Tăng cường kiểm soát
Cơ quan này nhận định, vừa qua có tình trạng lợi dụng chính sách thuế ưu đãi với mặt hàng quà biếu, quà tặng nhập khẩu từ nước ngoài để nhập về trốn thuế đặc biệt là với hàng đắt tiền như ôtô, xe máy.
Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng, đảm bảo tiêu chuẩn định mức miễn thuế hàng hóa nhập khẩu đúng đúng quy định.
Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi vấn hàng hóa vượt định mức tiêu chuẩn miễn thuế, hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép nhập khẩu nhưng không khai báo, cơ quan này yêu cầu kiểm tra thực tế ngay lô hàng theo quy định.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị cần đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan để phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại của các đối tượng nhập cảnh.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã chỉ đạo 5 Bộ gồm Bộ Tài chính, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tăng cường quản lý đối với hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng từ nước ngoài vào Việt Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng từ nước ngoài vào Việt Nam; khẩn trương xây dựng phần mềm quản lý số lần miễn thuế theo định mức đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng để quản lý thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thành tra chuyên ngành đối với các hoạt động kinh doanh hàng hóa gắn mác "xách tay", xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.
Với việc 5 Bộ cùng vào cuộc đẩy mạnh "siết" hàng xách tay, trong thời gian tới đây, mặt hàng điện thoại di động, máy tính xách tay sẽ chịu sự tác động rất mạnh, không còn đất sống như hiện nay.
Sẽ hẹp "cửa sống"?
Thời gian gần đây, việc mua bán hàng xách tay đã tiện lợi hơn rất nhiều, khi nhiều cửa hàng nhỏ lẻ cũng buôn bán hàng xách tay. Đặc biệt, hàng xách tay được bàn tràn lan trên mạng xã hội, internet.
Hàng xách tay từ nước ngoài vào Việt Nam đa số thuộc các nhóm hàng: quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách thời trang; Thuốc và thực phẩm chức năng; Hóa mỹ phẩm... chủ yếu từ các thị trường Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Italia, Hàn Quốc, Australia,...
Tuy vậy, trên thực tế, chưa có cơ quan chức năng nào công bố về chất lượng của các mặt hàng xách tay phổ biến xem có phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam, với thể trạng, sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam hay không!
Theo các chuyên gia, không phải cứ hàng xách tay là tốt với người Việt, vì có thể mặt hàng đó có tên tuổi, có uy tín tại nước sở tại, nhưng lại không phù hợp với thể trạng, với điều kiện tại Việt Nam. Chưa kể, thị trường hàng xách tay Việt Nam cũng chia làm năm bảy loại.
Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, hàng xách tay chính là hàng lậu và đang thao túng thị trường. Ông đơn cử, một lọ tăm ở siêu thị cũng phải chịu thuế VAT, trong khi hàng xách tay lớn hay nhỏ đều không phải chịu thuế và không ai có thể bảo đảm chất lượng của loại hàng hóa này, nhất là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa…
Còn chuyên gia kinh tế Phan Hùng Sơn cho hay: "Hàng xách tay vì là được coi mang trực tiếp từ nước ngoài về nên mặc định là không có giấy tờ xuất xứ. Thật trớ trêu khi không ít người Việt mù quáng tin rằng, cứ phải không có một chữ tiếng Việt nào trên bao bì thì mới chuẩn là hàng xịn".
Theo lời ông Sơn, chính vì kẽ hở tâm lý đó, không ít gian thương đã sử dụng chiêu bài quen thuộc để kiếm lời trên lòng tin của người tiêu dùng là trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay.
Ông Sơn nhận định, việc thuế về 0% với các mặt hàng từ các nước tiên tiến trên thế giới như: Nhật, Singapore, Australia... có nghĩa là người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn có thể mua được "hàng hiệu" giá rẻ và luôn đảm bảo chất lượng.Thị trường hàng xách tay sớm muộn không còn chỗ đứng.