(Baonghean) - Căn nhà nhỏ của hai người đàn bà ấy nép sau con đường bụi đỏ ở xóm 2, xã Diễn Tân (Diễn Châu). Chúng tôi đến, giữa trưa gắt nắng, gặp cảnh hai cái bóng lom khom vun ngô nơi sân nhà. Dưới bóng nón lụp xụp, hai gương mặt ngẩng lên nhìn chúng tôi với ánh nhìn khắc khoải! Cái ánh mắt của bao nhiêu năm đã qua vẫn như đang ngưng đọng lại một nỗi đợi chờ...

Và câu chuyện bắt đầu bằng những giọt nước mắt. Nước mắt của gần một đời người, tưởng đã cạn khô, vậy mà hôm nay lại chảy dài. Hai người đàn bà - hai chị em ruột, họ ngồi dựa vào nhau như đã nương tựa vào nhau suốt mấy chục năm qua, qua đói khổ, bão bùng, qua nỗi cô đơn... Cô đơn đến mức, mái tóc đã bạc cả rồi, vẫn dễ tổn thương, dễ chạnh lòng. Căn nhà kê hai chiếc giường đã cũ kỹ ở hai phía. Treo trang trọng nhất trong nhà là hai tấm ảnh đen trắng, và những tấm huân chương. Một tấm ảnh đen trắng bán thân đã được photoshop chỉnh sửa hình một người đàn ông mặc comple, cho khác với tấm ảnh trên ban thờ trong quân phục một người lính. Bà em chỉ lên giới thiệu: “Ông ấy đấy. Tui đã chờ ông ấy suốt một đời người, bởi tui đã không chịu tin ông ấy có thể bỏ tui mà đi”.

Rồi bà  bỗng quay trở về những tháng năm thanh xuân: “Hai bức ảnh treo trên tường là của tôi và ông ấy chụp năm 1963. Cưới nhau một thời gian, hai vợ chồng rủ nhau đi bộ ra cầu Bùng chụp ảnh. Bữa ấy đi vui lắm. Chúng tôi nói bao nhiêu chuyện, trêu chọc nhau dọc đường đi... Biết đến khi mô mà quên đi được hỡi trời!”. Bà chị thấy em lại trở về hồi ức thì lặng im. Đôi tay bám chặt thành giường như thể cố chống đỡ cho tấm thân xiêu vẹo vì bệnh tật khỏi đổ xuống. Một hồi, bà cất tiếng: “Thôi, từ từ hẵng kể.” Quay sang chúng tôi, bà giải thích: “Bà ấy bị tim, vừa đi mua một đống thuốc về kìa. Bây giờ mà mổ để nong mạch, nghe nói mất mấy chục triệu cơ đấy”.

801844_small_104074.jpg

Bà Thạch và bà Ngọc phơi ngô trên sân nhà.

Căn nhà như nén chặt nỗi buồn của hai người đàn bà già nua và đơn chiếc. Cái bóng nắng đu đưa bên cửa sổ soi vệt dài những cành khế bỗng chợt đứng im. Tiếng gà gáy trưa le te vọng ra từ trong xóm. Một người phụ nữ tất tả bước vào căn nhà, hỏi 2 bà đã ăn cơm. Chị gọi cả hai là mẹ: mẹ trẻ, mẹ già. Bà chị giới thiệu với khách: “Là con tôi đó. Giừ hắn đã lấy chồng, có 3 con rồi”. Bà em quệt nước mắt còn đang chảy trên má, nói với người phụ nữ: “Mệ Thu làm cơm đãi khách luôn đi. Gọi cả các cháu sang đây cho vui, mệ Thu ạ”. Chị phụ nữ tên Thu lại tất tả xuống bếp. Bà em quay sang đồng nghiệp của tôi, hỏi: “Cháu đang nuôi con nhỏ mà đi xa thế này, không sợ con khát sữa sao?”. Chúng tôi ngạc nhiên: “Răng bà biết?” Bà em thủng thẳng: “Biết chớ răng không. Tui thấy mùi sữa non đâu đây”. Chúng tôi lặng người. Người đàn bà ấy, cả một đời chưa một lần sinh nở. Những đứa con chỉ có trong giấc mơ, xưa lắm rồi, của bà...

Câu chuyện về hai người đàn bà trong căn nhà trưa ấy, đã khiến chúng tôi hiểu ra thật nhiều điều. Không chỉ đơn thuần là những phận người sau cuộc chiến, mà hơn thế nữa, là sự hy sinh, là niềm tin bền bỉ, là những gì giản dị nhất nhưng cũng đẹp đẽ nhất về người phụ nữ Việt Nam.

Bà em tên Đậu Thị Ngọc, sinh năm 1940, bà chị là Đậu Thị Thạch, hơn em 4 tuổi. Khi 18 tuổi, bà Thạch nhận lời yêu một người con trai cùng xóm là Lưu Văn Sự. Ông Sự nhập ngũ, những cánh thư gửi về càng gắn chặt tình cảm của hai người. Thế rồi năm 1960, ông Sự tranh thủ về “bỏ trầu”trước ngày lên đường đi chiến trường B. Từ đó, bà Thạch xem mình là vợ của ông Sự.

