(Baonghean) - Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Đặc biệt khi ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn thì công tác bảo vệ môi trường đặt ra những yêu cầu cấp thiết.

Ở xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn thời gian gần đây, người dân bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ trại chăn nuôi lợn giống siêu nạc công nghệ cao của Công ty TNHH Đại Thành Lộc. Ông Phạm Ngọc Hùng, xóm Hồng Lĩnh, sát ngay chân đập Hồ Tràng Đen, nơi tiếp nhận nguồn nước từ trại lợn, cho biết: Trước đây, nước hồ trong xanh, không khí trong lành, người dân thường đi thể dục buổi sáng, hóng mát vào buổi chiều và tắm giặt thoải mái. Nhưng từ khi nước ở hồ đổi sang màu đen, có mùi hôi thối, mọi người không thể dạo bộ quanh hồ. Ô nhiễm nguồn nước còn ngấm vào giếng khơi của gia đình ông và nhiều gia đình khác trong xóm. Nhiều gia đình trong xóm lo lắng mua bình lọc về để lọc nước giếng ăn. Ông Nguyễn Đức Hiền, ở xóm Tiền Phong, sát trại lợn, cho biết, có thời điểm vào ban đêm, đúng hướng gió, mùi hôi thối nồng nặc rất khó chịu, phải đóng hết các cửa và có khi ngồi trong nhà cũng đeo khẩu trang. Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết, trước tình trạng ô nhiễm môi trường và sự bức xúc của người dân, chính quyền đã báo cáo các cấp, các ngành để tìm hướng giải quyết, nhưng cho đến nay vẫn chưa được cải thiện. 

Người dân xóm Hồng Lĩnh, xã Nam Hưng (Nam Đàn) cho rằng ô nhiễm từ hồ Tràng Đen đang thẩm thấu vào ao nuôi cá của gia đình.

Cử tri một số xã của huyện Nghĩa Đàn gần khu vực dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung của Công ty CP thực phẩm sữa TH cũng đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan chức năng về ô nhiễm môi trường. Thường trực HĐND tỉnh đã có cuộc khảo sát ý kiến phản ánh của cử tri; đầu tháng 9/2015 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã trực tiếp kiểm tra vấn đề này, đều khẳng định phản ánh của cử tri là có cơ sở. Theo báo cáo của UBND huyện Nghĩa Đàn, ở các trang trại xây dựng tại vị trí cao hơn khu dân cư xung quanh, vào mùa mưa lũ lớn nước thải chảy vào khu dân cư, gây ô nhiễm... Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đã diễn ra ở các trại lợn của Công ty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương tại xã Đại Sơn, huyện Đô Lương; trại lợn của Công ty Đô Thành tại xã Tiến Thành, huyện Yên Thành; trại lợn Bình Minh ở xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu... Theo kết quả kiểm tra của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh gần đây tại 6 trang trại chăn nuôi lợn, bò trên địa bàn tỉnh cho thấy, tất cả các trang trại đều đi vào hoạt động nhưng chưa lập hồ sơ gửi cơ quan chức năng để xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các trang trại đều chưa thực hiện theo đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; chất lượng nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia... 

Tìm hiểu nguyên nhân gây ô nhiễm từ các trại chăn nuôi, ngoài ý thức trách nhiệm của các chủ trang trại chưa cao thì chính quyền địa phương chưa có quy hoạch bài bản trong chăn nuôi. Thông thường các dự án chăn nuôi được thu hút ở các địa phương, khi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng trang trại lựa chọn địa điểm đều được các địa phương chấp thuận, chứ chưa có thẩm định, phê duyệt tác động môi trường. Điều này lý giải cho tình trạng gây ô nhiễm từ các trại lợn đều có sự phát tán và ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, không khí... Mặt khác, trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, chính quyền địa phương thiếu giám sát, kiểm tra, dẫn đến nhiều trại chăn nuôi vượt quá tổng đàn được phê duyệt, vượt quá khả năng đáp ứng đảm bảo môi trường của cơ sở, điển hình trại lợn ngoại của Công ty Thái Dương tại xã Đại Sơn (Đô Lương), hay trại lợn của Công ty Đô Thành tại xã Tiến Thành (Yên Thành), hoặc trang trại nuôi bò Úc của Công ty Kết Phát Thịnh tại xã Nghi Lâm (Nghi Lộc)...

Hiện tại, ngành chăn nuôi đang phát triển theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cấp, các ngành cần quan tâm đến phát triển chăn nuôi bền vững. Cùng với phát triển, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị chăn nuôi, yêu cầu đặt ra phải ứng dụng các tiến bộ KHKT để đảm bảo môi trường sinh thái. Các địa phương chú trọng quy hoạch vùng sản xuất chăn nuôi xa dân cư, xa nguồn nước; gắn quy hoạch vùng chăn nuôi với quy hoạch sử dụng đất một cách hợp lý nhất. Mặt khác, khi có dấu hiệu gây ô nhiễm từ các trại chăn nuôi phải có thái độ kiên quyết trong xử lý, đảm bảo môi trường chung, đảm bảo song song lợi ích giữa phát triển kinh tế và lợi ích cộng đồng.

Mai Hoa