bna_cac_doi_tuong_lua_dao_qua_mang_bi_ca_nghi_loc_bat_tai_da_nang3678353_30122018.jpgCác đối tượng lừa đảo qua mạng (thứ 2 và 3 từ trái sang) bị Công an Nghi Lộc bắt tại Đà Nẵng. Ảnh: N.H

Diễn biến phức tạp

Mới thành lập được hơn 1 năm nhưng Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An) “làm” không hết việc. Thiếu tá Hà Huy Đức – Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trao đổi như vậy khi nói về tình trạng tội phạm này trên địa bàn tỉnh.

“Tính riêng trong năm 2018, đơn vị đã nhận được đơn trình báo của hàng trăm nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng”, Thiếu tá Đức nói và cho biết thêm rằng, nhiều nạn nhân đến trình báo trong tình trạng hoảng loạn, cũng có nhiều người sau khi bị mất số tiền quá lớn đã bị trầm cảm, mất ý thức.

3 tháng trước, bà Phan Khánh Chung (61 tuổi, trú TP .Vinh) đến phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh trình báo việc bà bị một nhóm đối tượng lừa đảo và chiếm đoạt 256 triệu đồng. Nạn nhân cho biết, vào một buổi sáng, bà ở nhà một mình và điện thoại bàn đổ chuông. Đầu dây bên kia, một người xưng nhân viên viễn thông báo bà nợ cước điện thoại hơn 8 triệu đồng.

Dù ra sức thanh minh rằng mình không nợ cước, bà Chung vẫn bị các đối tượng này dẫn dắt vào một âm mưu với những lời dọa dẫm về một đường dây tội phạm xuyên quốc gia.

Như bị thôi miên, bà Chung đã ra ngân hàng chuyển 256 triệu đồng trong số tiết kiệm qua tài khoản ngân hàng cho bọn chúng. Khi sực tỉnh, bà mới nhận ra rằng, số tiền bao năm tích cóp, dành dể an dưỡng tuổi già đã không cánh mà bay.

Một người phụ nữ đến trình báo tại cơ quan điều tra. Ảnh: Thanh Quỳnh

Bà Chung chỉ là một trong hàng trăm nạn nhân mất số tiền lớn chỉ vì tin tưởng vào những màn kịch mà các đối tượng lừa đảo dựng lên. Cơ quan công an cho biết, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet trong những năm gần đây đã tăng về số vụ, tính chất cũng như mức độ thiệt hại gây ra.

“Có rất nhiều thủ đoạn mà các đối tượng tội phạm sử dụng để lừa đảo, như lừa đảo chiếm đoạt cước viễn thông; lừa đảo bằng hình thức chiếm quyền truy cập tài khoản facebook; lừa đảo truy cập bất hợp pháp vào tài khoản ngân hàng để chuyển tiền; lừa đảo bằng hình thức bán hàng qua mạng, đánh bạc bằng hình thức lô đề qua mạng viễn thông, cá độ bóng đá qua mạng…”, Đại tá Phạm Hoài Nam – Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết.

Đặc điểm của tội phạm công nghệ cao là sử dụng các thiết bị công nghệ, kết hợp với mạng Internet, mạng xã hội để lừa đảo người dân. Nạn nhân của các đối tượng lừa đảo nhắm đến không trừ một ai, bất kể đó là già, trẻ, gái hay trai.

Qua điều tra nhiều vụ án, cơ quan công an cho biết, các đối tượng cầm đầu thường không trú trên địa bàn tỉnh mà ở các tỉnh thành khác, thậm chí có những đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, châu Phi.

“Hầu hết các vụ án, cơ quan công an chỉ bắt được các chân rết, đối tượng giúp việc mà khó bắt được đối tượng cầm đầu. Bản thân những kẻ này đều ở nước ngoài, ít khi lộ tung tích, có nhiều thủ doạn che dấu nhân thân nên rất khó bắt giữ”, Thiếu tá Đức nói.

Năm 2018, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An xác lập 12 chuyên án về tội phạm sử dụng công nghệ cao, khám phá 10 chuyên án, bắt giữ, khởi tố, xử lý hành chính 76 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao. So với năm 2017, tăng 6 vụ, 30 đối tượng.

Cơ quan công an cũng đã tiếp nhận hơn 100 trường hợp tố giác, tin báo liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Người dân phải tự bảo vệ mình

Cơ quan công an nhận định, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của mạng Internet, mạng viễn thông tại Việt Nam, điều này tạo điều kiện khiến tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng số lượng cùng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phòng ngừa và đấu tranh hơn.
3 đối tượng Phạm Đình Luận, Nguyễn Hữu Thu, Phạm Đình Phi bị kết án 37 năm tù vì lừa đảo, chiếm đoạt hơn 3,5 tỷ đồng. Ảnh: T.V

Mặc dù công an các đơn vị, địa phương đã có nhiều đợt ra quân trấn áp, mở nhiều chiến dịch truy quét, bắt giữ hàng trăm đối tượng nhưng tình hình tội phạm đánh bạc sử dụng công nghệ cao vẫn diễn biến cực kỳ phức tạp.

Tội phạm thì ngày càng ranh ma, tinh quái đã đành nhưng để những đối tượng này có đất “diễn” thì có thể nói là do người dân ngày càng mất cảnh giác. Không chỉ những người hạn chế về nhận thức và hiểu biết xã hội, ngay cả những người có trình độ học vấn cao, va chạm với xã hội nhiều vẫn trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo này.

Cũng có những nạn nhân, vì quá hám lợi trước những lời hứa hẹn mật ngọt của các đối tượng phạm tội mà “dâng” cả số tiền lớn cho chúng.

Như trường hợp của bà L. T. T. (trú TP Vinh), một cán bộ Nhà nước đã nghỉ hưu là một ví dụ. Bà Tuyết thường xuyên lên mạng xã hội, rồi kết bạn với những người nước ngoài. Chúng nói có lượng đô la lớn muốn gửi về Việt Nam và nhờ bà Tuyết nhận hộ.

Một đối tượng đóng vai nhân viên Hải quan thông báo, bà Tuyết phải đóng tiền phí để được nhận số quà này. Không mảy may, bà Tuyết ra ngân hàng chuyển 800 triệu đồng qua số tài khoản chúng cung cấp mà không biết rằng, đây chỉ màn kịch lừa đảo để chiếm đoạt tiền của bà.

Các đối tượng phạm tội hack facebook để lừa đảo tiền của người dân sau khi bị bắt. Ảnh tư liệu

Lãnh đạo phòng Cảnh sát Hình sự khuyến cáo tình trạng sử dụng zalo, facebook hiện nay của nhiều người đang vô tình giúp cho các đối tượng lừa đảo dễ dàng nắm bắt được thông tin cá nhân của người dùng để thực hiện hành vi lừa đảo. Những vụ án như thế này khả năng thu hồi số tiền mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt là hết sức khó khăn.

"Người dân cần tự bảo vệ tài sản của chính mình, trước hết là cần nâng cao tính bảo mật cho các tài khoản mạng xã hội. Thường xuyên cảnh báo, chia sẽ thông tin thủ đoạn lừa đảo đến người thân, bạn bè để mọi người chủ động phòng ngừa", Đại tá Phạm Hoài Nam nói.