(Baonghean.vn) - Do ảnh hưởng của đợt rét kỷ lục kéo dài, liên tục trong những ngày vừa qua hàng trăm con trâu bò của người dân khu vực miền Tây Nghệ An đã bị chết rét. Các huyện miền núi cũng đã thành lập Ban chỉ đạo, cử cán bộ tỏa về các thôn, bản hướng dẫn bà con phòng chống rét cho đàn gia súc với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Ông Mùa Do Thái, chủ tịch UBND xã Na Ngoi - huyện Kỳ Sơn cho biết tính đến trưa ngày 26/1, trên địa bàn đã có 15 con trâu, bò của các bản Tặng Phăn, Phù Khả 1, Na Cáng bị chết rét. Trong đó riêng bản Tặng Phăn có 5 con trâu, 2 con bò chết rét.

Ông  Vi Văn Lương, Trưởng bản Tặng Phăn cho hay, các trường hợp trâu bò chết không chỉ xảy ra với những con nhỏ, già yếu, mà khỏe mạnh cũng chết rét. Cũng theo ông Lương, lâu nay hầu hết trâu, bò của bà con đều thả rông trong rừng. Đợt rét diễn ra bất ngờ khiến trở tay không kịp, trong khi đó nhiều con sống lâu ngày trong rừng nên rất khó tìm. “15 con trâu, bò chết mới chỉ là tạm tính, con số chính thức phải vài ba hôm nữa mới thống kê được” - Trưởng bản Vi Văn Lương nói thêm.

images1448514_nguoi_dan_dot_lua.jpgNgười dân đốt lửa chống rét cho trâu bò.

Trong đợt “siêu rét” diễn ra trong những ngày qua, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) là địa bàn chịu khắc nghiệt nhất. Theo đó, nhiệt độ có lúc xuống dưới 3oC. Đặc biệt tại khu vực núi Phu Xai Lai Leng băng tuyết phủ dày hơn 10 cm, thậm chí có nơi 20 cm.

Đến chiều ngày 26/1 nhiều bàn làng ở xã Mường Lống băng giá vẫn còn phủ kín. Ông Và Nỏ Vừ - Chủ tịch UBND xã Mường Lống nói: “Trước trụ sở ủy ban xã như đang phủ chăn bông”.

Ông Nỏ Vừ còn thông tin, trên địa bàn đã có 1 con trâu và 1 bò chết rét. Nhiều diện tịch rau màu cũng bị đóng băng. Đã xảy ra hiện tượng băng giá gây sạt lở núi, đoạn đường qua cổng trời Mường Lống vào UBND xã bị đất đá vùi lấp khiến phương tiện không thể lưu thông. Một đoàn công tác của Sở Văn hóa Thế thao và Du lịch Nghệ An lên Mường Lống tặng quà đã phải quay lại vì không thể di chuyển.

Rau bắp cải ở Na Ngoi bị băng tuyết phủ trắng. Ảnh: Lê Thạch.

Tại xã biên giới Nậm Cắn, hiện có 10 con trâu, bò bị chết rét. Trong đó, bản Huồi Pốc chết 5 con. Theo ông Moong Phò Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, hiện vẫn chưa có thống kê đầy đủ về thiệt hại đối với đàn trâu, bò nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Theo thông tin từ UBND huyện Tương Dương, tổng đàn gia súc của huyện tính đến thời điểm này là hơn 34.000 con. Để chủ động hướng dẫn bà con cách phòng chống rét cho đàn trâu bò, huyện đã thành lập 4 đoàn công tác với gần 20 người xuống địa bàn cơ sở.

Ông Lô Khăm Kha – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết, đàn trâu bò của địa phương được bà con nuôi rải đều ở các xã, trong đó số lượng đàn nhỉnh hơn tập trung ở các xã như: Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Yên Hòa, , Nga My... Khu vực chăn nuôi vùng cao hơn có các xã: Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn.

Ông Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cũng nói rằng truyền thống chăn nuôi gia súc của người dân địa phương là chăn thả tự nhiên nên rất khó để kiểm tra, quản lý trâu bò khi xảy ra dịch hoặc các hiện tượng cực đoan của thời tiết. Đến thời điểm này ở Tương Dương có 10 con dê, 2 con bê và 2 con lợn bị chết rét.

Bò được cho ăn bổ sung muối để chống rét.

Khả năng số lượng gia súc chết do rét sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Đó là nhận định của phần lớn lãnh đạo các huyện miền núi. Nguyên nhân xuất phát từ việc trâu bò của người dân chủ yếu nuôi thả tự nhiên trong rừng. Đặc biệt một số xã, bản, làng đồng bào Mông cư trú trên khu vực núi cao, đường đi hiểm trở, trâu bò lại thả địa điểm xa nơi sinh sống nên việc theo dõi, bảo vệ khi cần là rất khó khăn. Hơn thế nữa, nhiều hộ chăn nuôi trâu bò với số lượng lớn, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giao thông đi lại cách trở việc dựng chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm cũng khó lòng thực hiện.

Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, ngay từ đợt lạnh đầu tiên UBND huyện đã trực tiếp xuống từng hộ dân, làng bản hướng dẫn bà con cách phòng chống rét cho đàn gia súc. Ở Quế Phong trâu bò được chăn nuôi theo hình thức khoanh vùng trong các thung lũng. Tuy nhiên vì nhiệt độ xuống thấp một cách bất thường, hiện tượng băng tuyết xảy ra đã khiến người dân bị thiệt hại nặng.

Cây cối bị phủ bởi băng tuyết ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Lê Thạch.

Ông Lê Văn Giáp cho biết, tính đến chiều ngày 26/1 ở Quế Phong đã có 120 con trâu, bò bị chết rét. Trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã như: Tri Lễ, Nậm Nhoóng, Quang Phong. “Những ngày vừa qua nhiệt độ ở một số xã duy trì thấp ở mức dưới 0oC nên xảy ra băng tuyết.

Thiếu nguồn thức ăn, việc che chắn khó khăn nên xảy ra tình trạng trâu bò chết hàng loạt” - ông Lê Văn Giáp chia sẻ, đồng thời cho biết hiện tại cán bộ cốt cán địa phương tiếp tục chốt bám cơ sở để hỗ trợ, hướng dẫn người dân cách phòng tránh rét cho gia súc và hạn chế mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Quốc Sơn – Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN