Sau bốn ngày làm việc nghiêm túc (19-22/9) với nhiều hoạt động quan trọng, Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 đã kết thúc thành công.
Đây là một sự kiện đối ngoại lớn mang tính bước ngoặt, khẳng định vị thế quan trọng của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đó cũng là thời cơ, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam với vai trò điều hành, dẫn dắt và tạo động lực mới cho cộng đồng ASOSAI.
Thời cơ và sứ mệnh
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện có quy mô và ý nghĩa lớn trong khu vực về lĩnh vực kiểm toán công. Việc lựa chọn Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đăng cai tổ chức, đồng thời giữ chức Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 cho thấy sự ghi nhận của các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên trong cộng đồng ASOSAI đối với ngành kiểm toán của Việt Nam trong suốt những năm qua.
Nói về tầm quan trọng của ngành kiểm toán, bà Madinah Binti Mohamad, Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia, Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2015-2018 khẳng định, một trong những thách thức với kiểm toán công hiện nay là làm thế nào để đạt mức độ cao trong việc giải trình, phòng ngừa, giải quyết thấu đáo những vấn đề khúc mắc, đảm bảo đem lại niềm tin cho dư luận, xã hội. Từ đó họ sẽ hợp tác trong việc cung cấp thông tin về sự lãng phí, tình trạng lừa đảo hay những việc làm không tốt, từ đó tìm ra nguyên nhân, biện pháp để giải quyết tốt những khó khăn đang hiện hữu.
Chính vì vậy, Đại hội ASOSAI 14 là cơ hội để Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tăng cường hợp tác, học hỏi, cam kết về chuẩn mực kiểm toán công ở mức cao nhất với các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên để có thể để phục vụ cho lợi ích chung của các thành viên.
Trong khuôn khổ của Đại hội, đã diễn ra nhiều cuộc hội đàm giữa Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam với các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên nhằm đi đến những thỏa thuận hợp tác với mục tiêu triển khai những biện pháp hữu hiệu vì mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, hiệu quả...
Không chỉ là là cơ hội để Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về mọi mặt, tạo động lực cho đội ngũ kiểm toán viên rèn luyện, tăng cường năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp trong môi trường quốc tế, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển, Đại hội ASOSAI lần thứ 14 còn khẳng định tầm nhìn chiến lược về hội nhập và hợp tác quốc tế của Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Đó cũng chính sứ mệnh quan trọng của Kiểm toán Nhà nước trong việc thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trưởng thành và uy tín
Theo nhận định của các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên trong cộng đồng ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam mới trải qua 24 năm xây dựng và phát triển nhưng đã trưởng thành rất nhanh chóng và tạo được uy tín trong khu vực cũng như trên thế giới về lĩnh vực kiểm toán công.
Thực tế cho thấy hơn 20 năm là thành viên của ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã không ngừng củng cố tiếng nói và vai trò của mình trong quá trình phát triển của tổ chức, đồng thời đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình hợp tác hội nhập cũng như nâng cao năng lực kiểm toán của các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên trong cộng đồng ASOSAI. Bên cạnh đó, các hoạt động phối hợp kiểm toán chung với các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên đã góp phần tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực.
Là một cơ quan do Quốc hội thành lập, những năm qua, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước Việt đã cung cấp những thông tin kịp thời, có độ tin cậy và tính thuyết phục cao cho Nhà nước về thực trạng cơ chế và thể chế quản lý. Từ đó, giúp Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách quản lý, hệ thống định mức phân bổ ngân sách, định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu, tăng cường và minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính; tài sản công của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán nhằm “bịt các lỗ hổng” trong quản lý, điều hành ngân sách.
Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội ASOSAI 14, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh rằng, sau hơn hai thập kỷ trưởng thành và phát triển, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chứng tỏ được vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của Nhà nước Việt Nam, trở thành công cụ hữu hiệu giúp Quốc hội giám sát hiệu quả nền tài chính quốc gia.
Quốc hội ghi nhận sự chủ động của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong việc áp dụng các kiến thức, kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tăng cường năng lực của đội ngũ kiểm toán viên và hiệu quả hoạt động trong một số lĩnh vực kiểm toán mới, như: kiểm toán hoạt động, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán nợ công và đặc biệt là kiểm toán môi trường.
Trọng trách lớn lao
Từ khi thành lập năm 1979 đến nay, ASOSAI luôn hoạt động với phương châm thúc đẩy sự phát triển không ngừng của lĩnh vực kiểm toán công trong khu vực châu Á.
Diễn đàn ASOSAI với vai trò là động lực và cầu nối hợp tác chuyên môn kiểm toán công trong khu vực, có tầm quan trọng đặc biệt thúc đẩy năng lực chuyên môn của mỗi Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên nói riêng và tầm ảnh hưởng của khu vực châu Á nói chung trong cộng đồng kiểm toán thế giới. Đại hội ASOSAI 14 năm 2018 đã lựa chọn chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” và được các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên hết sức ủng hộ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển cũng khẳng định vấn đề môi trường đang là trở ngại rất lớn cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu trên thế giới, kèm theo đó là sự phát triển rất mạnh của các nền kinh tế đã nảy sinh những vấn đề liên quan như ô nhiễm, rác thải, tài nguyên thiên nhiên...
Nếu không giải quyết được tốt vấn đề môi trường thì sự phát triển của các nước sẽ gặp nhiều khó khăn mà trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, việc lựa chọn chủ đề về môi trường tại Đại hội lần này là một sự lựa chọn đúng đắn, góp phần cho sự phát triển bền vững và tạo ra tiền đề vững chắc hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, với vai trò là Chủ tịch của ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, đó cũng là trọng trách lớn lao đối với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong việc điều phối các thành viên thể hiện sự cam kết, nỗ lực và và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển của Liên hiệp quốc nói chung và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng.
Ông Tanka Mani Sharma, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nepal, thành viên Ban Điều hành ASOSAI bày tỏ hy vọng với cương vị mới là Chủ tịch ASOSAI 14, Việt Nam sẽ phát huy được vai trò dẫn dắt của mình trong sự phát triển của cộng đồng kiểm toán. Theo ông Tanka Mani Sharma, Việt Nam sẽ đóng vai trò đi đầu trong dẫn dắt các cộng đồng kiểm toán không chỉ đối với Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) mà còn với Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), cùng với các đối tác phát triển khác, thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương.
Trong "Tuyên bố Hà Nội" - một văn kiện chính thức tổng kết những kết quả làm việc quan trọng nhất của Đại hội được thông qua đã thể hiện cam kết của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai sứ mệnh của ASOSAI trong việc thúc đẩy chia sẻ kiến thức và phát triển năng lực của các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên, trong đó chú trọng phát triển kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững của các quốc gia và khu vực.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á, cam kết tiếp tục hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn để tạo động lực mới cho hợp tác ASOSAI, nhằm phát huy mọi tiềm năng của các SAI thành viên và đưa ASOSAI như là một tổ chức khu vực hình mẫu lên một tầm cao mới.
Nhấn mạnh, những thách thức về môi trường sẽ ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển của các quốc gia, đặt ra nhiệm vụ kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững ngày càng quan trọng và nặng nề hơn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc khẳng định, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán môi trường thời gian tới, đặc biệt tăng cường kiểm toán trong hoạt động để đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn lực, trách nhiệm quản lý trong công tác bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững./.