(Baonghean) - Để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp huyện Tương Dương luôn phát huy vai trò tích cực của các già làng, người có uy tín trong cộng đồng.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng mối đoàn kết toàn dân, Ủy ban MTTQ huyện Tương Dương gắn với việc triển khai Chỉ thị 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg về “Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” và Đề án số 07/ĐA/MTNA ngày 28/3/2008 về “Xây dựng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An”. Qua đó, cùng đồng bào các dân tộc bình bầu, tôn vinh được 154 già làng, người có uy tín.
Ngay từ mỗi bản, làng, Ban công tác mặt trận tích cực phối hợp chặt chẽ với các chi bộ, ban cán sự động viên các già làng, người có uy tín tham gia vào các công tác của hệ thống chính trị ở cơ sở. Và chính những già làng, người có uy tín đã trở thành những hạt nhân quan trọng trong vận động đồng bào phát triển kinh tế, chăm lo xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bảo vệ an ninh, trật tự ở mỗi bản làng.
Già làng Cụt Kim Liên ở bản Lở, xã Xá Lượng năm nay đã 70 tuổi. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn còn khỏe, nhanh nhẹn lắm. Gần 40 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng và hiện là Ủy viên Ủy ban MTTQ huyện Tương Dương nên già Liên càng hiểu hơn tất thảy mọi người trong bản về những chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng đối với đồng bào các dân tộc. Bởi vậy, trong cuộc sống thường ngày, già luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào do cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể phát động. Ông phối hợp chặt chẽ với các đảng viên, các tổ chức chính trị, xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong bản xóa bỏ tập tục lạc hậu, học cái chữ, tiếp cận khoa học kỹ thuật để phát triển trồng rừng, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bởi vậy, những năm qua, bản Lở không còn tình trạng con em bỏ học, dân bản đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Cuộc sống đồng bào vì thế ngày càng khấm khá, đẩy lùi đói nghèo. Trong đại hội MTTQ huyện, nhiệm kỳ 2014 - 2019, già làng Cụt Kim Liên được tuyên dương về những thành tích trong công tác vận động nhân dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới và bầu đi dự Đại hội MTTTQ tỉnh trong tháng 6 này.
Còn đối với già làng Xồng Chông Của ở bản Pá Lõm, xã Tam Hợp lại có nhiều nỗ lực trong vận động đồng bào Mông xuống núi, gần nguồn nước để thuận lợi cho cuộc sống. Những năm qua, ông luôn là một trong những hạt nhân quan trọng cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai nhiều giải pháp vận động người Mông vùng biên ải không di dịch cư tự do mà quây quần định cư ở bản mới, tổ chức chăn nuôi, trồng rừng nâng cao đời sống và bảo vệ vững chắc an ninh trật tự. Đặc biệt trong năm 2012 - 2013, khi biết có nhóm “người lạ” vào bản truyền đạo trái phép, già Xồng Chông Của đã chủ động khuyên dân bản không nghe theo kẻ xấu, cảnh giác với các âm mưu của các thế lực thù địch; Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy đuổi đối tượng, làm trong sạch địa bàn. Vì thế, ông Của được UBMTTQ, UBND, các đoàn thể huyện Tương Dương ghi nhận là một trong những già làng mẫu mực. Tấm gương của già Xồng Chông Của không chỉ riêng dân bản Pá Lõm kính nể mà còn được đồng bào Mông, Thái, Tày Pọong... ở các bản làng khác tôn vinh.
Để phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước đến các làng bản, gia đình, họ tộc, UBMTTQ các cấp huyện Tương Dương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh việc kiện toàn tổ chức, các cán bộ trong Ban mặt trận từ cơ sở đến huyện thường xuyên tiếp xúc, cung cấp thông tin, tài liệu, kiến thức cho các già làng, người có uy tín để họ truyền bá lại cho con cháu trong bản làng. Hàng năm đều tổ chức đánh giá, sơ, tổng kết để động viên, tuyên dương, khen thưởng những già làng, người có uy tín tích cực, tiêu biểu; Đồng thời qua đó, triển khai lồng ghép các phong trào thi đua với các hoạt động như “Ngày hội Đại đoàn kết” ở các thôn bản; tổ chức các hội nghị tập huấn, làm cho người uy tín tiếp tục khẳng định vai trò, uy tín của mình đối với dân bản. Chính vì vậy, đồng bào luôn nhiệt huyết tham gia vào các tổ chức đoàn thể, vì mục tiêu giảm nghèo bền vững, từng bước vươn lên khá, giàu. Nhờ vậy, những năm qua, Ủy ban MTTQ huyện mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc; Ngày càng tập hợp nhiều người dân vào các tổ chức, hội. Đến nay, tỷ lệ tập hợp của Đoàn thanh niên ở các cơ sở đạt 70%; Hội Nông dân huy động được 63% dân bản tham gia hội viên; Hội Phụ nữ huy động 90% chị em vào tổ chức; Tỷ lệ này ở Hội Cựu chiến binh đạt 98,5%, Hội Người cao tuổi đạt gần 92%. Thống kê của Ủy ban MTTQ huyện, có 107/154 Ban công tác mặt trận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt trên 70%, không có đơn vị yếu kém hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
Từ những kết quả đạt được, Ủy ban MTTQ huyện đang tích cực triển khai các nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ 2014 - 2019. Bên cạnh việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác mặt trận, Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về “Ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội” và “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền”, UBMTTQ huyện Tương Dương tiếp tục chú trọng phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Đối với một địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc cùng chung sống, gồm: Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Tày Pọong, Ơ Đu thì việc tăng cường vai trò của các già làng, người có uy tín càng có ý nghĩa quyết định trong triển khai các phong trào phát triển KT-XH, thi đua xây dựng gia đình văn hóa, bản làng tiên tiến. Ông Lô Thanh Tuân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện khẳng định: “Những già làng, trưởng bản thực sự là điểm tựa tinh thần cho bà con ở các thôn bản, họ tộc trong việc giải quyết các thắc mắc hay hòa giải các mâu thuẫn ở cộng đồng. Họ có nhiều ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Chính vì vậy, việc tiếp tục phát huy vai trò của già làng, người có uy tín được xem là điểm chốt quan trọng để xây dựng mối đoàn kết toàn dân ở địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc…”.
Nguyên Sơn