(Baonghean.vn)- Kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thể khiến giới chức châu Âu và toàn thế giới khỏi sốc và bàng hoàng. Nhưng chính giới Ukraine đang cố gắng biến thách thức này thành cơ hội vàng nhằm “thế chỗ” Anh trong liên minh siêu cường này.
Vào ngày 24/6 vừa qua, người dân “đảo quốc sương mù” đã chính thức quyết định ra khỏi “mái nhà chung” châu Âu với tỷ lệ phiếu sít sao 51,9%/48,1%.
Phản ứng trước sự thất bại cả về chính trị và tư tưởng đối với dự án châu Âu nêu trên, chính giới Ukraine cho rằng nước này có thể thay thế vị trí của Vương Quốc Anh trong EU. Ukraine đang nỗ lực tham gia vào liên minh siêu cường này trong gần 2 năm rưỡi năm qua.
Nghị sĩ Hanna Hopko trong Quốc hội Ukraine đăng trên trang Facebook của mình với nội dung rằng: “liệu rằng việc Anh ra đi thì Ukraine có thể cứu châu Âu được không? Berlin phải đóng vai trò tiên phong: mất London, EU phải trao cơ hội cho Kiev.”
Nghị sĩ Hopko cảnh báo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu bên trong Ukraine chắc chắn sẽ tăng lên, một khi Brussels không trao cho Kiev cơ chế miễn thị thực trong tương lai gần.
Trong khi đó, Thống đốc khu vực Odessa Mikheil Saakashvili bày tỏ tin tưởng Brussels sẽ đề nghị Ukraine gia nhập EU, một khi Ukraine cam kết cải cách thật sự.
Ông Saakashvili thừa nhận “sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, châu Âu đang bước vào thời kỳ suy yếu”.
Ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hối thúc chính quyền Anh quên đi kết quả này, bởi Anh vẫn nằm trong một châu Âu thống nhất và sẽ góp phần bảo vệ các giá trị cốt lõi chung của châu Âu. Theo ông Poroshenko, châu Âu cần đi thẳng vào “trái tim” của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu để những phe phái chống đối dự án nhất thể châu Âu không có cơ hội thành công.
Về phần mình, đại diện Ukraine tại Hội đồng Nghị viện châu Âu lại tỏ ra hoài nghi. Ông cho biết “Brexit thực sự là một trận động đất mạnh, dư chấn của nó chắc chắn sẽ còn lâu dài. Có khả năng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ dần dần được dỡ bỏ, trong khi việc miễn thị thực cho công dân Ukraine, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đình trệ mà không biết bao giờ được giải quyết.”
Còn Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin khẳng định việc Anh ra khỏi EU sẽ không ảnh hưởng tới quyết định miễn thị thực mà EU trao cho Kiev, đồng thời nhấn mạnh điều kiện duy nhất để Brussel thông qua là khi Ukraine hoàn thành các điều kiện đặt ra.
Một số nhà phân tích thì cho rằng kết quả Brexit đã giáng một đòn mạnh vào phe ủng hộ phong trào Maidan tại Ukraine.
Ngoài ra, làn sóng lan rộng của xu hướng hoài nghi châu Âu tại các nước giàu hơn trong EU đã đe dọa tới nguyện vọng châu Âu của Ukraine. Một trong những động lực mà các nước giàu muốn ra khỏi EU là họ sẽ không phải miễn cưỡng chi những khoản trợ cấp cho các nước nghèo hơn trong khối. Trong khi đó, động lực gia nhập khối của các nước nghèo hơn thì ngược lại: họ muốn đón nhận các khoản hỗ trợ tài chính từ các nước giàu hoặc ít nhất được quyền tiếp cận thị trường lao động trong liên minh thương mại lâu đời này.
Cuối cùng, các nhà phân tích lưu ý chính cuộc khủng hoảng giữa EU và Nga càng làm gia tăng chủ nghĩa hoài nghi châu Âu.
Khi đó, phe hoài nghi châu Âu đương nhiên sẽ xem Nga như một người bạn. Các đảng phái chính trị vận động để lấy lại quyền tự chủ của đất nước họ đều hiểu rằng trong một thế giới toàn cầu hóa, không ai có thể tự bước đi một mình. Như vậy, Nga hiển nhiên được xem là trung tâm quyền lực mà các nước này muốn tăng cường hợp tác, ít nhất với mục đích hạn chế sự phụ thuộc vào Washington và Brussels./.
Lan Hạ
(Theo Sputnik)