(Baonghean) - Cho đến nay, Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về số lượng dự án đầu tư vào Nghệ An với 12 dự án, tổng vốn đầu tư trên 64,48 triệu USD. Một số dự án đầu tư nhanh, sớm phát huy hiệu quả, tạo nhiều việc làm cho lao động, nạp ngân sách khá, góp phần xây dựng, thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Tạo nhiều việc làm cho lao động
Nhà máy may xuất khẩu Haivina Kim Liên (Nam Giang, Nam Đàn) là một trong những công trình được đầu tư nhanh, hiệu quả và có uy tín trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hiện nhà máy có gần 3.000 lao động, hàng tháng thu nhập của công nhân đạt 4-5 triệu đồng/người. Chị Nguyễn Thị Vân, công nhân đến từ Nam Đàn chia sẻ: Làm công nhân của công ty, hiện tôi có con nhỏ, được đơn vị tạo điều kiện tốt về nhiều mặt. Ngoài đảm bảo tiền công, tiền lương đúng thời điểm, tôi và các công nhân khác còn được về sớm hơn 1h để chăm sóc con nhưng vẫn được tính thời gian làm việc 8 tiếng/ngày. Bên cạnh đó, tôi còn được học hỏi các kỹ thuật may rất khó đáp ứng được tiêu chuẩn hàng xuất khẩu sang các nước châu Âu như các loại găng tay thể thao, quần áo.
Anh Phan Thanh Tịnh, phụ trách hành chính ở Công ty TNHH Haivina Kim Liên, cho biết: “Sau khi đi lao động ở Hàn Quốc về lại được làm việc với Công ty Hàn Quốc ngay tại quê nhà, tôi có thêm thu nhập và điều kiện chăm sóc gia đình hơn. Với vốn ngoại ngữ từ Hàn Quốc tôi cũng thuận lợi hơn trong công việc…”.
Công ty TNHH Haivina Kim Liên nhiều năm qua là điển hình trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Nghệ An về quan hệ hài hòa giữa các bên chính quyền, doanh nghiệp và người lao động. Ngoài việc được các cơ quan, ban, ngành tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn kịp thời về điện, nước, mặt bằng, hỗ trợ về chính sách bảo hiểm, công ty còn chủ động thành lập tổ chức công đoàn, đảm bảo các chế độ về vật chất, tinh thần cho người lao động trong lao động. Nhờ vậy, công nhân quan tâm gắn bó với nhà máy.
Ở Khu công nghiệp Nam Cấm, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử BSE (Hàn Quốc) là doanh nghiệp tạo nhiều việc làm cho lao động nhất với gần 4.000 người. Nhà máy có tổng mức đầu tư 30 triệu USD trên diện tích 5,7ha với quy mô sản xuất 250 triệu sản phẩm/năm. Mỗi năm nhà máy nộp ngân sách cho tỉnh trên 50 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, nhà máy đạt doanh thu, nộp ngân sách 58 tỷ đồng. Với môi trường nhiều công nhân như vậy, doanh nghiệp cũng đang cải thiện tốt hơn môi trường lao động, như nâng cao chất lượng bữa ăn, lắp điều hòa trong nhà xưởng sản xuất, thay dép khi đi làm trong phân xưởng và có đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Tính đến nay, Hàn Quốc là quốc gia đầu tư số lượng dự án nhiều nhất tại Việt Nam nói chung và ở Nghệ An nói riêng. Trong 35 dự án FDI được cấp phép vào Nghệ An thì Hàn Quốc có 12 dự án. Trong các dự án đang hiệu quả của Hàn Quốc tại Nghệ An, các dự án dệt may và lắp ráp điện tử là những dự án hiệu quả nhất. Về vốn ODA, Hàn Quốc có 1 dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả là Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc được Chính phủ Hàn Quốc đầu tư với tổng mức đầu tư là 7,3 triệu USD, hiện nay đang triển khai giai đoạn 2.
Tiếp tục thu hút nhiều chương trình, dự án hiệu quả
Hàn Quốc là quốc gia có vị trí địa lý gần với Việt Nam, văn hóa có nhiều nét tương đồng, đây là quốc gia phát triển về kinh tế, công nghệ và Nghệ An có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong quản lý, đổi mới công nghệ, đào tạo lao động… Những năm qua, với việc giao thoa về văn hóa, kinh tế giữa hai bên, cũng như gia tăng số lượng lao động Nghệ An đi làm việc tại Hàn Quốc và sau đó trở về quê làm việc cho Công ty Hàn Quốc đã tạo sự gần gũi giữa xứ Hàn với tỉnh Nghệ An. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Trung tâm xúc tiến đầu tư và tư vấn phát triển Nghệ An cũng chú trọng thu hút đầu tư từ Hàn Quốc, coi đây là đối tác chiến lược, quan trọng để tiếp tục thu hút trong thời gian tới.
Từ năm 2011 đến nay, thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Nghệ An đạt được những kết quả đáng mừng, nhất là trong tạo việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ. Song về tổng thể, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh; chưa thu hút được các dự án lớn mang tính động lực, lan tỏa.
Đa số các dự án từ Hàn Quốc quy mô vừa và nhỏ, ít sử dụng công nghệ tiên tiến (chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản, sử dụng lao động giá rẻ như may mặc, lắp ráp điện tử mà còn có ít các dự án trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sâu, phụ trợ…).
Theo ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Trung tâm XTĐT và TVPT Nghệ An: Thời gian tới, đối tác chủ lực thu hút đầu tư của Nghệ An vẫn là các quốc gia, doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế Hàn Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Singapore… và Nghệ An sẽ mở hội nghị thu hút đầu tư ngay tại Hàn Quốc để đón làn sóng đầu tư mới từ quốc gia này.
Châu Lan