Bà nhớ: “Khi ông ấy lên đường, tui nhớ có xe chở bộ đội đón ông ấy. Còn tui, thương nhớ chồng, lặn lội bắt xe ca theo ông ấy vào Vinh để tiễn chân. Hai chúng tôi được một đêm nữa gần nhau, nhưng là mỗi người một giường. Ngày ấy, chưa cưới thì vẫn phải nằm riêng chớ”. Ông Sự đi biền biệt, “nghe nói đã là tiểu đội trưởng rồi”, và luôn viết thư về cho bà Thạch. “Chữ ông ấy đẹp lắm. Những cánh thư viết trên giấy pơ luya thật dài. Đi đâu, tui cũng mang thư theo. Làm ruộng, cắt cỏ, hay sau này đi học... tui cũng để thư ông ấy trong túi áo, thi thoảng lại lấy ra ngó một ngó. Nhớ quá, thương quá thì lại lấy thư ra áp lên mặt mình. Có lần phát hoảng vì đang cắt cỏ, gặp trời mưa, những cái thư bị dính mưa ướt. Tui cứ khóc mãi”

Thế rồi, vời vợi nơi quê nhà, bà Thạch chờ người yêu, chờ nhưng cánh thư nơi tiền tuyến, vời vợi lời hẹn ước “khi nào hoàn thành nhiệm vụ sẽ xin cha mẹ để về cùng một mái nhà”. Bà đâu ngờ, cái ngày theo tiễn chân ông, là ngày cuối cùng bà còn được thấy ông. Năm 1965, tin ông hy sinh báo về làng. Bà nghe nhưng bà không tin được. Bà chỉ tin rằng ông không thể chết, những cánh thư vẫn còn mang hơi ấm bên bà hàng ngày, lời hẹn của ông vẫn khiến bà xao xuyến, cái nắm tay bữa nào vẫn khiến bà run lên vì xúc động. Bà lao vào hoạt động phong trào, hoạt động đoàn thể trong đội dân quân, đội du kích, được kết nạp Đảng, được cử đi học về kinh tế, thương mại.

Thế nhưng, đi học xong bà không ra công tác mà xin về quê làm nông nghiệp vì bà nghĩ, “thân con gái, nếu đi xa, đi nhiều nơi, lỡ anh ấy có về thì anh ấy nghi ngại mình chờ người không trọn”. Gia đình ông Sự thương bà lắm, coi bà như dâu con trong nhà. 10 năm sau ngày ông Sự hy sinh, bà quyết định sinh một người con để nương tựa khi buồn tủi, cô đơn. Bà nghĩ, mình thiệt thòi vì thiếu một đám cưới, không được thờ ông ấy, thì đành vịn vào một đứa con. Người thân của ông Sự tìm đến trạm xá, nơi bà sinh con để thăm cháu và chúc mừng bà. Con bà, chị Thu mang họ của mẹ. Bà nói: “Tui thiếu một đám cưới, nhưng còn có con bé Thu, chớ em tui thì có đám cưới, nhưng lại không được làm mẹ”.

Còn bà Ngọc lấy chồng vào tháng 3 năm 1963, thì đến tháng 10 chồng bà ra chiến trận. Bà Ngọc nhớ lại: “Tui và ông ấy nên duyên nhờ gia đình đôi bên vun vén mà thành. Ngày lấy chồng, thực ra tui vẫn đang mơ giấc mơ được làm cô giáo dạy học trường làng. Đến khi về một nhà với ông ấy, mới thấy tình yêu đến. Thật chậm rãi, nhưng vô cùng đậm sâu”.

Thế rồi, đúng lúc hương lửa đang nồng, ông vào bộ đội, đi Nam. Trước lúc ra đi, ông nắm chặt tay vợ dặn dò: “Anh đi vì nhiệm vụ đất nước, em ở nhà gắng thay anh chăm bố mẹ. Bao giờ đất nước thống nhất, anh về với em, lúc đó chúng ta đã có cuộc sống hòa bình, cùng sinh con, đẻ cái. Anh tin, ngày ấy không xa nữa đâu”. Năm 1969, có tin báo về anh Nguyễn Đình Châu đã hy sinh tại mặt trận phía Nam. Cũng như chị mình, người đã tin rằng người mình yêu sẽ trở về, bà Ngọc cũng đinh ninh người ta báo nhầm: “Tui vin vào niềm hy vọng ấy để mà sống. Ở quanh đây, có 5 người được báo về là đã hy sinh, vậy mà 3 trong số họ vẫn trở về đó thôi”. Bà nói với bố mẹ chồng: “Anh ấy không thể chết được”.

