Ngày 29/3, ông Trịnh Văn Quyết, 47 tuổi, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội
theo Điều 211 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt cao nhất 7 năm tù.Ông bị cáo buộc cùng với một số người đã "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo báo cáo quản trị của FLC, đến hết năm 2021, ông Quyết sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% tổng số cổ phiếu của tập đoàn. Ngoài ra, vị chủ tịch tập đoàn còn sở hữu hơn 23,7 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phiếu Xây dựng FLC Faros (ROS), 7,5 triệu cổ phiếu GAB của Công ty Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC và hơn 3,1 triệu cổ phiếu ART của Công ty chứng khoán BOS.
Tính theo giá trị cuối phiên 29/3, tổng số cổ phiếu của ông Quyết có giá trị hơn 4.400 tỷ đồng.
Bê bối của ông Quyết liên quan chứng khoán từng xảy ra từ tháng 11/2017 khi bán 57 triệu cổ phiếu nhưng không báo cáo thông tin giao dịch với Ủy ban chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Việc giao dịch của ông Quyết được thực hiện khi một cổ phiếu FLC ở ngưỡng 7.100-7.700 đồng, với giá trị giao dịch thu về ước tính đạt hơn 400 tỷ đồng.
Về hành vi này, ông Quyết bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính 65 triệu đồng. Các cổ phiếu "họ nhà F" sau đó nhiều lần khiến các nhà đầu tư chao đảo.
5 năm sau, chiều 10/1, ông Quyết bị phát hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC song không công bố thông tin trước đó. Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) ngày 11/1 ra thông báo hủy bỏ giao dịch này - biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngày 17/1, ông Quyết bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định hiện hành về chứng khoán và đình chỉ giao dịch 5 tháng.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, "thao túng thị trường chứng khoán" nghĩa là sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau để liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán. Khi vi phạm chưa đến mức bị xử lý hình sự, người gây ra sự việc sẽ chỉ bị xử phạt hành chính tối đa 1,5 tỷ đồng như trường hợp hồi tháng 1 của ông Quyết.
Nếu là hành vi "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" như hai lần trên, ông Quyết sẽ chỉ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, theo điều 209 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ông Quyết, những năm gần đây, không ít người bị xử lý hình sự bởi hành vi thao túng chứng khoán. Giữa năm 2020, bà Phạm Thị Hinh, cựu chủ tịch Công ty cổ phần công nghiệp và khoáng sản Bình Thuận (KSA) và ba người phát bị phạt tù từ 15 tháng tù treo đến 18 tháng tù giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Bà Hinh bị cáo buộc chủ mưu, chỉ đạo thuộc cấp sử dụng 69 tài khoản liên tục thực hiện lệnh mua, bán mã chứng khoán KSA nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo trên thị trường để "thổi giá". Hành vi này bị xác định đã gây thiệt hại cho gần 1.500 nhà đầu tư cổ phiếu KSA hơn 8 tỷ đồng.
Ở vụ án khác hồi năm 2017, Công an Hà Nội khởi tố bà Nguyễn Vân Giang, nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Chứng khoán ngân hàng Đông Á - chi nhánh Hà Nội, cũng về tội Thao túng giá chứng khoán. Bà Giang bị cáo buộc dùng thông tin của nhiều người khác để mở tài khoản chứng khoán hoặc mượn tài khoản chứng khoán tại nhiều công ty chứng khoán để giao dịch chéo cổ phiếu CDO.
Cơ quan điều tra cho rằng việc làm của giám đốc Giang đã đẩy giá cổ phiếu CDO lên cao. Bà Giang khi đó bán ra với mục đích kiếm lời, gây thiệt hại cho 572 nhà đầu tư với số tiền hơn 11 tỷ đồng.