Từng là một trong những thượng nghị sỹ trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ, ông Biden cũng đã chính thức trở thành Tổng thống cao tuổi nhất khi nhậm chức ở tuổi 78. Tất nhiên, rất nhiều thách thức và khó khăn chưa từng có đang đặt ra với ông Joe Biden. Nhưng chính những thách thức này sẽ tô đậm thêm những dấu ấn và chính sách theo phong cách “Joe Biden”!
Chặng đường lắm chông gai
Ngày chính thức nhậm chức 20/1/2021 có lẽ sẽ không bao giờ diễn ra nếu ông Joe Biden không vượt qua khó khăn, mất mát quá lớn vào năm 1972 sau tai nạn xe hơi khiến vợ và con gái sơ sinh thiệt mạng. Cũng sẽ không có 1 trong các thượng nghị sỹ trẻ nhất lịch sử nước Mỹ nếu ông Biden quyết tâm từ bỏ vai trò Thượng nghị sỹ đại diện cho tiểu bang Delaware thời điểm đó. Ông Biden đã dành nhiều tháng đồng hành cùng hai người con trai là Beau và Hunter để dần xoa dịu tổn thất rất lớn về tinh thần. Con đường sự nghiệp của ông Biden cũng đã từng vấp phải khó khăn khi ông phải đối diện với cuộc khủng hoảng về chính sức khỏe do chứng phình động mạch não nguy hiểm đến tính mạng.
Bi kịch một lần nữa lại ghé thăm khi năm 2015, một trong 2 người con trai còn lại là Beau - một cựu chiến binh trong chiến trường Iraq và một ngôi sao đang tỏa sáng của đảng Dân chủ, qua đời vì ung thư não. Ông Biden luôn xem Beau là một phiên bản hoàn hảo và tốt hơn chính bản thân ông. Nỗi đau này đã làm “lỡ nhịp” sự nghiệp chính trị của ông Biden khi không đầu tư vào cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 để cạnh tranh với bà Hillary Clinton. Tưởng chừng 2 nhiệm kỳ phụng sự đất nước trên cương vị Phó Tổng thống dưới thời ông Barack Obama đã khép lại sự nghiệp chính trị của ông Biden. Thế nhưng, số phận và định mệnh đã một lần nữa “gọi” ông trở lại chính trường với một nhiệm kỳ có lẽ khó khăn không kém những chông gai và khó khăn mà ông đã trải qua trong suốt cuộc đời.
Nhìn lại cả chặng đường đã qua, người ta mới thấy ý nghĩa lớn lao của buổi lễ nhậm chức ngày 20/1 đối với cá nhân ông Joe Biden và với cả nước Mỹ. CNN gọi đây là một “mối duyên đến chậm”, khi một nhà lãnh đạo nặng trĩu những tổn thương đã tìm thấy sức mạnh để chữa lành những vết thương tâm hồn với một quốc gia “đang bị bệnh”. Buổi lễ nhậm chức cũng sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ với khoảng 25.000 lính lực lượng Vệ binh quốc gia bảo vệ các địa điểm trọng yếu tại thủ đô.
Tân Tổng thống cũng có một lịch trình đặc biệt khi bay đến 1 căn cứ không quân bên ngoài thủ đô trước lễ nhậm chức 1 ngày, thay vì di chuyển bằng tàu Amtrak như dự kiến, do lo ngại rủi ro an ninh sau vụ bạo loạn tại Đồi Capitol hôm 6/1 vừa qua. Cũng chưa từng có tiền lệ khi ngay trước lễ nhậm chức, 12 thành viên Vệ binh quốc gia Mỹ đã bị loại khỏi đội ngũ phục vụ công tác an ninh bảo vệ lễ nhậm chức Tổng thống, vì phát hiện có quan hệ với các nhóm quan điểm cực đoan. Phát biểu trước người ủng hộ tại lễ chia tay ở bang quê nhà Delaware, ông Biden đã nhấn mạnh, “đây là thời kỳ đen tối” nhưng rồi “sẽ luôn có ánh sáng” cho nước Mỹ.
Ấp ủ nhiều kế hoạch lớn!
