Xã đội phó lừa “chạy” chế độ thương binh rồi trốn nã
Hoàng Văn Hải (SN 1960) trú xã Công Thành, huyện Yên Thành, nguyên là Xã đội phó của xã này. Khoảng tháng 10/2007, sau khi biết chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc rà soát, lập hồ sơ cho người có công với cách mạng chưa được hưởng chế độ theo quy định Hải đã lên kịch bản để chiếm đoạt tài sản của dân.
Bản thân là thương binh 4/4, lại làm Xã đội phó nên Hải chiếm được lòng tin của người dân khi giới thiệu mình làm được chế độ thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam. Hải cho biết người nào muốn làm chế độ thì phô tô giấy tờ liên quan đưa cho mình kèm theo một khoản tiền để lo “kinh phí”. Hải hứa trong vòng 3 - 6 tháng sẽ có quyết định hưởng chế độ.
Trong khoảng thời gian từ tháng 10/2007 - 11/2013, để tạo niềm tin đối với người dân, Hải dùng một bản quyết định chế độ có sẵn, phô tô và tẩy xóa một số mục gửi cho bị hại. Với thủ đoạn trên, Hải đã chiếm đoạt hơn 785 triệu đồng của 45 bị hại đến từ các huyện Yên Thành, Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, TX Thái Hòa...
Với các bị hại, sau thời gian chờ đợi không có kết quả khiến nhiều người lo lắng, đến hỏi Hải thì nhận được thông báo “vẫn đang xúc tiến” hoặc sắp có kết quả. Sau nhiều lần nhận được lời hứa hẹn suông, người dân bắt đầu nghi ngờ nên làm đơn trình báo công an.
Ngày 18/3/2014, Công an huyện Yên Thành khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng đối tượng này đã nhanh chân bỏ trốn khỏi địa phương nên ngày 18/5/2014, Công an huyện Yên Thành ra quyết định truy nã toàn quốc Hoàng Văn Hải để phục vụ công tác điều tra.
Lại nói về Hải, sau khi bỏ vợ và 3 đứa con ở quê nhà, Hải đi đến vùng đất xa lạ ở xã Đắk Rung, huyện Đắk Song (Đắk Nông) để sinh sống. Tại nơi không quen biết, Hải kiếm sống bằng nghề mổ và bán thịt lợn, hoàn toàn cắt đứt liên lạc với gia đình.
Thời điểm này Hải đã 54 tuổi, nhưng với việc giấu nhẹm quá khứ của mình, Hải đã chung sống không hôn thú với một người phụ nữ kém mình 20 tuổi, đã lỡ một lần đò, đã có một cô con gái riêng. Giữa hai người có thêm một đứa con chung. Đến khi con gái riêng của vợ xuống Biên Hòa (Đồng Nai) để theo học lớp trung cấp chuyên nghiệp, Hải cũng bỏ nghề “đồ tể” xuống Biên Hòa làm bảo vệ trong một trang trại lợn. Trong thời gian bỏ trốn, Hải đã kịp làm thêm 2 chứng minh nhân dân với các năm sinh 1960 và 1962.
Với vỏ bọc hoàn hảo đó, Hải luôn tin rằng mình đã an toàn. Tuy nhiên, mọi hành tung của Hoàng Văn Hải luôn được các trinh sát truy nã PC10 Công an Nghệ An truy tìm. Sau khi có được nguồn tin Hải đang ở một tỉnh ở Tây Nguyên, các trinh sát đã ngược vào Nam để truy bắt đối tượng. Ngày 20/4/2019, khi tổ công tác có mặt ở Biên Hòa thì Hải đã ngược về Đắk Nông thăm vợ con.
Một trinh sát cho biết, việc xác minh đối tượng ma mãnh như Hải gặp nhiều khó khăn khi một thôn có đến gần 2.000 nhân khẩu, trong đó phần nhiều là dân tứ xứ đổ về không phải là điều dễ dàng. Hơn nữa mặc dù có tới 3 chứng minh nhân dân nhưng Hải không bao giờ đứng tên đăng ký hay tham gia bất cứ hoạt động gì ở địa phương mà đều do người vợ.
Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tổ truy bắt xác định đúng căn nhà mà Hải đang ở cùng vợ. Nhưng lúc này, Hải dường như đánh hơi được hành tung của mình bị lộ nên đã rời khỏi nhà, đi đường tắt xuống Biên Hòa. Ngày 26/4, khi Hải vừa đón con riêng của vợ đi học về tới nhà trọ thì công an Nghệ An bắt giữ. Lúc này, Hải vẫn khăng khăng mình không phải là người có lí lịch như trong quyết định truy nã. Nhưng, trước những bằng chứng không thể chối cãi, Hải đã cúi đầu nhận tội, kết thúc 5 năm trốn nã.
Trả giá
Vừa qua, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm Hoàng Văn Hải về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Từ sáng sớm, nhiều cựu chiến binh, thanh niên xung phong đến từ các huyện Yên Thành, Nghĩa Đàn, Nghi Lộc… đã có mặt tại tòa án tỉnh để tham dự với tư cách bị hại. Nhiều người tỏ ra bức xúc trước hành vi lừa đảo của bị cáo. Một bị hại chia sẻ: chỉ vì tin tưởng ông Hải là một thương binh, lại là xã đội phó nên khi nghe ông ta đề cập có thể “chạy” được chế độ, chúng tôi làm theo, không một chút nghi ngờ, để rồi sau đó mới biết mình đã bị lừa.
Trước bục khai báo, Hoàng Văn Hải tỏ ra ăn năn, hối cải, khai nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo khai vì nợ nần khoản tiền lớn, không có khả năng chi trả nên đã làm liều, “vẽ” ra chuyện chạy việc các thương binh để lấy tiền. Được biết, trước khi hầu tòa Hoàng Văn Hải đã bồi thường gần 160 triệu đồng cho các bị hại. Trong lời nói sau cùng, bị cáo gửi lời xin lỗi bị hại và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm hòa nhập cộng đồng, làm ăn để trả nợ cho các bị hại.
HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo là đối tượng liều lĩnh, dùng thủ đoạn gian dối trong một thời gian dài, đối với nhiều người, nhiều lần. Hành vi của bị cáo không những xâm phạm đến quyền sử dụng của người khác được pháp luật bảo vệ mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây tâm lý hoang mang cho xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan liên quan đến việc xét duyệt chế độ chính sách đối với người có công với Nhà nước.
Nếu không bị phát hiện kịp thời thì có thể bị cáo còn lừa đảo nhiều người khác nữa nên cần phải xử phạt bị cáo mức án nghiêm khắc để bị cáo nhận thức được hành vi của mình. Cân nhắc toàn diện vụ án, tòa tuyên phạt Hoàng Văn Hải 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tòa cũng buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.