Sáng 28/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị bàn về giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông tỉnh Nghệ An.
Thực tế cũng cho thấy, mặc dù việc dạy và học Tiếng Anh trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực nhưng so với nhiều địa phương khác kết quả đạt được vẫn còn thấp. Như ở bậc tiểu học, hiện các tỉnh khác trong khu vực Bắc Trung Bộ tỷ lệ học sinh học chương trình Tiếng Anh 10 năm đã đạt trên 90% nhưng ở Nghệ An chỉ mới hơn 70%. Toàn tỉnh đang có 7 địa phương chưa dạy Tiếng Anh cho học sinh lớp 1,2. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Tiếng Anh là môn học có kết quả thi thấp nhất với điểm trung bình mới đạt 3,75 điểm/em.
Nhận thức về tầm quan trọng của môn ngoại ngữ ở một số bộ phận cán bộ quản lý ở các đơn vị giáo dục và phụ huynh học sinh chưa cao. Một số bộ phận giáo viên ngoại ngữ và học sinh còn thiếu ý thức trau dồi chuyên môn, học tập nâng cao trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành khẳng định: Để thúc đẩy giáo dục toàn diện thì cần phải đẩy mạnh việc dạy stem, Tin học và ngoại ngữ ở các nhà trường.
Riêng tại Nghệ An, trước bối cảnh chất lượng dạy và học ngoại ngữ đang còn thấp đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực cố gắng. Muốn vậy, nhiệm vụ trước mắt là cần phải có mô hình dạy ngoại ngữ mới. Trong đó, thầy cô phải là những người đứng đầu để xây dựng môi trường học ngoại ngữ tốt, tạo ra môi trường giao tiếp từ trong nhà trường đến gia đình và toàn xã hội.
Hiện, ngành giáo dục Nghệ An cũng đang đẩy mạnh việc mở rộng, liên kết với các tổ chức để đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ tăng cường trong các nhà trường theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả thì cần phải lựa chọn chương trình phù hợp, có kế hoạch tổ chức quản lý phù hợp và phải có cam kết về đầu ra.
Từ nay đến năm 2025, Nghệ An cũng sẽ tiếp tục triển khai mở rộng chương trình ngoại ngữ 10 năm ở các trường tiểu học, THCS và THPT, đảm bảo 100% học sinh đã học chương trình mới ở lớp dưới đủ năng lực được tiếp tục học ở lớp trên.