(Baonghean.vn) - Dù đã ở tuổi bát tuần, sống bên đàn con 12 người, cuộc sống tưởng như đầy vất vả của ông lão người Mông vẫn đầy ắp tiếng cười. Sau những giờ làm lụng vất vả, ông lại hát lên những bài tình ca cho người vợ trẻ hơn mình 20 tuổi cùng nghe.

Theo hộ khẩu đăng ký tại địa phương, năm nay Vàng Xếnh Lù đã 82 tuổi, thế nhưng lão nông sống bằng nghề làm rẫy ở bản Thăm Hín (xã Nậm Càn, Kỳ Sơn) thật thà cho rằng bản thân chẳng nhớ rõ tuổi của mình.

Sau vài giây vắt trán suy nghĩ, ông Xếnh Lù nói: “Tôi khoảng 78 hay 80 tuổi gì đó.” Dẫu đã ở tuổi hiếm có xưa nay, răng đã rụng nhiều nhưng nom ông Xếnh Lù vẫn còn khá tráng kiện. Mỗi ngày 4 lần sáng, trưa, chiều, tối ông vẫn đi về trên con đường đèo dốc lên rẫy lúa cách nhà chừng 3km. Trên lưng lúc nào cũng mang chiếc gùi chất đầy lúa rẫy, củi và rau rừng.

Những lúc rảnh rỗi, cụ ông Vàng Xếnh Lù vẫn thổi khèn lá cho vợ nghe.
Những lúc rảnh rỗi, cụ ông Vàng Xếnh Lù vẫn thổi khèn lá cho vợ nghe.

Cuộc sống khá vất vả nhưng không bao giờ thiếu tiếng cười. Niềm tự hào lớn nhất của ông lão người Mông là có một đàn con 12 người. Hiện cả đàn cháu nội ngoại của vợ chồng ông đã lên tới con số 17.

Cộng đồng người Mông ở Nghệ An vẫn giữ cách đặt tên tiếng Mông, tuy nhiên 12 đứa con, 6 trai, 6 gái của Vàng Xếnh Lù lại mang những cái tên rất kêu. Con cả tên Vàng Thiên Long, con gái thứ là Vàng Mỹ Nương. Cậu con trai út năm nay 7 tuổi là Vàng Trọng Oanh. Một người con khác đang học phổ thông là Vàng Kim Cương. Tuy nhiên, những người con này đều có một cái tên người Mông khác. Vàng Kim Cương còn gọi là Vàng Bá Lâm hiện đang học bậc THCS ở xã Nậm Càn. Cô con gái thứ Vàng Mỹ Nương còn có tên là Vàng Y Hùa.

Giải thích về những cái tên rất kêu của đàn con, ông lão Xếnh Lù cho hay bởi ông lấy vợ người Kinh kém mình hơn 20 tuổi. Bà Lê Thị Khiêm quê Như Xuân (Thanh Hóa) về làm dâu bản Mông đã gần 30 năm nay. 2 đứa con đầu lòng là Thiên Long và Mỹ Nương đều sinh ra ở Thanh Hóa và được họ ngoại đặt cho những cái tên khác lạ so với văn hóa người Mông quê ông. Nhưng ông lão tỏ ra rất tự hào về những cái tên của đàn con. 

Vợ ông, bà Lê Thị Khiêm là người Thanh Hóa về làm dâu bản Mông đã 30 năm.

Bà Lê Thị Khiêm cũng tỏ ra rất hài lòng khi về làm vợ ông Xếnh Lù. “Bố chăm chỉ, lại mạnh khỏe, thương mẹ và các con” - Bà Khiêm nói về người bạn đời. Sống hòa đồng với cộng đồng người Mông ở một bản nhỏ trên cao độ gần 1.500 m, bà Khiêm đã trở thành bà lão người Mông thực sự.  Bà gọi “con”, xưng “mẹ” như những ông bà lão người Mông khi tiếp xúc với người lạ ít tuổi hơn mình. “Lâu ngày không dùng, mẹ sắp quên mất tiếng Kinh rồi. Gần 30 năm nay rồi không về thăm quê” - Bà Khiêm cho biết.

Cuộc sống mưu sinh có phần vất vả nhưng cặp đôi đặc biệt nhất cộng đồng người Mông ở xã biên giới Nậm Càn không thiếu tiếng cười. Ngày ngày hai người cùng lên rẫy, sau một ngày làm việc trở về thì trời cũng đã chạng vạng, bà lo nấu nướng, ông chăm lợn gà, băm cỏ cho bò. Đó là nhịp sống ngày nào cũng như ngày nào suốt 30 mùa rẫy nhưng không vì thế mà tẻ nhạt. Sau những giờ làm lụng nhọc nhằn, ông lại hát lên những bài dân ca về tình yêu lứa đôi, về quê hương đất nước. Vẻ lãng mạn khiến người bạn đời cảm thấy Vàng Xếnh Lù luôn là người đàn ông thú vị, dù đã ở tuổi xế chiều.

Niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng "đặc biệt" trên bản người Mông.

Ông Xếnh Lù chia sẻ rằng, những bài tình ca và ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Bác Hồ luôn giúp ông vui sống. Ngoài hát dân ca, Xếnh Lù còn thích thổi kèn lá, khèn Mông và đàn môi, những nhạc cụ gắn bó với cộng đồng người Mông đã hàng trăm năm nay.

Con đàn cháu đống là một niềm vui nhưng cũng khiến cuộc sống lão nông tuổi bát tuần này trở nên cực nhọc. Gánh nặng con cái khiến một người sống đầy trách nhiệm như ông phải luôn lo lắng, làm lụng vất vả. Ông cho biết: “Ngày xưa cuộc sống khác, sinh nhiều con cho gia đình thêm người làm. Bây giờ sinh nhiều con chỉ thêm khổ.”

Hữu Vi - Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN