Sắp tới, việc kiểm soát khí thải xe máy sẽ được cơ quan chức năng thực hiện. Chỉ có các phương tiện được kiểm tra và đạt ngưỡng theo quy định về khí thải thì mới được lưu thông. Vậy, quy trình kiểm tra khí thải xe máy sẽ được thực hiện như thế nào?
images1175991_copy_of_20140806155237_dsc00700_1433735422735.jpgdự kiến theo lộ trình, từ 1/7/2018 sẽ kiểm soát đối với xe máy đã đăng ký sử dụng lần đầu từ 10 năm trở lên. Ảnh: TL

Đăng kiểm tại đại lý hoặc trung tâm đăng kiểm ô tô

 
Theo đại diện Phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT), dự kiến chu kỳ kiểm định xe máy là hai năm/lần. Sau khi kiểm định, xe nào đạt tiêu chuẩn khí thải thì mới được cấp chứng nhận, tem kiểm định. Các loại chứng nhận và tem nêu trên sẽ giúp lực lượng chức năng phân biệt với xe chưa kiểm tra khí thải hoặc kiểm tra không đạt chuẩn. Với những xe không đạt tiêu chuẩn khí thải sau khi kiểm tra thì chủ xe phải có trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn.
 
Hệ thống kiểm tra khí thải sẽ được bố trí tại các đại lý ủy quyền chính thức của các công ty sản xuất, lắp ráp xe máy và các trung tâm đăng kiểm ô tô. Trong đó, chỉ có hệ thống đại lý của các hãng gồm: Honda, Yamaha, SYM, Piaggio và Suzuki được thực hiện chức năng kiểm tra nêu trên. Hiện theo thống kê, các hãng này có 1.526 đại lý trên toàn quốc. Như vậy, người dân sẽ thuận tiện trong việc kiểm tra, tránh được tình trạng ùn ứ trong mỗi lần đến hạn kiểm tra khí thải. Ở mỗi đại lý nêu trên có thể bố trí 2-3 máy đo. Trung bình thời gian kiểm tra khí thải là 8 phút/xe. Dự kiến mức phí mỗi lần kiểm tra khí thải áp dụng trong khoảng thời gian 2 năm/lần là 100.000 – 150.0000 đồng/xe .
 
Khi người dân khi đưa xe đến kiểm tra có thể kết hợp sửa chữa, bảo dưỡng xe. Theo đánh giá của ban soạn thảo đề án kiểm soát khí thải thì chu kỳ kiểm tra 2 năm/lần, mỗi lần 8 phút sẽ không gây phiền hà cho người dân. Mức phí kiểm định chiếm tỷ lệ không đáng kể so với chi phí cho nhiên liệu, bảo dưỡng/năm. Khi xe được sửa chữa, bảo dưỡng đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ giúp tăng tuổi thọ xe và tiết kiệm 10-30% nhiên liệu. Thêm vào đó, mức độ an toàn, kiểm soát tình trạng “sức khỏe” của phương tiện cũng được nâng cao. Tránh được tình trạng người dùng không quan tâm bảo dưỡng, sữa chữa khiến nguy cơ mất an toàn tăng cao.
 
Tuy nhiên, người dân có thể được hưởng chính sách kiểm tra miễn phí khi trong đề án đã đưa ra hướng nghiên cứu tìm sự hỗ trợ nguồn kinh phí dành cho bảo vệ môi trường hoặc nguồn để dành bù đắp chi phí nêu trên.
 
Cần có cơ chế giám sát tránh đăng kiểm ẩu
 
Với nội dung đề án đưa ra, chắc chắn việc kiểm tra khí thải đối với xe máy sẽ sớm được thực hiện. Trước đó, theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn năm 2013-2015, việc kiểm soát khí thải đối với môtô, xe gắn máy phải áp dụng tại các đô thị loại I, II tuy nhiên sự tác động trực tiếp đến đa số người dân trong đó số lượng người nghèo là không nhỏ nên Bộ GTVT chủ trì cùng các bộ, ngành và UBND các tỉnh tiếp tục xây dựng lộ trình mới để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Theo lộ trình mới, TP Đà Nẵng sẽ là địa phương được chọn để thí đểm, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng tại năm thành phố trực thuộc Trung ương. Hai năm đầu thí điểm tại thành phố này, ước tính có 400.000 xe máy được kiểm định khí thải, năm tiếp theo có thêm 300.000 xe.
 
Sau khi đề án nêu trên được báo chí đăng tải, không ít người dân đã bày tỏ quan điểm ủng hộ, nhất là cư dân tại các thành phố lớn. Theo thống kê đến cuối năm 2014, tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương có hơn 13,4 triệu mô tô, xe gắn máy (chiếm gần 30% cả nước), trong đó xe đã sử dụng trên 5 năm là gần 8,4 triệu chiếc. Đây là nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại các thành phố nhưng lại chưa có sự kiểm soát khí thải. Tình trạng người dân ra đường phải đối diện với khói bụi trong những ngày nắng nóng vừa qua càng cho thấy tính cấp thiết của đề án kiểm soát này.
 
Anh Dương Minh Quang (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, cần sớm triển khai việc kiểm soát bởi hiện đã chậm trễ. Việc cơ quan chức năng “thả cửa” cho hàng chục triệu xe vô tư xả thải cả hàng chục năm nay đã tác động không nhỏ đến môi trường và sức khỏe người dân, nhất là dân sống ở thành thị.
 
Về quy trình và mức phí đăng kiểm trong đề án, anh Đoàn Văn Công (TP Vinh, Nghệ An) tỏ ra khá bất ngờ. Anh cho rằng mức phí tương đối rẻ và việc bố trí đăng kiểm tại các đại lý chính hãng sẽ giúp dân đỡ áp lực phải chờ đợi. Tuy nhiên, anh Công băn khoăn việc kiểm tra tại các đại lý thì liệu phương tiện mang thương hiệu của hãng có đại lý được cấp phép kiểm tra có xảy ra tình trạng làm qua loa vì đằng nào cũng là xe của hãng? Hoặc sẽ làm gắt để người dùng phải thay thế các thiết bị cho dù vẫn chưa đến mức phải thay thế? Cơ chế giám sát đăng kiểm đối với cả ngàn điểm đại lý nêu trên là như thế nào? Đây là những băn khoăn của người dân gửi đến ban soạn thảo đề án để lúc thực hiện tránh các rắc rối phát sinh bởi diện ảnh hưởng của đề án khá lớn.
 
Theo Ban điều hành đề án Kiểm soát khí thải (gồm đại diện các bộ GTVT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương và Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Cục CSGT), dự kiến sẽ thực hiện thí điểm tại Đà Nẵng trong năm 2018 -2019. Lộ trình cụ thể sẽ là 1/7/2018 kiểm soát đối với xe máy đã đăng ký sử dụng lần đầu từ 10 năm trở lên; từ 1/8/2019 áp dụng với xe đã đăng ký sử dụng từ 5 năm trở lên. Sau đó, từ năm 2020 - 2022 áp dụng tại bốn thành phố trực thuộc Trung ương khác là: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng và Cần Thơ. Đến năm 2022, trên toàn quốc, các xe máy có niên hạn sử dụng trên 5 năm được kiểm định và đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới được lưu hành.
 
Theo Giadinh.net