Theo đó, có 67 lao động người Nghệ An được đối tác Hàn Quốc lựa chọn và ký hợp đồng lao động. Tất cả số lao động này là nam giới, có độ tuổi từ 20 - 37 tuổi. Đây là những lao động đã đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc thông qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An.

Trung tâm Lao động ngoài nước đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hộitỉnh hướng dẫn, giải thích và đề nghị người lao động đọc kỹ hợp đồng lao động và xác nhận nguyện vọng của người lao động về việc ký hợp đồng đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. 

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua phía Hàn Quốc chưa tổ chức nhập cảnh cho lao động theo chương trình EPS của tất cả các quốc gia phái cử. Bởi vậy, sau khi ký hợp đồng, hoàn thành các thủ tục phải tiếp tục chờ đợi kế hoạch nhập cảnh, một số lao động bị hủy hợp đồng dẫn đến phải làm thủ tục thanh lý hợp đồng đưa đi, tất toán tài khoản ký quỹ... gây khó khăn cho các lao động. 

Dạy tiếng Hàn cho những lao động Nghệ An. Ảnh: MH
Dạy tiếng Hàn cho lao động Nghệ An. Ảnh: MH

Để giảm bớt khó khăn, áp lực về kinh tế, thủ tục hành chính cho người lao động tham gia chương trình EPS, đối với những lao động đã được lựa chọn trên thì việc ký quỹ, nộp các chi phí phái cử, làm lý lịch tư pháp và ký kết hợp đồng đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS sẽ được Trung tâm Lao động ngoài nước thông báo sau khi phía Hàn Quốc thông báo kế hoạch nhập cảnh.

Được biết, đây là đợt ký hợp đồng đầu tiên của lao động Nghệ An đối với thị trường Hàn Quốc trong năm 2021. Số lao động Nghệ An được doanh nghiệp Hàn Quốc ký hợp đồng lần này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực ngư nghiệp, nông nghiệp và chế tạo máy.

Đầu năm 2020, Nghệ An cũng có hơn 300 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo diện này. Sau đó, việc tiếp nhận bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ,TB&XH) cho biết thêm.

Nghệ An là một trong những tỉnh  có số lao động làm việc nhiều nhất tại Hàn Quốc với hơn 5.000 lao động. Tuy vậy, thời gian qua, Nghệ An cũng là địa phương có lượng lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc khá đông. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của những người xuất khẩu lao động hợp pháp.

Để kéo giảm số lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương  tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình có người nhà đang lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn hợp đồng. Đến thời điểm này, Hàn Quốc đã gỡ lệnh tạm dừng tiếp nhận lao động thuộc 6 huyện, thị của Nghệ An. Tuy vậy, vẫn còn 3 địa phương đang bị phía Hàn Quốc tạm dừng tuyển chọn lao động là Nam Đàn, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò.

Đây là những địa phương có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 28% trở lên và có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 53 người trở lên.