Từ đầu năm 2019, tỉnh Hậu Giang sẽ thực hiện việc hỗ trợ chính sách dân số trên địa bàn. Theo đó, chính quyền các cấp sẽ khen thưởng, biểu dương những cặp vợ chồng sinh 2 con đều là gái.
Cụ thể, mức thưởng kèm Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho gia đình hai con bằng một lần mức lương cơ sở là 1,3 triệu đồng. UBND huyện cũng thưởng kèm theo giấy khen bằng 0,3 lần mức lương cơ sở là 390.000 đồng.
Các địa phương duy trì tốt mô hình gia đình sinh đủ 2 con trong 3 hoặc 5 năm liên tục sẽ được thưởng 3-25 triệu đồng và giấy khen.
Hơn 5 năm qua, mức sinh ở Hậu Giang giảm liên tục, hiện chỉ đạt 1,59 con/bà mẹ, số rất thấp so với vùng đồng bằng sông Cửu Long là 1,8 con/bà mẹ. Tỷ lệ này ở cả nước là 2,04 con/bà mẹ.
Tỷ lệ sinh bé trai ở Hậu Giang cũng luôn cao hơn bé gái, với tỷ suất 103-107 bé trai/100 bé gái.
Từ năm 2013, Hậu Giang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Năm 2013 số người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm 10%; năm 2015 là 12,4%; năm 2017 tăng lên 13,8% tổng số dân. Tỷ lệ người già ở cả nước hiện 11% dân số.
Ngành dân số dự báo nếu không có giải pháp can thiệp, đến năm 2020, tỷ lệ người cao tuổi ở Hậu Giang sẽ hơn 20% và hơn 45% vào năm 2030.
Dân số tỉnh Hậu Giang có 770.000 nhân khẩu, riêng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hơn 180.000 người. Trong đó 127.000 phụ nữ đã có chồng, tuy nhiên tỷ lệ chưa sinh con lên đến hơn 40%.
Không chỉ Hậu Giang, Việt Nam đang bước vào giai đoạn dân số già bởi tỷ suất sinh thấp, mất cân bằng giới tính do tỷ lệ sinh trai cao hơn gái. Tình trạng già hóa dân số tạo nên nhiều áp lực cho xã hội như thiếu lực lượng lao động trẻ, gánh nặng chính sách an sinh xã hội, gia đình đơn chiếc... Nhiều chính sách khuyến sinh đã được Bộ Y tế đưa ra như khuyến khích sinh hai con trở lên, các cặp vợ chồng được tự quyết định số con sinh ra, khen thưởng sinh con gái, cấm chọn giới tính thai nhi...