(Baonghean.vn) - Hôm nghe anh Vương Kiếm Cường (nguyên đảo trưởng đảo Ngư) bảo: "Chú ra với đảo nhé, đảo có nhiều chuyện mới lắm". Tôi đã mường tượng lại về môt hòn đảo kiên gan những năm dài chiến cuộc, thay đổi dẫu sao cũng chỉ là chuyện nhỏ. Không ngờ, trên chuyến cano cao tốc mà đằm, mà êm ấy, tôi được gặp lại một đảo Ngư nhìn từ phía biển.

Vua Lê Thánh Tông, vị hoàng đế thứ 5 của nhà hậu Lê, những dịp đi tuần thú phương nam, thường dừng thuyền nghỉ ngơi ngoạn cảnh đảo, trời, mây, nước, và cao hứng đề thơ:


Biển rộng khí yên hơi ngớt lặng
Âu nằm bãi vắng giăng đang say.
Ba tòa u nhã đều thiêng lạ
Ðảo cá lô nhô biếc phủ dài.

images1001359_b_n_lan_ch_u_ch__kh_ch.jpgBến Lan Châu đón du khách ra thăm đảo Ngư.
Tàu chở du khách ra thăm đảo.

Từ bán đảo Lan Châu, chuyến hải trình bắt đầu trên chiếc tàu cao tốc của Công ty CP Song Ngư Sơn. Giữa sóng nước mênh mang, Thị xã biển Cửa Lò dần hiện ra sau từng guồng quay chân vịt. Bên trái là đảo Lan Châu xoãi mình hoà cùng mặt nước, xa hơn chút nữa là bãi tắm thoai thoải uốn cong một dáng mềm mại với những hàng dừa, phi lao như hàng my xanh mờ của bờ kéo mãi đến khôn cùng. Và bên cạnh, trước mặt, khắp mọi nơi là những chiếc thuyền đánh cá, thuyền du lịch dăng dăng lả lướt đi về. Chẳng mấy chốc, hòn Ngư đã hiện ra cận cảnh trước mắt du khách với vẻ trầm mặc xanh của cây cối lâu đời và dáng vững chãi của một Song Ngư Sơn - tên gọi đã định hình từ thời vua Lê Thánh Tông.

Những bước chân đầu tiên của người đến cùng đảo sẽ bắt đầu ở bãi Chùa. Qua con đường uốn lượn dưới mát rượi bóng cây và bạt ngàn lau, chúng ta sẽ bắt gặp hai tán cây lộc vừng và một gốc dới có tuổi đời đã đến hàng trăm năm. Những gốc cổ thụ này đã vững vàng vượt qua thời gian và khốc liệt đạn bom để hiện diện cùng hậu thế. Dười những tán cây, du khách sẽ thực sự ngỡ ngàng khi bắt gặp một ngôi chùa-chùa Ngư-linh thiêng và cổ kính giữa một vùng mênh mang trời nước.

Lịch sử kể lại rằng, để giữ an lành cho những chuyến đi biển của các nhà buôn và ngư dân trên tuyến đường thuỷ buôn bán xuyên Bắc Trung Nam, điểm nối 2 cửa lạch lớn (Cửa Lò-Cửa Hội) nên nhân dân vùng quanh đây đã lập nên một ngôi chùa phía Tây đảo Ngư để thờ Phật Thích ca Quan âmvà Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn. Không chỉ là nơi ngư dân và các nhà buôn xuôi ngược biển Đông qua đây ghé lại thắp hương cầu cho trời yên, bể lặng mà bãi Chùa còn là nơi trú ngụ bình an cho tàu bè mỗi khi trời dông bão.

Khi mới tạo lập, chùa được xây trên một khu đất hình cánh quạt rộng chừng 3 hecta ngoảnh mặt về hướng Tây. Trước chùa có một cái giếng, tục gọi là giếng Thần. Bởi mặc dầu đào không sâu lắm nhưng nước rất ngọt, trong và chẳng bao giờ cạn. Phía sau chùa khoảng 300m còn có một bãi tắm, gọi là bãi “tắm tiên”, nơi để tắm gội tẩy trần cho những người đến chùa hành lễ. Thật đáng tiếc, cảnh cũ sầm uất là thế, an bình là thế, trải qua thời gian và bom đạn của các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, chùa xưa nay đã bị san bằng, chỉ còn lại nền chùa cổ dãi dầu tuế nguyệt cùng mấy gốc cổ thụ.

