Theo ghi nhận của P.V, lượng khách đến với chợ Ga sụt giảm mạnh, các lối đi trống trải, vắng bóng người. Nếu như tại các gian hàng lương thực, thực phẩm xung quanh chợ vẫn giữ được lượng khách nhất định thì các gian hàng quần áo, giày dép, đồng hồ, kính mắt...lượng khách chỉ lác đác vài ba người, nhiều tiểu thương tụ tập chuyện trò vì không có khách.
Ông Lê Vĩnh Hùng - Trưởng BQL chợ Ga cho biết: "Toàn chợ có 1.700 ki ốt thì có đến 500 ki ốt đã bỏ trống do ế ẩm. Số còn lại đang hoạt động cầm chừng. Nhiều tiểu thương mặc dù được trở lại kinh doanh sau dịch nhưng họ vẫn đóng cửa im lìm cả tháng nay. Nhất là tại khu vực tầng 2 của đình chính, hầu như không có bóng người lui tới, hàng trăm ốt vì thế mà cũng bỏ trống".
Tại chợ Vinh, khu chợ lớn nhất trên địa bàn TP.Vinh vẫn không khả quan hơn là bao. Tình trạng "tiểu thương chờ khách" dễ dàng có thể nhận ra trên các tuyến đường trong khu vực chợ. Nhất là tại khu vực D3 - hàng vải và khu vực tầng 2 đình chính. Theo báo cáo của BQL chợ Vinh, tổng thu 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,7/14,8 tỷ đồng, chỉ đạt 38% kế hoạch nhà nước giao.
Không chỉ tại các chợ lớn mà những chợ có quy mô nhỏ hơn, nằm ngay tại trung tâm thành phố, có lượng người qua lại đông đúc cũng phải chịu cảnh ế ẩm sau dịch Covid-19. Chợ Quán Lau trên địa bàn phường Trường Thi là điển hình. Ông Dương Xuân Đạt - Tổ trưởng Tổ Quản lý chợ Quán lau cho biết: "Toàn chợ có 335 ki ốt nhưng nay chỉ có từ 200 - 220 ki ốt đang hoạt động, số còn lại đã nghỉ từ sau dịch Covid-19. Thậm chí có những gian hàng thời trang, mỹ phẩm... cả ngày không có khách lui tới. Việc tiểu thương nghỉ chợ xuất hiện ngày càng nhiều".
Để đối phó với tình trạng ế ẩm này, BQL các chợ cũng tạo điều kiện “nới lỏng” thời hạn thu các loại thuế phí để bà con tiểu thương yên tâm kinh doanh.
Đối với tiểu thương, hiện họ cũng đang tăng cường bán hàng online cho phù hợp với xu thế công nghệ, đồng thời tính toán, cân đối lượng hàng nhập về để tránh tình trạng tồn kho, ế ẩm vì lượng khách đã không còn đông đúc như trước./.