(Baonghean) - Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 2 đến 6/7. Chuyến thăm diễn ra nhân dịp 2 nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cũng là bước đi chiến lược của 2 quốc gia “đang rất cần đến nhau”.

resize_images1609218_anh_hy_lap___1.jpgThủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras được chào đón tại sân bay của Trung Quốc Ảnh: Greeknewsonline.

Hy Lạp muốn tiền của Trung Quốc

Ngay trước chuyến thăm, trả lời báo chí, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã nhấn mạnh, chuyến công du Trung Quốc lần này nhằm tăng cường và nâng cao quan hệ 2 nước. Dự kiến, 2 bên sẽ ra tuyên bố chung về chuyến thăm cũng như tổ chức Diễn đàn hợp tác Hàng hải lần thứ 2. Thông tin cũng cho biết, 2 bên sẽ ký kết loạt thỏa thuận hợp tác, đầu tư về tài chính, giao thông, khoa học - công nghệ, văn hóa - du lịch…

Đã trải qua tròn 10 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nhưng có thể nói, hiện nay là thời điểm mà Trung Quốc và Hy Lạp cần đến nhau nhất từ trước tới nay.

Về phía Hy Lạp, người ta dễ thấy mục đích mà nước này tìm đến Trung Quốc đó là muốn có một nguồn hỗ trợ tài chính dồi dào, có thể đỡ đần phần nào cho cuộc khủng hoảng nợ của Athens hiện nay.

Mặc dù mới đây, 19 Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung euro đã quyết định giải ngân khoản tiền 10,3 tỷ euro trong gói cứu trợ mới và bắt đầu tiến hành cơ cấu lại nợ cho Hy Lạp theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mâu thuẫn giữa nước này và các chủ nợ vẫn chưa có hồi kết.

Để có thể có các khoản cứu trợ, giải ngân tiếp theo, Hy Lạp sẽ còn phải siết chặt, cải cách và thay đổi hơn nữa theo các tiêu chuẩn khắt khe của các chủ nợ quốc tế. Bởi thế, tìm đến một đối tác ngoài EU để vừa tìm nguồn đầu tư, hỗ trợ vừa tăng cường hợp tác, tạo sự chủ động hơn về kinh tế là các bước đi mà chính phủ Hy Lạp đang thực hiện.

Đặc biệt với Trung Quốc, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras cho biết, hợp tác kinh tế - thương mại giữa 2 nước đang ở mức độ tốt và rất ổn định. Thông qua chuyến thăm lần này, chính phủ Hy Lạp mong muốn sẽ thúc đẩy hơn nữa dòng hàng của nước này vào thị trường lớn Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.

Cùng với đó là thu hút đầu tư hơn nữa phía Trung Quốc vào các dự án giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng của Hy Lạp, vốn đang gặp nhiều khó khăn. Giao lưu văn hóa - giáo dục, chuyển giao công nghệ mới và tăng trưởng du lịch cũng là mục tiêu mà 2 bên nhắm tới.

Một vấn đề nữa cũng phải nhắc đến, đó là chuyến thăm của Thủ tướng Hy Lạp đến Trung Quốc diễn ra ngay sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử tại Anh - với kết quả Anh sẽ rời khỏi EU.

Sau sự kiện này, giới chuyên gia nhận định, cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể sẽ trở lại sớm hơn dự kiến. Cùng với đó là khả năng ra đi của Hy Lạp tại EU.

Có thể nói, nếu Anh hay Đan Mạch, Thụy Điển có những làn sóng muốn rời khỏi châu Âu để khẳng định vị thế độc lập của quốc gia, thì Hy Lạp lại hoàn toàn khác. Chính phủ nước này lo lắng, chính EU sẽ đẩy Hy Lạp ra khỏi liên minh để bớt đi một gánh nặng cũng như duy trì mối gắn kết giữa các thành viên còn lại. Bởi thế, tìm đến Trung Quốc là một cách chuẩn bị cho nước này nếu lâm vào tình huống xấu nhất.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thăm Vạn lý trường thành của Trung Quốc ngày 3/7. Ảnh: Ekathimerini.com.

Mục tiêu nắm giữ cửa ngõ châu Âu

Thế nhưng về phía Trung Quốc, tình huống xấu nhất là Hy Lạp bị EU quay lưng, chắc chắn không nằm trong mong đợi của chính quyền Bắc Kinh. Hy Lạp nằm giữa châu Âu, châu Á, châu Phi - là giao điểm của nhiều châu lục, khiến nước này sở hữu trị trí địa chiến lược tại Địa Trung Hải. Bởi vậy, Hy Lạp trong chiến lược của Trung Quốc chính là cửa ngõ, cầu nối giữa Trung Quốc và cả châu Âu.

Trong bối cảnh, cửa ngõ chính của Bắc Kinh tại châu Âu là Anh vừa bị khép lại sau sự kiện Brexit, Trung Quốc càng có nhiều lý do đến gần hơn với Hy Lạp.

Với vị thế địa chiến lược của mình, Hy Lạp đã trở thành mắt xích quan trọng trong chiến lược lớn “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh. Đây là tham vọng tạo ra một hành lang kinh tế khổng lồ kết nối Trung Quốc với toàn thế giới, dựa trên phát triển cơ sở hạ tầng và khuếch trương ảnh hưởng về phía tây bằng đường bộ, đường biển.

Mới năm ngoái, dư luận đã thấy Trung Quốc thâu tóm một điểm nút quan trọng tại Hy Lạp, đó là cảng Piraeus. Nằm ở biển Địa Trung Hải, cảng Piraeus của Hy Lạp từ lâu đã là “cửa ngõ” cho hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường chính là châu Âu. Đầu tư đặc biệt vào cảng Piraeus, Bắc Kinh cũng sẽ kiến tạo một cơ sở hạ tầng vững chắc kết nối với các phần khác của Châu Âu, từ Athens đến khu vực Balkan và Trung Âu.

Bởi thế, trong phát biểu trước chuyến thăm, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã nhấn mạnh 2 bên sẽ phát triển tốt nhất có thể cảng biển chiến lược này. Và đằng sau phát biểu đó là thông điệp gửi đến Trung Quốc rằng, nếu Bắc Kinh muốn Hy Lạp còn ở lại EU, còn là cảnh cửa để nước này tiến vào châu Âu, thì hãy viện trợ và đầu tư nhiều hơn nữa vào Athens!

Vì thế, với những cái lợi mà đôi bên cùng có được như vậy, chưa cần một thông báo chung, người ta đã thấy một bước phát triển mới trong quan hệ Trung Quốc - Hy Lạp sau chuyến công du lần này.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN