(Baonghean) - Hôm qua chở mẹ về quê, đi đến một đoạn trên quốc lộ thấy phơi toàn ngô, mẹ mình nằng nặc đòi xuống xe để… hỏi mua. Mình ngán ngẩm bảo:
Nhưng mẹ ơi, đây là quốc lộ chứ có phải cái chợ gần nhà mình đâu. Không khéo cảnh sát giao thông bắt phạt, lại mất oan mấy trăm nghìn vì mấy bắp ngô, về nhà vừa ăn vừa tiếc cũng nên!
Đi một chốc lại thấy người ta dừng xe, đổ hàng đầy cả phần đường dành cho xe máy, mẹ mình tặc lưỡi lầm bầm: ”Chỉ lo bóng gió, người ta mua bán đầy ra đấy, có thấy ai phạt đâu nào?”. Vừa dứt lời, đã thấy từ xa thấp thoáng bóng “trật tự đô thị”, mấy người dỡ hàng cuống quýt giục nhau lên xe, chạy thẳng. Mình nhìn mẹ, đắc thắng: ”Mẹ có muốn mua ngô nữa không để con dừng xe?”
Mình nhớ, mấy hôm trước đọc báo thấy đưa tin người ta vừa làm lễ ra quân vì Năm An toàn giao thông 2015, đảm bảo thông thoáng hành lang giao thông, giải quyết các hộ kinh doanh xâm chiếm vỉa hè và lề đường. Ấy thế mà chỉ vài ngày sau, tình trạng tái lấn chiếm hành lang giao thông đã trở lại như “chưa từng có cuộc chia ly”. Nhìn cả đoạn quốc lộ mới được mở rộng, thông tuyến thẳng thớm, đẹp đẽ là thế nay lại lổn nhổn kẻ bán, người buôn căng lều, dựng bạt, tự nhiên thấy buồn hết cả người!
Ở nước ngoài cũng có những khu phố, những con đường mà người ta buôn bán, mở tiệm ra cả lòng đường, lối đi nhiều khi bé tí. Nhưng ấy là những con phố đi bộ, phố cổ, phố du lịch, chứ với các trục đường lớn thì… quên đi nhé! Người ta cắm các cọc sắt làm hàng rào bé xinh, hoặc thẩm mỹ hơn nữa là để các chậu cây xanh hai bên lề đường, ngăn cách rõ ràng phần đường cho phương tiện đi lại. Vỉa hè bao giờ cũng thông thoáng, rộng rãi đảm bảo an toàn cho người đi bộ cũng như các hộ sống giáp mặt đường. Muốn đỗ xe ở lề đường cũng phải để ý xem có biển cấm không, chứ đừng nói đến chuyện muốn đỗ ở đâu tuỳ thích. 
Quay trở lại thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường rất phổ biến ở mình, có hai lý do chính: thứ nhất, vốn dĩ quy hoạch hành lang giao thông của chúng ta không quá lớn. Có những căn nhà gần như bám sát vào đường, khó tránh khỏi một số hoạt động của chủ nhà sẽ lấn vào phần đường dành cho người tham gia giao thông. Đó là một bất cập mà để giải quyết, cần đến sự điều chỉnh lâu dài về quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng. Còn lý do thứ hai xuất phát từ ý thức của người dân - điều này hoàn toàn có thể khắc phục tức thì được, nếu nhận thức đúng đắn về lợi ích, an toàn của chung và cũng là của chính bản thân ta. 
Mình nhớ hồi còn bé, nhà ở mặt đường nhưng được cái vỉa hè rộng nên chiều chiều vẫn được chạy xe ô tô điện lòng vòng trước nhà, chốc chốc nhìn xe cộ tấp nập lại qua, tưởng tượng như mình đã lớn và cũng đang tham gia giao thông như ai. Nhưng rồi đến một hôm, mình hí hửng chuẩn bị chạy xe từ trong nhà ra thì nghe “ầm” một tiếng: một chiếc xe tải đâm đầu vào gốc cây phượng trước nhà. Mẹ không cho mình ra ngoài nên chỉ nhớ có nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu inh ỏi. Kể từ đó trở đi, chiếc xe ô tô điện của mình bị xếp xó, còn mình thì chiều chiều chỉ dám xách ghế nhựa ngồi ở cửa nhà nhìn ra. Xe cộ vẫn tấp nập lại qua, vỉa hè vẫn rộng thênh thang như trước, nhưng vết tích vụ tai nạn thì còn hằn mãi trên gốc cây phượng, khiến ai nấy không khỏi rùng mình khi nghĩ về những gì có thể xảy đến khi sống ở mặt đường. Bây giờ nhà mình đã chuyển vào trong xóm ở cho yên tĩnh, nhưng mỗi lần đi qua căn nhà cũ, tưởng như vẫn nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu năm nào. Sự ồn ã, tấp nập của những con đường luôn ẩn chứa rủi ro, nhất là khi người ta không có ý thức tôn trọng và bảo vệ hành lang giao thông, cũng chính là bảo vệ sự an toàn của bản thân và cộng đồng. 
Hải Triều