“Có tuổi hai mươi thành sóng nước…”

5h sáng, từ thành phố Vinh, đoàn công tác bắt đầu chuyến về nguồn - hoạt động thường niên được duy trì từ nhiều năm nay. Mùa hè, mặt trời dậy sớm, xe đi qua cầu Bến Thủy, loang loáng qua cửa sổ là ánh bình minh rắc vàng lên dòng nước Lam giang. Từ thành phố bên dòng sông xanh dày trầm tích đến mảnh đất đôi bờ Bến Hải huyền thoại dễ phải đến 300 km, chuyến về nguồn rong ruổi theo những tia nắng hè mà càng vào hướng Nam lại càng rực rỡ.

Thành cổ Quảng Trị là nơi chứng kiến tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta năm 1972. Ảnh Thành Duy
Thành cổ Quảng Trị là nơi chứng kiến tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta năm 1972. Ảnh Thành Duy

Những thành viên của đoàn công tác Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể… đều đã nhiều lần có mặt trong những chuyến về nguồn như thế này, nhưng dường như lần nào cũng vẹn nguyên cảm xúc. Bâng khuâng và tự hào, cùng chút sâu lắng khó dãi bày khi đi qua những địa danh lịch sử: nào Vĩnh Linh lũy thép, nào Dốc Miếu - Cồn Tiên - Ái Tử, nào đường 9, Khe Sanh, Cửa Việt… Mỗi tên đất, tên làng chứa đựng cả một phần lịch sử, trĩu nặng xiết bao chiến tích và hy sinh, vinh quang và máu thịt của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng.

Xe băng qua cầu Hiền Lương, tiếng nhạc trong xe dường như cũng hiểu lòng người mà vẳng khúc tráng ca về một dòng sông… Nghe đâu, cây cầu Hiền Lương (cũ) chỉ có chiều dài hơn 160m, bắc qua đoạn sông Bến Hải chỉ rộng chưa đầy 100m, vậy nhưng khúc sông hiền hòa, thơ mộng ấy lại trở thành nơi tì vai của chiếc đòn gánh nặng hai đầu đất nước, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt Bắc - Nam dằng dặc 21 năm.

Giờ đây, xe ô tô bon bon qua cầu chỉ chưa đầy 2 phút, thế hệ trẻ hôm nay có còn hình dung được cuộc chiến khốc liệt năm xưa - “cuộc chiến đấu cờ”, “cuộc chiến loa phóng thanh”, “cuộc chiến màu sơn cầu”… và xiết bao nỗi đau “chồng Bắc, vợ Nam”, thân nhân ly tán khó diễn tả hết bằng lời?

Dòng người về tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm ở Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Thành Duy

Đoàn chúng tôi đến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị. Chầm chậm đi trên cầu Thành cổ bắc qua dòng Thạch Hãn huyền thoại, ai đó trên xe bỗng ngâm nga mấy câu thơ đượm nghĩa tình đồng đội: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Những câu thơ nổi tiếng của cựu binh Thành cổ Quảng Trị Lê Bá Dương - một người con Nghệ An.

Lê Bá Dương từng đôi lần là nhân vật trong các bài  viết đăng tải trên báo Nghệ An, mà tôi nhớ, ở một trong số những bài viết ấy, ông thổ lộ rằng mình xung phong vào bộ đội từ năm 15 tuổi, khi đang học dở dang lớp 7. Ấy là năm 1968 - chiến tranh chống Mỹ đang ở độ ác liệt nhất. Cũng như nhiều đồng đội quê Nghệ An, Lê Bá Dương trở thành dũng sĩ diệt Mỹ trong trận đánh tại mặt trận Đông Hà (Quảng Trị).

Lính Nghệ vào chiến trường luôn ăm ắp chất Nghệ: gan dạ, kiên cường, tình nghĩa và sáng ngời lý tưởng cách mạng. Hẳn vậy, nên mới có câu chuyện điển hình về cựu binh Lê Bá Dương, rằng anh đã từng dùng máu nhỏ ra từ chính vết thương của mình, viết lên trên một tấm ảnh Bác Hồ mà anh mang theo trước khi vào trận đấu: “Bác Hồ ơi, bắt đầu từ hôm nay 20/6, con cùng đồng đội nổ súng bắt đầu diệt địch dự(giữ - PV)chốt đến cùng. Quán diệt được 7 tên, Hòe, Dương hơn một chục. Ghi sâu lời Bác dạy, hễ còn tên xâm lược nào trên đất nước ta  thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi. Bác ơi, trách nhiệm, quyết tâm của chúng con là dự (giữ) chốt”!

