Chương trình văn nghệ Trường Sơn - con đường huyền thoại gây xúc động cho hàng ngàn khán giả huyện Tân Kỳ. Nơi khởi nguồn con đường huyền thoại
Dịp này, thời tiết ở huyện miền núi Tân Kỳ khá mát mẻ nên bà con các xã vùng trung tâm huyện đã dành thời gian đến Km số 0 - nơi diễn ra Chương trình “Trường Sơn - con đường huyền thoại” để thưởng thức các tiết mục văn nghệ. Có những người ở xa cả chục cây số như Nghĩa Hoàn, Tân Long, Nghĩa Dũng và Nghĩa Hợp cũng đến đây để được nghe những lời ca, tiếng hát về núi rừng Trường Sơn.
Ông Nguyễn Văn Chính - một cựu chiến binh ở xã Kỳ Sơn chia sẻ: “Thời chống Mỹ, tôi có quãng thời gian hơn 3 năm làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn với bao kỷ niệm vui, buồn. Hôm nay nghe tin có chương trình biểu diễn, tôi sắp xếp thời gian và vượt gần 7 km để được thưởng thức và tìm về dòng ký ức gian khổ, ác liệt nhưng vô cùng oanh liệt và hào hùng của một thời tuổi trẻ”.
Tương tự, bà Lê Thị Thanh - cựu TNXP ở xã Kỳ Tân bộc bạch: “Tuổi thanh xuân của tôi và các đồng đội đã để lại nơi núi rừng Trường Sơn ác liệt, làm nhiệm vụ dưới tầm bom đạn của kẻ thù. Đến xem chương trình tôi muốn tìm lại những giây phút của gần 50 năm trước, khi còn là cô gái xấp xỉ tuổi đôi mươi”.
Đến với chương trình, các Đội đã hát vang những ca khúc về Trường Sơn, thể hiện những điệu múa và hoạt cảnh tái hiện cuộc sống hiểm nguy, gian khổ và ác liệt trên tuyến đường chiến lược trong những năm đánh Mỹ. Chương trình Liên hoan tuyên truyền lưu động với chủ đề “Trường Sơn - con đường huyền thoại” do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức. Thông qua chương trình, Ban Tổ chức muốn khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đồng thời, ca ngợi truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường của quân và dân ta để làm nên con đường huyền thoại Trường Sơn - Hồ Chí Minh. Tham gia chương trình có 6 Đội Tuyên truyền lưu động đến từ các tỉnh, thành phố gồm Bình Định, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng, Vĩnh Phúc và TP Hải Phòng.
Đến với chương trình, các Đội đã hát vang những ca khúc về Trường Sơn, thể hiện những điệu múa và hoạt cảnh tái hiện cuộc sống hiểm nguy, gian khổ và ác liệt trên tuyến đường chiến lược trong những năm đánh Mỹ. Đồng thời, thể hiện niềm tin, ý chí chiến đấu, quyết tâm chiến thắng và khát vọng hòa bình của những người lính, TNXP, dân công hỏa tuyến và đồng bào các dân tộc sinh sống dọc con đường mang tên Bác.
Âm điệu hào hùng và đậm chất trữ tình, hành động mạnh mẽ nhưng không kém phần uyển chuyển, các tuyên truyền viên đã truyền đến cho hàng nghìn khán giả dòng cảm xúc tự hào về truyền thống yêu nước, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ đó khơi dậy và bồi đắp khát vọng cống hiến của tuổi trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.
Tiết mục biểu diễn liên khúc “Đi cấy, đi gặt” của Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Thanh Hóa. Vang vọng khúc ca Trường Sơn
Tại chương trình, các tiết mục “Bước chân trên dãy Trường Sơn” (đội Tuyên Quang), “Đường Hồ Chí Minh - Con đường thanh niên”, “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” (đội Thanh Hóa), “Những đứa con Trường Sơn” (đội Cao Bằng) chinh phục khán giả bằng giai điệu trầm hùng và nghệ thuật phụ họa. Còn các tiết mục “Về với Trường Sơn (tổ khúc dân ca bài chòi)” (đội Bình Định), “Rừng vọng” (đội Tuyên Quang), “Hát văn Hải Phòng mời bạn bốn phương” (đội Hải Phòng) và liên khúc “Đi cấy, đi gặt” (đội Thanh Hóa) lại khai thác triệt để yếu tố dân ca vùng miền.
Vì thế, sự thể hiện vừa sinh động, vừa mang đậm bản sắc quê hương. Cùng với đó, những ca khúc về Bác Hồ, về đất nước, quê hương và người mẹ cũng được các tuyên truyền viên thể hiện với tất cả niềm đam mê và bầu nhiệt huyết, mang đến niềm xúc động, bồi hồi cho đông đảo khán giả.
Những ca khúc về Bác Hồ, về đất nước, quê hương và người mẹ cũng được các tuyên truyền viên thể hiện với tất cả niềm đam mê và bầu nhiệt huyết, mang đến niềm xúc động, bồi hồi cho đông đảo khán giả. Tuyên truyền viên của các Đội hầu hết tuổi đời còn trẻ, thuộc thế hệ 8X và 9X, sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, thống nhất. Nhưng là một người con của nước Việt, mang trong mình khát vọng của tuổi trẻ nên sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ tuyên truyền.Đến từ thành phố Hải Phòng, chị Nguyễn Thị Hằng tâm sự: “Tôi thực sự vinh dự, tự hào khi có mặt trong Đội Tuyên truyền lưu động của thành phố cảng phục vụ bà con các tỉnh nằm tuyến đường Hồ Chí Minh. Với tôi, đây như một chuyến hành hương về với cội nguồn lịch sử, về với con đường mà thế hệ cha ông đã anh dũng, kiên cường để viết nên huyền thoại”.
Còn anh Nguyễn Phú, một nghệ nhân thuộc Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Bình Định bày tỏ: “Tham gia chương trình tôi mong được mở rộng tầm nhìn, có thêm trải nghiệm về cuộc sống, đặc biệt là những địa danh gắn với những chiến công chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi cất lên tiếng hát, tôi muốn gửi gắm tấm lòng thành kính, tri ân đối với những con người và vùng đất đã ghi danh vào lịch sử dân tộc”.
Cùng thời điểm diễn ra Chương trình “Trường Sơn - con đường huyền thoại” ở Km số 0, Đội Tuyên truyền lưu động các tỉnh: Hà Tĩnh, Yên Bái, Hưng Yên, Bắc Giang và Lạng Sơn cũng biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương thị xã Thái Hòa tại phường Hòa Hiếu.
Sáng ngày 12/5, 11 Đội Tuyên truyền lưu động tụ hội về Km số 0 tham gia Lễ xuất quân. Sáng 12/5, 11 Đội Tuyên truyền lưu động tụ hội về Km số 0 tham gia Lễ xuất quân. Nơi địa danh thiêng liêng, điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh lịch sử, những chiến sỹ văn hóa tiếp tục hành trình đem lời ca, tiếng hát phục vụ đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai và Bình Phước. Buổi lễ xuất quân diễn ra trang nghiêm, khuôn mặt ai cũng vui vẻ và rạng rỡ lúc lên đường.