Bên cạnh những lời bình luận có hàm lượng “phản biện” thì cũng không ít những phát biểu “hiến kế”. Dù có thể mộc mạc, dù có thể thô ráp và manh mún hoặc phi thực tiễn, nhưng tất thảy mọi sự đóng góp đều đáng trân trọng. Không khó để chúng ta nhận ra rằng với bất kỳ trạng thái cảm xúc nào, với bất kỳ góc nhìn và cách diễn đạt ra sao thì bao trùm lên tất thảy là một khát khao cháy bỏng về phát triển quê hương.

Có thể khẳng định rằng xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong tương lai là mong muốn chính đáng và đẹp đẽ của “lòng dân”, điều ấy dường như đang trùng khít với những gì mà “ý Đảng” đã và đang hướng tới.

Hành trình không đơn giản ảnh 1

Toàn cảnh thành phố Vinh. Ảnh: Lê Thắng

“Nghệ An trở thành tỉnh khá” còn là tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, cũng là khát vọng của nhân dân cả nước. Trước khi ngồi vào bàn viết, tôi có lên mạng search cụm từ khóa “Nghệ An trở thành tỉnh khá” thì nhận được 1.246.620 kết quả. Trong đó có cả những phát biểu của các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia cách đây nhiều năm, thậm chí nhiều... nhiệm kỳ. Điều đó ít nhiều nói lên rằng, cái danh hiệu “tỉnh khá” đã từng là một khát khao và bây giờ vẫn đang là một khát khao.

Theo cách hiểu thông dụng thì “khá” nằm trên mức trung bình, còn “khá nhất” chắc lại phải cao hơn một cấp độ nữa. Như vậy, khi Bác Hồ nói “Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc” có lẽ là Bác đang muốn tỉnh nằm trong tốp đầu. Từ cách suy luận như vậy, chúng ta có thể tạm phân chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là “thoát nghèo”, giai đoạn thứ hai là “khá” và giai đoạn thứ ba mới vươn lên “khá nhất”. Rõ ràng đây không thể là một hành trình đơn giản.

Trước hết, xin được đặt câu hỏi rằng chúng ta đã “khá” được đến đâu? Nghệ An đang ở vị trí nào trên bản đồ kinh tế - xã hội “miền Bắc”? Không ai dừng lại “đợi” chúng ta cả, và những năm qua chúng ta cũng không phải tồn tại trong trạng thái “dẫm chân tại chỗ”. Bằng chứng là quy mô kinh tế tăng 1,44 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp 1,57 lần.

Công bằng mà nói, những thập kỷ gần đây Nghệ An chúng ta đã có những bước tiến dài trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm 2006 - 2010 đạt 9,75%. Tốc độ tăng trưởng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 7,89%. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2018 tương đương 8%/năm. Riêng năm 2019 (trước đại dịch) GRDP tăng trưởng đạt 9,03%; GRDP bình quân đầu người đạt 43,08 triệu đồng.

Như vậy, trong vòng 15 năm lại nay kinh tế Nghệ An liên tục tăng trưởng khá, cao hơn mức tăng trung bình cả nước. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 77,62% năm 2018 lên 78,64% năm 2019; tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 22,38% năm 2018 xuống còn 21,36% năm 2019. (Các năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên tác giả xin phép không sử dụng các số liệu để minh họa).

Tỉnh Nghệ An đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn - Thành Cường - Lê Thắng

Một trong những con số đang gây sốt trên không gian mạng là năm 2021 Nghệ An là tỉnh đứng thứ tư về mua sắm ô tô (chỉ đứng sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng). Diện mạo đô thị đổi mới từng ngày. Kinh tế đêm (phố đi bộ) từ một thuật ngữ xa lạ bỗng chốc trở nên thân quen. Nghệ An vẫn là một trong những địa phương danh tiếng trên lĩnh vực giáo dục thông qua các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế. An ninh - quốc phòng được giữ vững. Cải cách hành chính có nhiều tiến bộ… Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trước đại dịch vươn lên đứng thứ 19 cả nước. Rõ ràng đó là những điểm sáng tích cực cho bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Tuy nhiên, điều không ai có thể chối cãi, cũng không ai mong muốn đó là Nghệ An vẫn còn là tỉnh nghèo. Thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp so với cả nước, chỉ số kinh tế công nghiệp, kinh tế đô thị vẫn còn khiêm tốn. Câu chuyện bội chi vẫn còn là một bài toán cần lời giải. “Tỉnh khá” vẫn là một đích đến gian nan nằm ở phía trước.

