(Baonghean) - Tú Ngà từng không nghĩ mình chọn con đường nghệ thuật để theo suốt cuộc đời. Nhưng yêu ca hát, cất lên tiếng hát dù ban đầu chỉ để giải toả một nỗi buồn “nào đó”, thì cái đam mê chợt đến để rồi cái nghiệp vận vào mình lúc nào không hay...
Cơ duyên đến với Phạm Thị Tú Ngà khi cô được sự động viên của gia đình tham gia Tiếng hát truyền hình tỉnh Nghệ An năm 1997. Ngày ấy, những cuộc thi đơn ca mang tính chuyên nghiệp cũng chỉ thu hút những giọng ca phong trào, đến với cuộc thi bằng sự hồn nhiên. Đó cũng là thời gian lên ngôi của những ca khúc nhạc Việt, đi đâu người ta cũng gặp các bạn trẻ ngân nga những bài hát của nhạc sỹ Dương Thụ, Bảo Chấn, Lê Hựu Hà... Với Tú Ngà cũng vậy, mỗi khi trường tổ chức văn nghệ cô luôn được bạn bè tung hô với những bài hát nhạc trẻ vui nhộn. Ở đâu có cô ở đó có những tiếng vỗ tay không ngớt. Những ca khúc “Lý ngựa ô” của Trần Tiến, “Vào hạ” của Lê Hựu Hà... được các bạn trẻ yêu cầu Ngà hát đi hát lại.
Tại Liên hoan Tiếng hát truyền hình tỉnh Nghệ An năm 1997, có rất nhiều giọng ca xuất sắc, Ngà dự thi với tâm thế “góp vui”. Thế nhưng, cái tên Phạm Thị Tú Ngà được xướng lên ngôi vị cao nhất với ca khúc “Vào hạ” trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình và bạn bè.
Có lẽ nếu chỉ dừng lại ở một cuộc thi, thì đó cũng chỉ là hành trang sống mà mỗi người trẻ luôn muốn mang theo và có lẽ cuộc đời Ngà cũng đã rẽ sang một con đường khác không có ánh đèn sân khấu nuôi những đam mê được hát hết mình cho người lính. Thế nhưng, buổi chung kết hôm ấy, nhạc sỹ An Thuyên - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội dự ở hàng ghế khách mời, đã thấy Ngà là “viên ngọc” ông cần tìm.
Được đặc cách vào học ở Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, bố cô, một người lính rất yêu ca hát đã thấy ở con gái có năng khiếu bẩm sinh đã mừng rơi nước mắt. Ngà tâm sự “chính bố là người định hướng cho sự nghiệp ca hát của tôi”. Sau khi tốt nghiệp,với kết quả xuất sắc, cô được thầy An Thuyên giới thiệu về Đoàn Văn công Quân khu 4. Từ đây cô thực sự được trở thành “ca sỹ của lính” như bố cô hằng mong mỏi. Hát và đi, đi và hát, mỗi nơi cô và đoàn đến biểu diễn đều vang lên những khúc quân hành rộn rã. Từ năm 2001 về đoàn đến nay đã ngót 15 năm, Ngà có không biết bao nhiêu đêm diễn phục vụ quân đội, phục vụ những người lính Cụ Hồ. Thế nhưng chuyến đi, những đêm diễn mà cô nhớ nhất là đến với những người lính Trường Sa. Những ngày lênh đênh trên sóng nước, cứ lên boong tàu là cô lại nôn thốc nôn tháo vì say sóng rồi “nằm xèo không biết gì”, thế nhưng khi lên đảo là cô lại như được tiếp thêm sức mạnh, say sưa hát cho những người lính đảo nghe giữa trời mây sóng nước. Và cô đã khóc vì khi cất lên ca khúc “Sức sống Trường Sa”... Sau chuyến đi, cô được đồng đội và cấp trên ghi nhận, được tặng Kỷ niệm chương Chiến sỹ Trường Sa.
Đoạt Huy chương Vàng Hội thi Nghệ thuật quần chúng toàn quân vừa rồi với ca khúc “Những đoàn quân như sóng” của nhạc sỹ Đức Trịnh; thế nhưng, khi được hỏi về những danh hiệu trong sự nghiệp ca hát, Tú Ngà bảo danh hiệu lớn nhất của cô là được sự ghi nhận của đồng đội và chỉ huy, nhận được tiếng vỗ tay không ngớt của những người lính nơi cô đến. Tôi hỏi “có tiếc nuối không, nếu là ca sỹ thuộc đoàn dân chính chắc sẽ được thỏa thích hát những ca khúc hợp với chất giọng của mình?”. Ngà trả lời: “Nếu chọn lại, tôi vẫn muốn được vào môi trường quân đội, là môi trường đã cho tôi trưởng thành, cho tôi được hát những khúc quân hành bằng cả đam mê, vừa thực hiện ước mơ của bố”.
Thanh Nga