Dùng thuốc là để điều trị bệnh, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi, đôi khi nó lại gây tác hại trên hệ thần kinh, mà biểu hiện rất khó chịu là đau đầu.
 
Đau đầu do dùng thuốc
 
Đau đầu do dùng thuốc có thể xảy ra tức thì cơn đau đầu ngay sau thời điểm dùng thuốc và giảm dần hoặc biến mất sau khi ngưng dùng thuốc, đặc điểm của cơn đau có thể giống với các thể đau đầu khác như đau đầu Migraine, đau đầu vận mạch...
 
Đau đầu cũng có thể được quy là do thuốc nếu tình trạng đau đầu đã có từ trước nhưng nặng lên ngay sau khi dùng thuốc.
 
Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của đau đầu do căn nguyên thuốc là thường đau vào buổi sáng, sau đó kéo dài dai dẳng cả ngày. Đau đầu do thuốc có trong hai thể thường gặp là đau đầu do tác dụng phụ của thuốc và đau đầu do lạm dụng thuốc. 
 
Đau đầu do lạm dụng thuốc xảy ra ở nữ giới nhiều gấp 3- 4 lần so với nam giới. Ở những bệnh nhân với các bệnh lý đau đầu từ trước và có lạm dụng các thuốc điều trị, nếu xuất hiện các dạng đau đầu mới hoặc tình trạng đau đầu nặng lên thì cần được cân nhắc chẩn đoán đau đầu do lạm dụng thuốc.
 
Các loại thuốc có thể gây đau đầu
 
Các thuốc giảm đau chống viêm thông thường như acetaninophen (paracetamol), acetylsalicylic (aspirin), ibuprofen, naproxen, diclofenac... Paracetamol và aspirin là những thuốc giảm đau chống viêm được sử dụng rộng rãi và có mặt ở hầu khắp các hiệu thuốc. 
 
Hai thuốc này hoạt động theo cơ chế ức chế men phân hủy các phospholipid màng, ngăn không cho tạo thành các prostaglandin, một chất trung gian hóa học điển hình của viêm và đau. Dưới tác dụng của những thuốc này, các prostaglandin không được tạo ra và do đó hiện tượng đau sẽ được giảm xuống.
 
Vì đây là thuốc giảm đau nên sau khi uống khoảng 30 phút thì cơn đau đầu giảm dần nhưng chỉ khoảng 8 - 10 tiếng sau, cơn đau đầu lại xuất hiện và người bệnh lại phải sử dụng liều tiếp theo. Cứ như thế, cơn đau đầu do căng thẳng tự nhiên chuyển sang đau đầu do thuốc lúc nào không hay. 
 
Đa phần sự chuyển đổi này lại khá thường gặp ở nữ giới và những người có hệ thần kinh yếu và không thăng bằng. Điều này dẫn bệnh nhân tới tiếp tục điều trị để giảm bệnh đau đầu và như vậy, bắt đầu một vòng luẩn quẩn.
 
 
images1414902_3.jpgNhiều loại thuốc dễ gây đau đầu.
Các thuốc trị đau nửa đầu như ergotamine, almotriptan, eletriptan... Ergotamine là một thuốc kinh điển, là sự lựa chọn đầu tay và tốt nhất trị bệnh đau nửa đầu kiểu Migraine xuất hiện và không đáp ứng điều trị với các thuốc khác. Hiệu quả của thuốc là rõ rệt ngay từ viên thuốc đầu tiên. Song sự lạm dụng thuốc hoặc uống không đúng cách thì cũng dẫn đến hậu quả là đau đầu mạn tính hằng ngày, điều này làm người bệnh bị lệ thuộc vào các thuốc cắt triệu chứng và giảm hiệu quả của điều trị dự phòng.
 
Thuốc ức chế men phosphodiesterase như sildenafil (viagra) chữa rối loạn cương và dipyridamole cũng có thể gây đau đầu. Nghiên cứu cho thấy, sildenafil có thể gây ra các cơn đau đầu ở phần lớn những người trẻ tuổi dùng thuốc, đặc biệt người có bệnh đau đầu Migraine. 
 
Đặc điểm của đau đầu do sildenafil tương tự như đau đầu do các dẫn xuất NO, nhưng thường xuất hiện tương đối muộn (trong vòng 5 giờ sau dùng thuốc) và kéo dài trong khoảng 3 ngày, có thể xảy ra chỉ sau một liều đơn lẻ của thuốc.
 
Nhóm thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, điển hình như codein, oxycodone, propoxyphene, meperidine. Codein là một thuốc ức chế thần kinh trung ương mạnh, do đó làm giảm các triệu chứng của đau đầu và giảm các phản ứng quá lớn của thần kinh như ho dữ dội do trung tâm ho, đau thần kinh. 
 
Đây là một thuốc ít khi được dùng đơn độc một mình mà thường kết hợp với một nhóm thuốc khác như thuốc hạ sốt paracetamol, thuốc làm loãng nhày terpin. Song codein là tâm điểm được chú ý khi nghiên cứu các đau đầu do thuốc. Có một tỷ lệ khá cao sự xuất hiện đau đầu mạn tính ở những người sử dụng codein.
 
Thuốc tránh thai: viên tránh thai phối hợp estrogen-progestin có thể gây ra một đợt đau đầu mới hoặc làm nặng tình trạng đau đầu đã có từ trước, tỷ lệ chung của hai loại đau đầu này theo một số nghiên cứu quy mô lớn xảy ra ở khoảng 3 - 6% số người sử dụng. Tỷ lệ đau đầu do thuốc tránh thai thường giảm dần khi thuốc được sử dụng kéo dài nhiều tháng và hết nhanh sau khi ngừng thuốc.
 
Các thuốc có chứa caffein: Đây là một chất kích thích thần kinh có tác dụng làm thức tỉnh, có nhiều trong đồ uống như chè, cà phê và được sử dụng như một thức uống thông dụng. Ở liều thông thường, chỉ một tách cà phê thì caffein tạo cho ta một cảm giác dễ chịu, khoan khoái giúp làm việc hiệu quả. 
 
Nhưng ở một liều quá cao thì tác dụng của nó lại trầm trọng dẫn đến đau đầu không chịu được với biểu hiện nhức nhối xuất hiện ở cả hai bên, đầu có cảm giác nặng trịch. Tình trạng này kéo dài sẽ biến một cơn đau đầu thoáng qua thành một cơn đau đầu mạn tính.
 
Ngoài ra, thuốc kháng sinh tetracyclin, thuốc an thần loại barbiturat, thuốc chống đông máu, thuốc chống động kinh loại phenytoin... cũng có thể gây ra những cơn đau đầu mạn tính.
 
Làm gì để hạn chế đau đầu do thuốc?
 
Để hạn chế đau đầu do thuốc, những người hay bị đau đầu hoặc có nguy cơ đau đầu không nên lạm dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt, an thần kinh... Dùng thuốc theo đơn và đúng liệu trình điều trị của thầy thuốc. 
 
Khi có biểu hiện bất thường cần ngừng thuốc và xin ý kiến thầy thuốc để xử trí. Những người bị đau đầu mạn tính không nên dùng trà, cà phê hay bất cứ thức uống nào có caffein vì sẽ làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
 
Theo Sức Khỏe Đời Sống