nhận khoảng 30 nghìn đơn xin nhập cư trong năm nay, cao hơn tới bảy lần so với năm ngoái. Anh - một quốc gia vốn có quan điểm khá cứng rắn trước vấn đề người di cư cũng đã thông báo sẵn sàng “hành động nhiều hơn nữa” để tiếp nhận thêm hàng nghìn người tịn nạn Syria. 

Nụ người rạng rỡ của người tị nạn Syria khi đến được Munich

Trong số các quốc gia sẵn sàng “dang tay” với người tị nạn, Đức đang được đánh giá là tích cực nhất. Thủ tướng Đức Angela Merket thậm chí còn tuyên bố Đức sẽ không hạn chế số lượng người tị nạn vào nước mình, và Chính phủ sẽ chi thêm ngân sách để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang khiến cả châu Âu chao đảo. Các cơ quan chức năng Đức dự báo số người xin tị nạn tại Đức có thể vượt 800.000 người vào cuối năm nay. 

Động thái của các nước như Đức, Áo, Phần Lan, Anh đang mang lại niềm hy vọng cho hàng trăm nghìn người di cư từ các nước Trung Đông và Bắc Phi, rằng sau những ngày dài lênh đênh trên biển, sau những ngày dài lặn lội khắp biên giới các quốc gia trên đất liền, họ sẽ đến được nơi có cuộc sống yên ổn hơn. Nhưng họ không biết rằng, việc mở cửa biên giới đón người tị nạn như những ngày cuối tuần qua hoàn toàn không phải là một giải pháp lâu dài của châu Âu. Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz chỉ ra rằng quyết định "mở cửa" Hungary để giải tỏa tình trạng ùn tắc hàng nghìn người di cư chỉ là “giải pháp tình thế cho một vấn đề rất cấp bách”. Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Đức Harald Neymanns cho rằng  quyết định mở biên giới là “một trường hợp đặc biệt vì lý do nhân đạo”. Chính vì vậy, trong khi dư luận hoan nghênh Đức và Áo thì một số nước vẫn lo ngại rằng, động thái của hai nước này sẽ gửi đi một thông điệp gây nhầm lẫn đối với người di cư về việc họ được sẵn sàng chào đón tại châu Âu. Điều đó có nguy cơ khiến cuộc khủng hoảng di cư tiếp tục trầm trọng hơn, như quan điểm của Thủ tướng Hungary Viktor Organ: “Quyết định mở cửa biên giới của Áo và Đức cũng sẽ mở đường cho không phải 500.000 mà là hàng triệu người tị nạn vào châu Âu”. 

Châu Âu vẫn “rối như canh hẹ”

Với những cuộc nội chiến kéo dài, những bất ổn liên miên, để người di cư từ bỏ ước vọng tìm đến một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu gần như là không thể. Theo Cơ quan Giám sát biên giới châu Âu, chỉ trong 7 tháng qua, số lượng người di cư tới biên giới châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục là 340.000 người, so với con số 123.500 người cùng kỳ năm trước. Ngoài các ngả vượt biển từ Libya tới Italy, hay mượn con đường Balkan vượt biên giới Serbia vào Hungary, sau đó chạy sang Áo và Đức, người di cư còn “mở” cả vòng cung mới xuyên Bắc Cực, đi qua vùng cực bắc của nước Nga để tới Na Uy. Kể từ đầu năm tới nay, đã có hơn 3.000 người di cư thiệt mạng khi tìm cách đặt chân tới châu Âu, với khoảng 2.600 người thiệt mạng trên địa Trung Hải, còn lại là thiệt mạng khi đi qua các con đường khác như sa mạc Sahara. Với tinh thần nhân đạo mà châu Âu luôn đề cao như một phần giá trị của một EU thống nhất – cũng chính là động lực để Áo và Đức mở cửa biên giới cuối tuần qua, nhiều người cho rằng, bài toán đang khiến châu Âu “đau đầu” không phải là tiếp nhận hay không tiếp nhận người tị nạn, mà là tiếp nhận như thế nào? 

Cuộc họp của các Ngoại trưởng EU hôm 4/9 là sự tiếp nối của cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng diễn ra một ngày trước đó – nơi mà các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng có thể tìm được những giải pháp thích hợp và hiệu quả đối phó với cuộc khủng hoảng di cư. Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier đã kêu gọi sự đoàn kết giữa các thành viên EU trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng lần này. Nhưng đáng tiếc, người ta vẫn chưa thể nhận thấy một châu Âu đoàn kết như mong mỏi của ông Steinmeier. 

Pháp, Đức và Italy có vẻ đồng thuận với sáng kiến “tổ chức đón tiếp những người tị nạn và phân bổ một cách công bằng tại châu Âu”. Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel nêu ý tưởng về “quota mang tính ràng buộc”, Tổng thống Pháp Francois Hollande lại nói về “một cơ chế thị trường và bắt buộc”. Các nước này cũng dự kiến đưa ra một quy chế, theo đó sẽ hồi hương những người không đủ điều kiện xin tị nạn và tăng cường kiểm soát biên giới, tạo "hệ thống quản lý biên giới" để giúp nhận dạng, xác định dấu vân tay và đơn đăng kí tị nạn. Theo chiều hướng này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker dự kiến tuần tới sẽ công bố một kế hoạch tái định cư cho ít nhất 120.000 người tị nạn để giảm gánh nặng cho các nước được coi là cửa ngõ châu Âu (gồm: Italy, Hy Lạp và Hungary). Thế nhưng, các nước Trung Âu là Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và Ba Lan lại theo chủ trương “khước từ người tị nạn”: Ba Lan khẳng định phải tự mình quản lý khủng hoảng nhập cư; Slovakia bác bỏ mọi ràng buộc, thúc ép; Séc phản đối mọi quyết định phân bổ quota tiếp nhận người nhận cư. Tất nhiên, bên nào cũng có cái lý của mình. Nếu phe chủ trương tiếp nhận người nhập cư đề cao tinh thần nhân đạo, thì phe khước từ người nhập cư đưa ra những vấn đề sát sườn như tiềm lực tài chính, nguy cơ mất an ninh, bao gồm cả khủng bố và tội ác...

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhiều lần kêu gọi châu Âu thể hiện tinh thần đoàn kết. Nhưng theo các nhà phân tích, kể từ khi thành lập Liên minh đến nay, gần đây châu Âu mới phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và gai góc, như cuộc khủng hoảng Ucraina, khủng hoảng quan hệ với Nga, hay khủng hoảng Hy Lạp. Và trong các cuộc khủng hoảng lớn này, người ta vẫn thấy một châu Âu chia rẽ với tính toán lợi ích giữa các quốc gia khác nhau. Bởi vậy, sau cuộc của các Bộ trưởng Quốc phòng hôm 3/9, của các Ngoại trưởng hôm 4/9, Bộ trưởng Nội vụ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu sẽ lại họp khẩn tại Brussels (Bỉ) vào ngày 14/9 tới. Và dư luận chờ đợi liệu châu Âu có thể thống nhất được cách ứng xử với cuộc khủng hoảng di cư một cách thống nhất và đáp ứng các gía trị và cộng đồng này vẫn luôn theo đuổi hay không. 

Thúy Ngọc 

TIN LIÊN QUAN