Đành rằng không thể đánh giá sự tăng trưởng lạc quan của mình trong một trạng thái tĩnh. Nghĩa là không chỉ so sánh chúng ta với chính chúng ta mà quên mất rằng, trong lúc chúng ta lớn lên thì các địa phương khác cũng trưởng thành. Chúng ta so sánh trục dọc mà quên mất trục ngang. Mỗi khi chúng ta còn lấy sự tăng trưởng theo mô hình “năm sau cao hơn năm trước” làm thỏa mãn thành tích thì lúc ấy danh hiệu tỉnh khá vẫn là một đích đến rất xa. Đó có lẽ cũng là một trong những lý do cư dân mạng đang “thảo luận online” trên không gian mạng. Rõ ràng xem xét góc độ thu ngân sách thì có vẻ hai người hàng xóm của chúng ta “khá” hơn. Trên bình diện các con số của “thì hiện tại” thì rõ ràng các tỉnh lân cận với Nghệ An đã và đang đạt được những thành tựu hết sức quan trọng và đáng khích lệ, đó là những bài học tham chiếu quan trọng dẫu biết rằng dùng một vài chỉ số đương thời để đánh giá toàn cục về chiến lược thì e là chưa đủ.

Chúng ta nói về lợi thế “đất rộng người đông” liệu đó có phải là lợi thế thực sự của Nghệ An hay không khi mà 80 % đất của chúng ta chỉ là đất rừng? Lợi thế “người đông” đã thực sự trở thành năng lượng kinh tế - xã hội hay chưa khi mà cuộc “hồi hương chạy dịch” vừa qua chúng ta lộ diện thực tế lao động trẻ Nghệ An chọn nơi nào để mưu sinh?

Chúng ta nói “biển bạc” nhưng chúng ta có khả năng xây dựng cảng nước sâu như các địa phương khác hay chưa? Chúng ta nói “có cảng hàng không quốc tế” nhưng liệu nó đã xứng tầm với hai chữ “quốc tế” hay cũng chỉ “ga xép” của những cuộc hành trình?

Chúng ta tự hào với thành tích “khoa bảng” nhưng có bao nhiêu người trở về “sống chết” với quê hương? Từ khóa “tỉnh khá” vẫn còn rất xa vời nếu cứ tự ru mình bằng những lợi thế tự xưng! Israel làm gì có lợi thế nào về trồng trọt, Singapore lấy đâu ra “đất rộng người đông”?

Biên độ của thay đổi không chỉ tùy thuộc vào biên độ của kỳ vọng. Có lẽ đã đến lúc nhân dân tỉnh nhà cần một cuộc bứt phá ra khỏi cái tư duy “năm sau cao hơn năm trước” mới có thể chạm đến 4 chữ “kỳ tích sông Lam”.

Có lẽ không phải tự dưng mà cư dân mạng lại “tá hỏa” quan tâm đến những con số kinh tế ngân sách như thế. Không chỉ là họ “sốt ruột” mà thiết nghĩ họ nhận ra sự khát khao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã được khơi dậy. Họ nhận thấy Nghệ An đang bắt đầu thay đổi. Những nhịp tăng trưởng tích cực đã hình thành, một luồng sinh khí mới đã được tạo dựng. Họ tin tưởng và kỳ vọng bộ máy lãnh đạo trẻ trung đầy nhiệt huyết. Không gì là không thể, nếu kích hoạt được sức mạnh nội sinh của người Nghệ chúng ta sẽ làm được. Tất nhiên đó không bao giờ là hành trình đơn giản.