Cuộc đua tam mã
Đội bóng được đánh giá cao nhất có khả năng vô địch V.League không ai khoác ngoài CLB Hà Nội - đương kim Vô địch của giải đấu. Trước thềm mùa giải mới, CLB Hà Nội chia tay thủ môn Bùi Tiến Dũng, trung vệ Nguyễn Đại Đồng, trung vệ Sajjad Moshkelpour, hậu vệ Phùng Viết Trường và tiền đạo Ganiyu Oseni.
Bù lại, HLV Chu Đình Nghiêm có thêm trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh, hậu vệ Lê Văn Xuân, tiền đạo Lê Xuân Tú từ CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và tiền đạo Gordon Rimario (Thanh Hóa). Trong số các đội bóng V.League, Hà Nội sở hữu nhiều tuyển thủ quốc gia như Quang Hải, Đức Huy, Hùng Dũng, Duy Mạnh và cùng với đó là một lối chơi nhuần nhuyễn, giàu sức tấn công.
Đối thủ lớn nhất của CLB Hà Nội chính là CLB TP Hồ Chí Minh. Đến thời điểm hiện tại, dù thương vụ mang về Lee Nguyễn bất thành nhưng HLV Chung Hae-seong đã mang về hàng loạt gương mặt sáng giá như thủ môn Bùi Tiến Dũng, trung vệ Pape Diakite, tiền vệ cánh Võ Huy Toàn (CLB TP.HCM), tiền đạo Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Công Phượng, Viktor Prodell và tiền đạo Amido Balde.
Mùa giải trước, CLB TP Hồ Chí Minh có phần hụt hơi so với Hà Nội vì lực lượng chưa đủ chiều sâu và năm nay, đội bóng chủ sân Thống Nhất đầu tư rất mạnh để cạnh tranh ngôi vương sòng phẳng với ĐKVĐ. Để có thể cạnh tranh ngôi vô địch được với Hà Nội, CLB TP HCM sẽ phải chắt chiu từng cơ hội và điều quan trọng nhất là phải giành được những kết quả có lợi khi gặp chính đối thủ này.
Ngoài ra, không thể kể đến Viettel, đội bóng có mùa thứ 2 chơi tại V.League nhưng năm vừa rồi, Quế Ngọc Hải và các đồng đội xếp ở vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng. Đội bóng “hậu duệ” Thể Công là một trong những CLB mua sắm mạnh tay nhất khi bỏ ra khoảng 10 tỷ đồng để chiêu mộ bộ đôi Khắc Ngọc, Nguyên Mạnh từ SLNA. Dàn ngoại binh chất lượng và một lứa cầu thủ trẻ vừa chinh chiến tại SEA Games 30, VCK U23 châu Á giúp Viettel đủ khả năng làm nên chuyện.
Khó lường cuộc đua trụ hạng
Mùa giải trước, CLB Nam Định, CLB Hải Phòng và CLB Thanh Hóa là những đội bóng thuộc nhóm nguy hiểm, chỉ xếp trên đội xuống hạng S. Khánh Hòa. Năm nay, CLB Nam Định vạch ra kế hoạch thay mới ngoại binh và đến thời điểm hiện tại, họ mới chỉ thay mới bằng 2 cầu thủ ngoại là tiền đạo Rafaelson Fernandes và tiền đạo Gaston Merlo (SHB Đà Nẵng).
Mặc dù vậy, Nam Định vẫn là một đội bóng có sức chiến đấu và khả năng trụ hạng rất cao vì lối chơi tập thể và đoàn kết. Bên cạnh đó, SVĐ Thiên Trường thực sự là nơi đi dễ khó về với các đối thủ tại V.League.
Với CLB Thanh Hóa, mùa này đội bóng xứ Thanh có HLV mới Fabio Lopez người Italia cùng những trợ lý ngoại quốc. Lực lượng của đội bóng xứ Thanh cũng có nhiều sự xáo trộn khi chia tay cả 3 ngoại binh, các nội binh Lục Xuân Hưng, Lê Văn Sáu, Bùi Văn Long.
Tuy nhiên, CLB Thanh Hóa của bầu Đệ đã có sự chuẩn bị đầy tích cực hướng tới V.League 2020. Một loạt anh tài đã được điền tên vào danh sách mua sắm, trong đó có Hoàng Vũ Samson hay Louis Ewonde. Cộng thêm 2 ngoại binh, Thanh Hóa sẽ thi đấu với 4 “Tây” và khó có thể xếp Thanh Hóa nằm trong nhóm trụ hạng.
Năm nay, CLB Hải Phòng cũng có nhiều sự xáo trộn trong lực lượng cũng như băng ghế huấn luyện. Khi HLV Phạm Anh Tuấn đến cầm quân, Hải Phòng đã mang về 14 cầu thủ mới, bao gồm 3 ngoại binh và các nội binh như Martin Lò hay từ SLNA như Lê Thế Cường, Nguyễn Bá Đức, Phạm Mạnh Hùng.
Khi không còn bộ đôi Fagan và Jeremie Lynch, bài toán đặt ra cho HLV Phạm Anh Tuấn sẽ là gắn kết những cầu thủ lại và xây dựng lối chơi mới, phù hợp với từng con người. Quá trình chuẩn bị cho V.League của CLB Hải Phòng cũng đang gặp đôi chút khó khăn khi nhiều trường hợp chấn thương. Thử thách là điều đang chờ đợi đội bóng đất Cảng.
Khó khăn hơn cả trong cuộc đua trụ hạng vẫn là tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Dù đã tăng cường đủ cả 3 cầu thủ ngoại cũng như dàn nội binh như Lê Tấn Tài, Lê Mạnh Dũng, Viết Trường nhưng kinh nghiệm tại sân chơi V.League luôn là thử thách với bất kỳ tân binh nào. Với riêng HAGL năm nay, khi được bổ sung ngoại binh chất lượng, các nội binh tuyển thủ đạt độ chín, đây sẽ là một nhân tố thú vị của V.League.