Du khách đến cùng Đảo Ngư.

Bây giờ vào vãn cảnh chùa và thành kính dâng hương, du khách sẽ như được đắm mình vào không khí huyền sử của hơn 7 thế kỷ về trước. Gian Thượng điện uy nghi với 3 bộ tượng chính: bộ Tam thế Phật, bộ Di đà Tam Tôn và bộ Thích ca Tam Tôn, phía trên thượng điện treo trang trọng bức hoành phi rực rỡ sắc vàng 4 chữ “Thuyền từ phổ độ” (khách có tâm vào đây sẽ được con thuyền nhà Phật sẵn sàng cứu vớt). Khu nhà hạ điện rộng rãi 5 gian là nơi thờ đại vương Hoàng Tá Thốn và là nơi hành lễ. Ngoài ra khuôn viên quanh chùa đã được tu bổ lại khang trang và tĩnh tại giữa ngàn cây, và có đến 52 pho tượng và 6 câu đối sẽ được bố trí trong thời gian tới.

Thắp nén tâm nhang ở chùa đảo Ngư.
Toàn cảnh chùa đảo Ngư.

Khi đã thấm vào mình sự thư giãn trong tâm của cảnh chùa đưa lại, bước chân của du khách sẽ đưa đến những ngỡ ngàng trước cảnh đẹp hòn Ngư theo con đường uốn lượn quanh đảo. Nhìn xuống, biển mênh mông xanh ngắt, trên đầu, vượt qua nhưng tán cây là khoảng trời xanh khoáng đạt bao la. Bước chân có thể chưa mỏi lắm, nhưng cũng đã đến giờ ngồi lại cùng nhau để chuyện trò. Thì đây, dưới tán cây mát rượi, bên bàn ăn lộng gió đại dương, du khách sẽ được thưởng thức những đặc sản đảo Ngư, còn gì thú vị và thanh thản hơn khi được cùng bạn bè, người thân giữa đại dương bao la.

Chốn này sỏi mịn, nước trong xanh.

Nay, đảo Ngư đã được khoác lên mình chiếc áo mới. Dự án "Quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Lan Châu - Song Ngư" (gọi là Quần thể du lịch Lan Châu - Song Ngư) được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép cho Công ty cổ phần Song Ngư Sơn đầu tư xây dựng, khai thác. Là một dự án về quần thể du lịch hướng tới phát triển một nền kinh tế du lịch biển văn minh, hiện đại, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Cửa Lò. Tổng diện tích của dự án gần 130 ha, được quy hoạch thành 3 khu gồm: Khu đất bán đảo Lan Châu 6,36 ha và 8,52 ha mặt biển; Khu Nghi Hòa 11,58 ha đất liền và 1,45 ha mặt biển; Khu đảo Ngư và 35,78 ha mặt biển. Tổng số vốn đầu tư là 1.800 tỷ đồng.

Với phương châm vừa đầu tư vừa khai thác, mỗi năm sẽ đón từ 1 - 1,5 triệu lượt khách, trong đó 500.000 khách lưu trú. Dự án hoàn thành sẽ góp phần mở rộng quy mô du lịch của đô thị biển Cửa Lò, tạo việc làm cho lao động của địa phương và nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch Nghệ An, cải thiện tình trạng du lịch một mùa thành du lịch quanh năm, đem lại nguồn lợi kinh tế từ ngành du lịch không khói của Nghệ An.  

Lại nói về đảo Ngư, đảo nằm cách bãi biển Cửa Lò hơn 4 km, Song Ngư là hai ngọn núi thấp (133m và 88m), từ lâu đã hấp dẫn khách văn thơ. Các danh sĩ thời trước như Phan Huy Chú, Bùi Dương Lịch... từng tả Song Ngư "Dáng tròn đẹp, đứng xa trông như hai con cá bơi lượn trên làn sóng". Ðảo Song Ngư, trong con mắt của người xưa, còn tôn thế phong thủy một vùng địa linh nhân kiệt: "Hồng Lĩnh núi cao. Song Ngư biển rộng. Gặp thời vận sáng. Ðua nở nhân tài". Với những lợi thế đó, Cửa Lò đang ngày càng hấp dẫn du khách muôn phương về nghỉ dưỡng, tắm biển./.

Trần Hải

TIN LIÊN QUAN