Để đảm bảo cấp nước cho hạ du, cả chục nhà máy thủy điện tại miền Trung, Tây Nguyên nhiều lần phải rút khỏi thị trường phát điện cạnh tranh dù đang là mùa "được giá".

Hàng chục thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên, trong đó có những nhà máy với công suất khá lớn như Hàm Thuận, Buôn Tua Srah... đã phải hoạt động cầm chừng hoặc ngưng phát điện.

Một báo cáo mới nhất cuối tuần rồi của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho hay tại thời điểm ngày 11/3 có đến 15 trong số 51 nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh đã phải tạm ra khỏi thị trường này.

Lý do chính là bởi hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên vẫn gay gắt khiến các hồ thủy điện phải ưu tiên nước cho sinh hoạt, thủy lợi ở vùng hạ du.

“Từ cuối năm 2015 đến đầu tháng 3/2016 ba nhà máy thủy điện trên dòng Srêpôk gồm Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3 của chúng tôi đã nhiều lần  ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh ”, Giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuốp - Văn Thiên Nhân thở dài.

Theo số liệu được đưa lên hệ thống giám sát của Ban chỉ đạo chống hạn tỉnh Đăk Lăk thì lưu lượng nước về 3 hồ của công ty trong tuần đầu tháng 3 cũng chỉ đạt lần lượt là 19m3/s, 48m3/s và 70m3/s. Nếu khai thác tho quy trình vận hành liên hồ thì các hồ này chỉ chạy được 2-4 tháng là hết nước.

 “Để đảm bảo cấp nước cho mùa kiệt, doanh nghiệp lại vừa báo cáo A0 tách các nhà máy này ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 9/3”, Phó giám đốc Trần Văn Khánh cập nhật.

images1480806_hhh_1263_1457843541.jpgKỹ sư nhà máy Buôn Tua Srah đang theo dõi mực nước về hồ. Ảnh: T. Đức

Trong khi đó, tình hình tại thủy điện A Vương (Quảng Nam) còn bi đát hơn. “Chúng tôi không chỉ phải ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh từ cuối năm ngoái mà 2 tháng rồi nhà máy chưa phát điện lấy một lần”, Phó giám đốc Lê Đình Bản nói.

Dù vậy, theo ông Bản, các công nhân nhà máy vẫn phải “trực cấp cứu” bởi A0 có thể gọi phát điện bất cứ lúc nào nếu hệ thống điện quốc gia có nguy cơ thiếu hụt.

Vị phó giám đốc cho biết thêm, kế hoạch năm 2016 được Bộ Công Thương giao phải phát điện 530 triệu kWh song sản lượng đến 10/3 mới được 3,9 triệu, đạt hơn 0,7% kế hoạch.

Tình hình tại hai nhà máy Đa Nhim và Hàm Thuận của Công ty CP thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận – Đa Mi cũng không khá hơn khi hai nhà máy dù không phải là đa mục tiêu (thủy lợi lẫn phát điện) song cũng phải rút khỏi thị trường phát điện cạnh tranh để chia sẻ nước khi Bình Thuận đang là tâm điểm của đợt hạn hán đang kéo dài.

Tại lễ khởi công nhà máy Đa Nhim mở rộng cuối năm 2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi đó đã đánh giá rất cao việc các hồ thủy điện hy sinh lợi ích cho thủy lợi, sinh hoạt còn việc phát điện phải đặt xuống thứ yếu.

Thực tế, từ sau khi có quyết định về vận hành liên hồ, câu chuyện người dân hạ du các thủy điện bức xúc vì khát đã không còn nhức nhối như nhiều năm trước khi trao quyền xả nước cho Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

“Mặc dù hồ A Vương đã được quy định mực nước tối thiểu xuống 2,5m nhưng hiện vẫn ở dưới mức nước chết. Do vậy, chúng tôi kiến nghị hai kịch bản, là vẫn phát điện để tham gia thị trường điện hoặc ngừng phát để tích nước vì hạn hán có thể kéo dài thêm 2-3 tháng nữa. Quyết định thế nào là ở địa phương”, ông Bản cho hay.

Theo ông Trương Công Hồng, Phó giám đốc Sở Công Thương Đăk Lăk, để các thủy điện tham gia thị trường vừa chào được giá cạnh tranh, trong khi các nhà máy này vẫn phải vận hành theo quy trình liên hồ nhằm đảm bảo cấp nước cho hạ du là rất khó khăn.

“Ví dụ, tôi biết nhiều thời điểm giá lên, nhưng thủy điện Buôn Kuốp đành chấp nhận rút khỏi thị trường, không thể chào giá cao vì nếu vậy thì mức nước sẽ vi phạm theo quy trình liên hồ”, ông Hồng dẫn chứng.



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN