(Baonghean) Ví dặm có sức hấp dẫn rất lớn có lẽ vì đây là lối hát giao duyên, đua tài, thử sức giữa nam và nữ. Đại thi hào Nguyễn Du từng mô tả một buổi hát ví phường vải thật sinh động: “Quây ngoài sân thì trong làng chín mười ả, ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, lại có ả bưng trầu tận miệng, mỹ nữ như hoa” (Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu).

Nguyễn Du cũng từng thừa nhận: “Thôn ca sơ học tang ma ngữ” (Câu hát thôn dã giúp ta hiểu tiếng nói của người trồng dâu, trồng gai) trong (Thanh minh ngẫu hứng). Vốn sống, vốn văn hóa các nghệ nhân dân gian vận dụng trong các buổi hát ví là tri thức về lao động sản xuất, về ca dao, dân ca, về các truyện kể, truyện Nôm khuyết danh và nhất là về Truyện Kiều. Các tình tiết, các câu thơ  trong Truyện Kiều được vận dụng nhiều và rất tài tình trong các buổi hát ví.

Mở đầu các cuộc hát ví, nhất là ví phường vải, thường là các câu hát dạo, hát chào mừng diễn tả sự gặp gỡ tốt lành. Người con trai mong ước cuộc hội ngộ sẽ có dịp kết mối lương duyên như đôi lứa Kim - Kiều trong buổi du Xuân:

Ở nhà dời gót ra đi,
Vừa trong tuần trẩy hội gặp Kiều nhi giữa đường.

Hoặc vừa ra ngõ gặp ngay người mình thầm mong trộm nhớ “Vừa ra vừa gặp người xinh” thì được ví:

Cũng bằng Kim Trọng tiết Thanh minh gặp Kiều.

Nhưng nhiều lúc để gặp được người mình yêu phải mất bao công phu khó nhọc:

Bước xuống sông Lam tìm con cá lội,
Trèo lên Hồng Lĩnh hái mỗi trái sim.
Có thương nhau anh mới đến đây tìm,
Bây giờ kháp (gặp) mặt 
                                  như Kim kháp Kiều.

Lại có khi bên nữ hát chào trước. Các cô mạnh bạo cất lên tiếng lòng:

Đêm khuya sương xuống đất im,
Tai nghe tiếng nhạc
                          chàng Kim đến gần.
Và hồn nhiên thi vị hóa người và cảnh:
Bóng ai thấp thoáng vườn hoa,
Hình như Kim Trọng
                          đến nhà Kiều – Vân.
Người đẹp còn tự tin kiêu hãnh ví:
Em đây vốn thật nàng Kiều,
Chờ chàng Kim Trọng
                          sớm chiều vào ra.

Sau các câu hát dạo, hát chào mừng là các câu hát đối đáp, hát đố. Đây là giai đoạn gay go cuốn hút. Đôi bên phải vận dụng tri thức nhiều mặt. Nội dung Truyện Kiều trở thành đề tài phong phú để thử tài, thử sức trai thanh, gái lịch.

Nữ:  - Truyện Kiều anh đã thuộc làu,
Đố anh kể được một câu
                                     năm người?
Nam: - Này chồng, này mẹ, này cha,
Này là em ruột, này là em dâu.
Nữ: - Truyện Kiều anh đã thuộc lòng
Đố anh kể được một dòng chữ Nho?

Nam: - Hồ Công quyết kế thừa cơ,
 Lễ tiên, binh hậu khắc cờ tập công.

Gặp câu hỏi không trả lời được, bên nam trả miếng bằng cách đố lại bên nữ.      Ví dụ  khi bên nữ hát:

Đồn rằng anh thuộc truyện Kiều
Thuyền quyên xin hỏi mấy điều
                                                phân minh:
Năm nào Kiều lấy Thúc Sinh?
Năm nào Kiều phải bán mình
                                               chuộc cha?

Bên nam trả lời:

- Thiếp hỏi chàng thế thì cũng phải,
Chàng hỏi thiếp Từ Hải con ai?
Lẽ ra Kiều ả Vân em,
Cớ sao lại gọi là Kim – Vân – Kiều?

Cuối buổi hát ví thường là hát xe kết. Đến đây bao nhiêu nỗi niềm tâm sự thường được thổ lộ hết. Các câu thơ Kiều lại được vận dụng, lúc thì để nói lên những lời nguyện ước sắt son:

Nhớ lời nguyện ước ba sinh
Dù xuống ghềnh lên thác
                                          vẫn có mình, có ta.
Lúc thì để nhắc nhở động viên nhau:
Đôi ta như Kim Trọng, Thúy Kiều
Cũng ghe lúc đắng, cũng nhiều lúc cay.

Nam nữ xứ Nghệ say sưa hát ví “như bướm say hoa, như o­ng say mật”... Nhiều lúc:

Hát cho đổ quán xiêu đình,
Cho lăn lóc đá, cho rung rinh trời.

Truyện Kiều từ lâu đã trở thành một trong những món ăn tinh thần hấp dẫn bậc nhất của nhân dân xứ Nghệ. Người ta tổ chức ngâm thơ Kiều, diễn trò Kiều (cũng gọi là chèo Kiều), bình Kiều, xướng họa Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, hát ví Kiều, bói Kiều... như là những thú vui tinh thần không thể thiếu trong dân gian làng quê…


Hồ Sỹ Hùy (P. Hưng Dũng - TP. Vinh)