Cho đến năm 1972, gia đình chồng bà nhận được giấy báo tử của liệt sỹ Châu. Bà kể: “Mọi người không dám nói cùng tui ngày nhận tin ấy. Nhưng cái vẻ muộn sầu của ông, bà đã không thể giấu tui lâu được. Sau cũng vì ông phiền quá mà đâm bệnh. Trước lúc mất, ông gọi tui vào, nói: Ngọc con, thằng Châu không còn nữa, đời con còn dài lắm, chưa vướng bận con cái gì. Cha mẹ đồng ý cho con đi bước nữa. Con hãy đi và lo cho mình đi, con!” Bà Ngọc lúc đó, chỉ biết nắm tay bố chồng mà nghẹn đắng. Trong sâu thẳm lòng mình, bà vẫn đinh ninh lời dặn dò trước lúc chồng lên đường. Không, bà không thể gục ngã được trong đau buồn, bà phải vươn dậy làm chỗ dựa cho bố mẹ chồng đã già nua, ốm yếu. Hơn nữa, bà vẫn còn cháy bỏng một niềm tin, ông sẽ rũ bom đạn mà trở về cùng bà. Hai người còn phải sinh con, phải nhìn thấy chúng lớn lên, chúng bước tiếp giấc mơ thuở thanh xuân của mình nữa chứ.

Những tháng ngày ấy, chiến tranh bom đạn ác liệt nhưng 2 chị em bà Thạch, bà Ngọc luôn hăng hái đi đầu trong các phong trào địa phương, vì tiền tuyến. Bà Ngọc là trung đội phó dân quân, đi đào kênh, mương, rồi đắp bờ lấy nước cho ruộng đồng, tham gia tiếp tế lương thực cho bộ đội. Bà nhớ ngày kết nạp Đảng của mình dưới gốc cây dương liễu, bên kênh nhà Lê, khi bà vừa lội lên từ dòng kênh. Bà là một trong số ít đảng viên được “kết nạp tại chỗ” một cách bất ngờ mà trang trọng. Cuộc sống ngày một khó khăn, bà xin phép gia đình chồng đi làm tại cửa hàng mua bán hợp tác xã để khuây khỏa, cũng để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Ngày nối ngày, tháng nối tháng, năm nối năm… tuổi xuân của bà mòn theo nỗi nhớ thương, niềm day dứt về phương Nam.

Cho đến một ngày, bà giật mình nhận ra, mình đã xế bóng. Người đàn ông của bà đã không về, bà cũng chẳng có lấy một mụn con. Bà lặng lẽ rời khỏi gia đình chồng khi đã trọn đạo làm con với bố mẹ chồng. Biết đi đâu về đâu? Chỉ còn mái tranh nghèo của người chị gái nơi góc xóm nhỏ. Vậy là bà Ngọc về ở cùng bà Thạch, xin một góc nhỏ để đặt ban thờ chồng.  Ôi, chông chênh biết mấy, cái mái tranh khi mưa gió, bão bùng. Mâm cơm hai người mà vẫn như đơn lẻ, vẫn thiếu hơi ấm. Nỗi buồn tựa vào nhau làm buồn đau như lại chất cao hơn. “Tui đã khổ, mà lại về để làm khổ chị”- bà Ngọc nghẹn ngào. Nhưng cũng không biết đi về đâu nữa. “May mà còn có con cháu Thu và gia đình nó ở gần đây”.

Không biết bao nhiêu bận, hai tấm lưng đặt xuống hai chiếc giường đơn để rồi họ âm thầm khóc đến trắng đêm. Thương cho chị, thương cho em, tủi phận mình… Có lẽ vì thế, mà đôi mắt bà Thạch đã nhòa hẳn chăng? Sau lần đi mổ mắt, bà bị biến chứng, ảnh hưởng đến dây thần kinh nên toàn thân co rút, đi lại vất vả. Hai người chăn nuôi thêm gà, lợn, trồng ngô, lúa. Cuộc sống và thuốc thang trông cậy cả vào số tiền trợ cấp hàng tháng cho vợ liệt sỹ của bà Ngọc. Vậy mà, ai nhắc đến khó khăn, hai bà lại tự dặn lòng, thôi đừng than, đừng kể…

Lần giở cho chúng tôi xem những bức thư từ đáy chiếc rương gỗ, đôi tay bà Thạch run run. Đôi tay đã nua già của bà lão gần tuổi 80, giở những bức thư từ thời thanh xuân, vẫn nâng niu như là báu vật. Chúng tôi có cảm giác rằng, hai người đàn bà, hai cái bóng trong căn nhà ấy đã bao năm qua chỉ sống với ký ức nên ký ức như vẫn tươi nguyên. Nó sống động một cách kỳ lạ, như chưa hề đi qua một lớp bụi thời gian. Hình như gia sản của họ chỉ có vậy, là ký ức...

Chúng tôi tạm biệt căn nhà chông chênh ấy, nhìn lại thấy bóng hai người đàn bà đổ vào nhau trên mảnh sân nhạt nắng. Suốt trên chặng đường về, lòng chúng tôi day dứt  với niềm mong mỏi bà Ngọc gửi gắm: Tui mong sao sớm tìm được mộ ông ấy (bà Ngọc đã nhiều lần nhờ tìm mộ chồng khắp các tỉnh phía Nam mà chưa thấy) và có được mảnh đất nhỏ của mình làm nơi thờ cúng về sau…


Thùy Vinh - Thu Hương