Ấn Độ và Brazil tiếp tục là hai tâm dịch nóng nhất thế giới, số ca nhiễm và tử vong vẫn ở mức rất cao. Cụ thể, Ấn Độ có thêm hơn 91.200 ca dương tính, nâng tổng số lên trên 29 triệu người nhiễm. Số ca tử vong tăng hơn 2.200 lên 353.500 trường hợp.
Brazil cũng tiếp tục đối mặt với sự lây lan nghiêm trọng của virus corona chủng mới. Trong ngày qua, nước này ghi nhận thêm gần 52.500 ca vào danh sách 17 triệu người nhiễm, và gần 2.700 nạn nhân vào tổng 477.300 trường hợp tử vong.
Hàng triệu liều vắc-xin ở Mỹ sắp hết hạn
Nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả, Mỹ đang trên đà kiểm soát tốt đại dịch, chỉ ghi nhận thêm lần lượt hơn 11.300 ca nhiễm mới và 363 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đến nay, nước này có hơn 34,2 triệu người nhiễm và trên 613.000 người chết vì Covid-19.
Hiện các bệnh viện, cơ sở y tế của các bang và chính quyền liên bang Mỹ đang gấp rút tìm cách xử lý hàng triệu liều vắc-xin Johnson & Johnson sắp hết hạn trong tháng 6.
Tạp chí Phố Wall chỉ ra viễn cảnh số vắc-xin này phải tiêu hủy trong khi rất nhiều quốc gia đang phát triển đang chịu cảnh thiếu vắc-xin trầm trọng. Điều này khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với sức ép ngày càng cao về việc sớm chia sẻ vắc- xin với thế giới.
Tờ báo này cho biết, bang Philadelphia hiện có 42.000 liều vắc-xin Johnson & Johnson sắp hết hạn, và con số này ở Tây Virgina, Oklahoma, Ohio, Arkansas… cũng lên tới hàng nghìn liều. Trong khi đó, một lượng khá lớn vắc-xin Pfizer và Moderna – BioNTech cũng sẽ hết hạn trong vài tháng tới.
Thời hạn sử dụng của các loại vắc-xin này là 6 tháng.
Triều Tiên không có ai nhiễm Covid-19
Theo số liệu mới nhất mà Triều Tiên cung cấp cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nước này đã xét nghiệm cho gần 29.000 người mà vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc Covid-19.
Báo cáo cập nhật của WHO cho thấy, trong khoảng thời gian 21-27/5, Bình Nhưỡng thông báo đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho 721 người, trong đó có 146 người có triệu chứng mệt mỏi giống cảm cúm, hoặc bị nhiễm trùng hệ hô hấp nặng.
Liên quan đến Triều Tiên, Liên minh Toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng (GAVI) xác nhận, đến ngày 7/6, hơn 1,7 triệu liều vắc-xin AstraZeneca trong khuôn khổ COVAX vẫn chưa được chuyển đến nước này.
Trước đó, GAVI cho biết, sự thiếu chuẩn bị về mặt kỹ thuật của quốc gia 25,6 triệu dân cùng với tình trạng khan hiếm vắc-xin trên toàn cầu chính là hai nguyên nhân gây chậm trễ.
"Chúng tôi đang làm với việc giới chức Triều Tiên để đảm bảo chương trình tiêm chủng diễn ra thành công và kỹ lưỡng ngay khi vắc-xin được chuyển đến", NK News dẫn lời người phát ngôn của GAVI hôm 2/6.
Nhật đẩy mạnh tiêm ngừa Covid-19 đại trà
Nhằm thúc đẩy chương trình chủng ngừa Covid-19 trên diện rộng của Chính phủ Nhật Bản, chính quyền Thủ đô Tokyo đã mở một trung tâm tiêm chủng ngay tại Tsukiji - chợ cá nổi tiếng thế giới nay đã đóng cửa. Dự kiến, khoảng 500 lính cứu hỏa cùng 2.500 cảnh sát sẽ được tiêm ngừa tại địa điểm này.
Cũng tại đây, Tokyo dự định tiêm vắc-xin của Moderna cho 5.000 người mỗi ngày và sau đó tăng lên thành 110.000 vào cuối tháng 6. Ngoài lính cứu hỏa và cảnh sát, các tình nguyện viên của đội cứu hỏa địa phương, bác sĩ châm cứu, bác sĩ chỉnh hình và những người từ 64 tuổi trở xuống cũng sẽ được tiêm chủng.
Chính quyền dự kiến sẽ xây dựng thêm một trung tâm tiêm chủng mới ở công viên Yoyogi.
Hiện các công ty và trường đại học trên địa bàn thành phố bắt đầu nộp đơn xin phép tiến hành tiêm ngừa Covid-19 tại chỗ, bắt đầu từ cuối tháng 6.
Nhật Bản đang tiêm vắc-xin của Pfizer và Moderna cho người dân. Nước này khởi động chương trình chủng ngừa Covid-1 từ tháng 2 vừa qua, bắt đầu với các đối tượng là nhân viên y tế và những người trên 65 tuổi, đặt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho người cao tuổi vào cuối tháng 7.