(Baonghean) -Vừa qua, nhân kỷ niệm Năm Gia đình Việt Nam 2013 và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Chi cục Dân số/KHHGĐ tổ chức gặp mặt, biểu dương các gia đình tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2013. Đây là dịp để tôn vinh những gia đình sinh con một bề,  tôn vinh những ông bố, bà mẹ dũng cảm dám vượt qua định kiến, vượt qua những quan niệm cổ hủ để nuôi dạy con nên người, tạo dựng gia đình no ấm, hạnh phúc…

Lần đầu được mời lên sân khấu để giao lưu với hàng trăm đại biểu, chị Trần Thị Nữ  (xóm Đồng Hà, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu) không giấu được vẻ lo lắng, hồi hộp. Là một người theo đạo Thiên Chúa, chồng là con trai trưởng, gia đình lại sống ở vùng vạn chài nên không chỉ việc sinh con một bề mà quyết định dừng lại ở hai con của gia đình chị cũng đã là đề tài để hàng xóm láng giềng bàn tán, thắc mắc. Bản thân chị cũng thú nhận “Tôi đã nhiều đêm trằn trọc không ngủ được bởi ông bà luôn muốn tôi sinh một đứa cháu đích tôn, tôi cũng nghĩ nên chăng có đứa con trai để có thêm trụ cột sau này?”… Tuy nhiên, mọi băn khoăn rồi cũng qua khi bên cạnh chị có chồng, người đã che chở cho chị và cùng chị xây dựng mục tiêu “con nào cũng được, miễn là phải nuôi dạy cho tốt”. Hơn 20 năm đầu gối tay ấp, cùng nhau phát triển kinh tế, đến nay ngoài cuộc sống ổn định, tài sản lớn của anh chị là hai cô con gái “rượu”, cháu lớn đã là sinh viên đại học năm thứ 2, cháu thứ hai năm nay vào lớp 12 và liên tục từ lớp 1 đến nay năm nào cũng là học sinh giỏi.

Cũng trải qua những ngày tháng đầy tâm trạng đó nhưng anh Nguyễn Hữu Quang (xóm 4, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương) còn nhiều áp lực hơn khi anh là con trai trưởng, là trụ cột của gia đình nhưng lại bị mang tiếng là sinh con “một bề toàn gái”. Anh tâm sự “Hàng xóm bảo tôi vì muốn có thành tích nên không sinh con, như vậy là có lỗi với dòng họ”. Nghe bao lời trách móc, nhẹ có, nặng có nhưng càng nghe anh càng thương vợ hơn. Đã chứng kiến những vất vả nặng nhọc khi vợ “9 tháng 10 ngày” mang thai, rồi lại nhìn thấy cảnh nhiều gia đình sinh đông con rồi để con nheo nhóc, khổ sở, anh quyết tâm bảo vợ “dừng lại”, bởi “vợ chồng tôi chỉ là gia đình thuần nông, sinh con ra chắc chắn sau này cũng chẳng có tiền trăm, tiền triệu để cho con. Thế nên chỉ muốn cố gắng hết sức mình để xây dựng cho con một mái ấm hạnh phúc, hòa thuận”. Thuận vợ, thuận chồng, trải qua bao nhiêu gian khó, đến nay gia đình anh Quang và chị  Hường là một trong những gia đình hạnh phúc nhất ở xóm 4, xã Nam Sơn. Bà con chòm xóm thì đều tấm tắc vì nhà có hai cô “công chúa”, vừa ngoan, vừa học giỏi lại hiếu thảo.

797966_small_99778.jpg

Gia đình anh Quang, chị Nữ tham gia giao lưu

Nghe rất nhiều lời tâm sự của các ông bố, bà mẹ trong buổi giao lưu mới thấy, thực ra tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn rất nặng nề trong xã hội ngày nay. Theo như anh Vi Đình Năm (bản Bành, xã Châu Quang, Quỳ Hợp) thì ở làng quê anh vẫn còn giữ phong tục “sinh con gái thì chỉ ngồi mâm dưới”; ở xã Tam Thái (huyện Tương Dương) nơi gia đình chị Vang Thị Minh sinh sống thì lại có quan niệm “giàu con, giàu của”.  Thế nên, dễ hiểu vì sao ngày nay dưới sự trợ giúp của các thiết bị y tế hiện đại, tỷ lệ bé trai lại sinh ra ngày càng nhiều. Riêng tại Nghệ An tỷ lệ mất cân bằng giới tính đã lên đến mức báo động với 100 bé gái/115 bé trai. Nhiều ông bố, bà mẹ lại không hiểu được những áp lực sẽ đến sau 10 năm, 20 năm nữa khi tỷ lệ giới tính giữa nam và nữ sẽ ngày càng chênh lệch, gây nên những khó khăn trong việc kết hôn, lập gia đình.

Cũng xuất phát từ thực trạng đó và với mục tiêu “Ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã đặc biệt chọn Ngày Gia đình Việt Nam để tôn vinh những gia đình sinh con một bề là gái. 25 gia đình được tôn vinh không đơn thuần chỉ là những gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan mà còn là những con người tiên tiến, hiện đại dám vượt qua những quan điểm cổ hủ, lạc hậu để xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm. Riêng với ngành Dân số, để có được những thành quả trên, các cộng tác viên dân số đã phải thường xuyên “gõ từng cửa, đến từng nhà” vận động các gia đình thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, hướng dẫn họ cách nuôi, dạy con khoa học, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”…

Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để chúng ta thấy thiêng liêng, đáng quý biết bao khi có một gia đình trọn vẹn và chia sẻ đồng cảm với những người thiếu may mắn, thiệt thòi. Còn với những gia đình sinh con một bề, với những người được tôn vinh lần này có thể với gia đình, dọng họ, họ vẫn còn “thiếu chỗ này, khuyết chỗ kia” nhưng  với rất nhiều người họ là điển hình rất đáng để nhân rộng.


Bài, ảnh: Mỹ Hà