Khu mộ các liệt sỹ quê Nghệ An tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9. Ảnh: Thành Duy

Trên mảnh đất thiêng Quảng Trị, có hàng nghìn người con Nghệ An đã chiến đấu kiên cường như thế. Và cũng tại mảnh đất ấy, dòng sông ấy, biết bao người đã vĩnh viễn nằm lại, mãi mãi tuổi đôi mươi… Giữa di tích Thành cổ hôm nay, mỗi thành viên trong đoàn công tác đều rưng rưng khi nghe thuyết minh về 81 ngày đêm rực lửa của mùa hè năm 1972. Đã có 328.000 tấn bom đạn giặc Mỹ dội xuống, trọng điểm đánh vào một tòa Thành cổ và thị xã Quảng Trị rộng chưa đầy 3km2 - một trận chiến kinh hoàng trong lịch sử chiến tranh thế giới. Thành cổ được xem là “nghĩa trang không nấm mồ”, là ngôi mộ chung của hàng vạn anh hùng, liệt sỹ.

Hồn lắng đọng nơi các anh yên nghỉ

Ở Quảng Trị có những thống kê “thứ nhất”gây bàng hoàng, đau đớn do chiến tranh, điều chẳng ai mong muốn. Trong số đó là thống kê về số lượng nghĩa trang liệt sỹ. 72 nghĩa trang liệt sỹ, lớn nhất là Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9.

Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh là nơi an nghỉ của 10.263 liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước; trong đó có 1.297 liệt sỹ quê Nghệ An. Sau khi dâng nén tâm hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, đoàn công tác tỉnh Nghệ An đã thành kính tìm đến từng phần mộ liệt sỹ là con em quê hương để làm lễ tri ân.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và các thành viên đoàn công tác dâng hương tại các phần mộ liệt sỹ quê Nghệ An ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Ảnh: Thành Duy

Tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, phần mộ của những liệt sỹ quê Nghệ An được quy hoạch thành khu vực riêng. Lần theo từng phần mộ, những cái tên bình dị, những dòng địa chỉ quê quán: Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Anh Sơn, Diễn Châu, Cửa Lò, Nghi Lộc… sao mà thân thương quá đỗi! 1.297 liệt sỹ quê Nghệ An, người trẻ nhất có lẽ chỉ tầm mười tám, đôi mươi, người lớn hơn cũng chỉ trên dưới 40… Mang theo nhiệt huyết và tình yêu quê hương, đất nước, họ chiến đấu can trường, góp phần viết nên huyền thoại về đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử - con đường huyết mạch nối từ Tân Kỳ (Nghệ An) vào đến Bình Phước mà nhiều sử gia Mỹ từng phải thốt lên kinh ngạc: “Tựa như một mê cung”!

Đoàn đại biểu của tỉnh Nghệ An cũng đã đến Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 - nơi yên nghỉ của 10.754 liệt sỹ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tại đây hiện có gần 200 liệt sỹ quê Nghệ An yên nghỉ. Những phần mộ vuông vắn, được chăm sóc chu đáo dưới bàn tay ăm ắp nghĩa tình của đội ngũ quản trang - cũng là những cựu binh năm xưa.

Trong không khí thiêng liêng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đã thỉnh chuông cầu nguyện quốc thái dân an, độ trì anh linh các anh hùng liệt sỹ. Tiếng chuông ngân vang vọng mãi, như muốn gửi gắm bao tâm niệm tri ân chẳng thể nói hết bằng lời.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long thỉnh chuông cầu nguyện cho các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Ảnh: Thành Duy

Tháng Bảy trên mảnh đất thiêng, tìm về những địa chỉ đỏ năm xưa, cúi dâng nén tâm hương cho những người nằm lại, chợt như thấy lòng trĩu nặng những bùi ngùi tưởng nhớ, tự nhắc mình phải sống xứng đáng hơn nữa với những hy sinh xương máu của cha anh…