Ông Joe Biden dự lễ nhậm chức Tổng thống với những dự tính và kế hoạch lớn cho nước Mỹ. Cũng bởi, nước Mỹ đang vật lộn với hàng loạt thách thức như đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, bất bình đẳng sắc tộc, biến đổi khí hậu đặc biệt các lo ngại về an ninh, bạo lực và đoàn kết dân tộc. Không lâu trước khi ông Biden khởi hành đến Washington, theo số liệu từ Đại học John Hopkins, Mỹ đã vượt mốc 400.000 ca tử vong về Covid-19. Trước núi thách thức như vậy, một nhiệm vụ quan trọng là ông Biden sẽ đẩy nhanh viêc phân phối vaccine cho người dân Mỹ thông qua gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD.
Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông Joe Biden cũng ban hành một loạt sắc lệnh hành pháp trong đó bao gồm nỗ lực đảo ngược nỗ lực của người tiền nhiệm về vai trò của nước Mỹ trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hủy bỏ lệnh cấm đi lại và di chuyển với các quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo. Đáng chú ý là dự luật nhập cư trong đó vạch ra lộ trình 8 năm để khoảng 11 triệu người nhập cư có thể trở thành công dân Mỹ. Đây là một bước đi để ông Joe Biden hiện thực hóa cam kết từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, cũng sẽ đảo ngược chính sách nhập cư cứng rắn mà Tổng thống Donald Trump triển khai trong 4 năm qua.
Quyết tâm thể hiện khi ngay trước lễ nhậm chức, 5 vị trí quan trọng trong nội các của ông Joe Biden đã chính thức ra mắt tại các Ủy ban của Thượng viện để tham gia các phiên điều trần xác nhận, gồm có: bà Janet Yellen - đề cử cho vị trí Bộ trưởng Tài chính, Lloyd Austin - Bộ trưởng Quốc phòng, Alejandro Mayorkas - Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa, Antony Blinken - Bộ trưởng Ngoại giao và Avril Haines - Giám đốc Tình báo Quốc gia. Ngay lập tức, các ứng viên trong nội các của ông Biden đã phát đi những tuyên bố ấn tượng; đặc biệt gây chú ý với các quan điểm cứng rắn với đối thủ hàng đầu của Mỹ là Trung Quốc. Như ông Antony Blinken tại phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 19/1 đã khẳng định sự đúng đắn khi có cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc; đồng thời cảnh báo Bắc Kinh có thể lợi dụng việc phân phối vaccine trên toàn cầu để đạt được các mục tiêu và đòn bẩy trong quan hệ với các nước đang phát triển.
Cùng ngày, Avril Haines - người được đề cử cho vị trí Giám đốc Tình báo Quốc gia tại phiên điều trần tại Ủy ban Tình báo Thượng viện cũng cho rằng, Mỹ phải gia tăng sức ép với Trung Quốc. Với vai trò và kinh nghiệm của Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), bà Avril nhấn mạnh sẽ ưu tiên đầu tư nguồn lực hơn vào việc ngăn chặn các nguy cơ từ Trung Quốc. Những tuyên bố này có thể hiểu, chính quyền Joe Biden sẽ không “yếu đuối” hay “nhượng bộ” với Bắc Kinh như nhiều quan điểm lo ngại trước đó. Và đây chỉ là một trong số rất nhiều ưu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống 4 năm tới của ông Joe Biden.
Dự tính là vậy, nhưng những kế hoạch đầy tham vọng của tân Tổng thống mới của nước Mỹ rất có thể nhanh chóng bị cản trở với “khe cửa hẹp” tại lưỡng viện Quốc Hội, khi phe Dân chủ nắm đa số mong manh tại cả Thượng viện và Hạ viện. 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Biden cũng sẽ bị gián đoạn bởi 1 phiên tòa luận tội ông Trump dự kiến diễn ra tại Thượng viện. Mặc dù theo Hiến pháp Mỹ, không có điều khoản nào quy định về việc luận tội một Tổng thống khi đã mãn nhiệm. Thế nhưng theo giới quan sát, dù có điểm yếu về tuổi tác nhưng ông Biden đã liên tục hoàn thiện bản thân với rất nhiều kinh nghiệm chính trường. Người ta đã nhìn thấy một chính trị gia lão luyện với kỷ luật thép trong công việc, sự bền bỉ trong thực hiện mục tiêu và nỗ lực vượt qua các biến cố và thách thức cũng như sự mềm dẻo và thấu hiểu cần thiết. Dư luận kỳ vọng, những tố chất này “có thể giúp ông Joe Biden làm nên chuyện”, giúp “Nước Mỹ trở lại” như ông tuyên bố!