Hạn chế hậu họa!

(Baonghean) - Tháng cuối cùng của năm 2014 không trôi qua trong êm ả. Khi mà người dân cả nước phải trải qua mấy ngày thấp thỏm dõi theo vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo ở Lâm Đồng. Cho dù, tỉnh Lâm Đồng, các bộ, ngành liên quan và lực lượng hữu trách đã tích cực, khẩn trương cứu được các nạn nhân ra khỏi hầm bình yên, mạnh khỏe. Thế nhưng, dường như “dư âm nóng” của vụ việc đã để lại điều gì đó bất ổn trong suy nghĩ của nhiều người khi nhắc đến hai chữ thủy điện.
TIN LIÊN QUAN
Bởi lẽ, trong mấy năm trở lại đây, khi phong trào xây dựng nhà máy thủy điện bùng phát ở các địa phương có tiềm năng về lĩnh vực này thì đi kèm với vui mừng vì có nguồn năng lượng sạch với giá phải chăng, là những âu lo nhiều hơn. Âu lo về rừng đầu nguồn bị tàn phá để có chỗ cho thủy điện đứng chân. Âu lo về dòng chảy bị thay đổi và khiến cho môi trường sinh thái của không ít con sông, lưu vực sông bị hủy hoại. Âu lo về sự bền chắc của các con đập và sự an toàn về tính mạng con người, mùa màng, súc vật phía dưới nhà máy thủy điện những ngày xả lũ. Những âu lo đó nhanh chóng trở thành hiện thực.
Ban đầu là vụ rò rỉ nước ở thân đập nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 và những dư chấn kéo dài chưa rõ nguyên nhân sau khi nhà máy đi vào tích nước đã khiến người dân cả huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) lúc nào cũng phải sống trong sợ hãi, làm rung động dư luận cả nước hồi tháng 3/2012. Cho đến nay sự cố đã được xứ lý, nhưng không ai dám chắc mươi, mười lăm năm nữa sẽ không có chuyện tồi tệ xảy ra. Rồi cách đây tròn 1 năm 1 tháng, tại miền Trung, thông tin từ Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây nguyên cho biết, chỉ tính trong ngày 1/11/2013 đã có 15 thủy điện trong khu vực đồng loạt xả lũ kết hợp với thời tiết mua bão làm 30 người chết. Hàng chục nghìn 
ngôi nhà và tài sản trong đó bị ngập nước. Tới năm nay, Thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai), công trình mà nhiều hộ dân từng chịu ảnh hưởng nặng nề sau cú vỡ đập vào tháng 6/2013, tiếp tục vỡ vào sáng 1/8 tạo ra một trận lũ quét lớn hủy hoại mùa màng và nhiều tài sản của người dân trong vùng. Nay lại có 12 công nhân phải mấy ngày “sống trong sợ hãi”. Nhìn vào những sự cố đó của thủy điện làm sao mà không thấy bất ổn cho được. Hơn nữa, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những sự cố đó, như đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này, thì sai sót là từ khâu khảo sát đánh giá địa chất công trình dẫn đến thiếu biện pháp thi công đúng đắn khiến chất lượng công trình không bảo đảm an toàn. Những sai sót đó có thể là do trình độ, năng lực còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Nhưng cũng có thể là do muốn có công trình bằng mọi giá để thu lợi mà bỏ qua các yêu cầu, quy định, quy chuẩn kỹ thuật cần thiết. Ngay cả với những nhà máy thủy điện đã đi vào vận hành cũng vậy. Khi xả lũ, cũng đã gây ra những thiệt hại không hề nhỏ cho các cư dân ở vùng dưới. Có vẻ như người của thủy điện coi trọng sự an toàn của nhà máy hơn tất cả mọi thứ. Vì nhà máy an toàn, vận hành ổn định thì lợi nhuận mới ổn định. Dẫn đến một thực trạng là thủy điện khi bị vỡ đập, sập hầm hay khi xả lũ đều tạo ra nguy cơ mất an toàn rất cao. Nhưng dù sao thì sự đã rồi. Vấn đề quan trọng cần bàn, cần nói lúc này là phải làm sao hạn chế thấp nhất những tai họa do thủy điện gây ra. 
Và dù muốn hay không thì cũng phải công nhận một thực tế là trong một giai đoạn dài “phát triển nóng” về thủy điện, chúng ta đã trả giá rất đắt về môi sinh và kinh tế - xã hội, song tác hại của nó chưa dừng lại mà vẫn chực chờ phát tác bất kể lúc nào. Và không thể cứ mỗi khi xảy ra sự cố thì mới rà soát, đánh giá và khắc phục hậu quả. Mà phải chủ động lên kế hoạch soi xét lại thật kỹ càng và mạnh tay loại bỏ những dự án, thậm chí là những nhà máy đã xây dựng xong nếu phát hiện là hại nhiều hơn lợi để hạn chế thấp nhất hậu họa.
 Duy Hương