Hình ảnh máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) Okhotnik (Thợ săn) do tập đoàn Sukhoi của Nga phát triển xuất hiện trên mạng xã hội nước này hôm 23/1, dường như được chụp trong buổi thử nghiệm tại nhà máy sản xuất máy bay Novosibirsk.
Chỉ vài ngày trước đó, tiêm kích tàng hình Su-57 số hiệu 053 cũng xuất hiện với màu sơn ngụy trang đặc biệt, thể hiện hình dáng của chiếc Okhotnik. Phần cánh đuôi đứng được vẽ biểu tượng Su-57 và Okhotnik bay song song, ở giữa là một tia chớp. Đây có thể là dấu hiệu thể hiện tham vọng phát triển cặp chiến đấu cơ tàng hình tác chiến cùng nhau của không quân Nga, theo Drive.
"Tia chớp thường là biểu tượng của khả năng kết nối điện tử và chia sẻ dữ liệu. Một số thiết bị cũng mới xuất hiện trên chiếc 053, cho thấy nó có thể được dùng để kết nối với Okhotnik hoặc chuyển tiếp thông tin cho đài điều khiển mặt đất. Điều này sẽ biến Su-57 và Okhotnik thành cặp tiêm kích song sát tàng hình của Nga trong tương lai", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
Chiếc Su-57 dường như cũng đóng vai trò nền tảng thử nghiệm những công nghệ có thể được ứng dụng trên Okhotnik, làm tăng khả năng tương thích giữa hai loại phi cơ.
"Phát triển UCAV có khả năng phối hợp tác chiến với máy bay có người lái, trong đó Okhotnik đóng vai trò 'đồng đội trung thành' của Su-57, là điều rất hợp lý. Không quân Mỹ cũng đang nghiên cứu mô hình này với siêu tiêm kích F-35 và oanh tạc cơ B-21", Rogoway nói thêm.
Giới chuyên gia cho rằng Okhotnik sẽ giúp Nga giải quyết nhiều điểm yếu trong thiết kế Su-57, tạo ra cặp tiêm kích có uy lực vượt xa khả năng chiến đấu của hai loại phi cơ riêng lẻ.
Chiếc UCAV này có thể hoạt động độc lập, đóng vai trò "tai mắt chiến trường" hoặc kết nối với tiêm kích Su-57 trong nhiệm vụ tấn công chính xác, trinh sát hoặc tác chiến điện tử. Okhotnik cũng sẽ được triển khai cho nhiệm vụ tiêu diệt hệ thống phòng không, sở chỉ huy và thông tin liên lạc đối phương trong giai đoạn đầu xung đột, mở đường cho chiến đấu cơ có người lái tham chiến.
Các chuyên gia cho rằng Bộ Quốc phòng Nga dường như cố tình để lộ hình ảnh Okhotnik trên mạng xã hội nhằm phô diễn uy lực loại UCAV này trước khi bay thử trong năm nay. Trung Quốc từng làm điều tương tự khi hé lộ tiêm kích tàng hình J-20 hồi năm 2011.
"Đây là bằng chứng cho thấy Nga đang quyết tâm phát triển UCAV tàng hình. Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước châu Âu cũng đang đi theo con đường này, trong khi Mỹ vờ như công nghệ tác chiến hỗn hợp giữa tiêm kích và UCAV không tồn tại, dù nó đã chứng tỏ tiềm năng từ lâu", nhà phân tích Joseph Trevithick nhận xét.
Bộ đôi Su-57 và Okhotnik cũng giúp hiện thực ý tưởng tác chiến mạng trung tâm, trong đó những chiếc Su-57 sẽ trở thành trung tâm chỉ huy cho lực lượng bộ binh, phòng không và các phi đội máy bay khác.
"Nếu tập đoàn Sukhoi giữ đúng tiến độ, chúng ta có thể không phải chờ lâu để được thấy bước tiến của Nga trong lĩnh vực UCAV tàng hình, nhằm biến giấc mơ kết hợp tiêm kích với máy bay không người lái trở thành hiện thực", chuyên gia Trevithick cho hay.