Mỹ, Nhật Bản và EU đề xuất cải cách WTO
Ngày 25/9, Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí phản đối thương mại không công bằng và đề xuất cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo tuyên bố chung được đưa ra tại cuộc gặp ba bên giữa Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ, đề xuất trên thể thiện sự quan ngại đối với hệ thống cảnh báo những trợ cấp trong nước và việc tăng cường hoạt động của các ủy ban thường trực thuộc WTO.
Tuyên bố nêu rõ một số quốc gia thứ ba đã dư thừa công suất nghiêm trọng, đe dọa đến phát triển công nghệ và làm suy yếu thương mại toàn cầu. Ba quan chức này nhấn mạnh các điều kiện định hướng thị trường là nhân tố cơ bản để đạt được một hệ thống thương mại toàn cầu có lợi cho tất cả các bên. Do đó, những hành động các nước thứ ba này đáng bị chỉ trích và Mỹ, Nhật Bản và EU đang cân nhắc triển khai một số biện pháp.
Hạ viện Nga thông qua đề xuất sửa đổi luật hưu trí của ông Putin
Ngày 26/9, toàn bộ 385 nghị sỹ tại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã nhất trí thông qua sửa đổi luật hưu trí do Tổng thống Vladimir Putin đề xuất, theo đó quy định tuổi nghỉ hưu đối với nữ giới là 60 tuổi thay vì 63 tuổi như dự thảo do chính phủ đệ trình ban đầu. Trong khi đó, đối với nam giới, tuổi nghỉ hưu được tăng lên là 65 tuổi.
Ngoài ra, Tổng thống Putin còn đề xuất từ năm 2019 tăng gấp đôi tiền trợ cấp thất nghiệp cho những người chưa đến tuổi hưu, áp dụng cơ chế nghỉ hưu ưu tiên đối với những phụ nữ sinh nhiều con. Ông đồng thời ủng hộ duy trì cơ chế ưu tiên trong việc tính thuế đất và bất động sản đối với những người thực thi quy định về tuổi nghỉ hưu hiện nay. Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho biết những cải cách trên nhằm tăng mức sống cho đối tượng hưu trí.
Tổng thống Iran: Lệnh trừng phạt của Mỹ là hành động khủng bố kinh tế
Ngày 26/9 (giờ Việt Nam), trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 tại New York, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào nước này, gọi đây là hành động của "chủ nghĩa khủng bố kinh tế". Nhà lãnh đạo Iran nhấn mạnh an ninh thế giới đang bị đe dọa khi một số nước có "thái độ coi thường" và "không tôn trọng các giá trị và các thể chế quốc tế".
Ông khẳng định việc đi ngược lại chủ nghĩa đa phương không thể hiện sức mạnh, mà là "triệu chứng của sự hiểu biết yếu kém". Tổng thống Rouhani đồng thời chỉ trích bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó, cáo buộc ông chủ Nhà Trắng đang tìm cách "lật đổ" ban lãnh đạo của Iran.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt 39 đối tượng tình nghi liên quan giáo sỹ Gulen
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/9 đã bắt giữ ít nhất 39 người trong đó có cả các binh sỹ tình nghi có liên quan đến mạng lưới ủng hộ giáo sỹ Fethullah Gulen - người đang sống lưu vong tại Mỹ và bị chính quyền Ankara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.
Hãng thông tấn nhà nước Anadolu đưa tin cảnh sát đã mở các chiến dịch đồng thời nhằm vào 71 đối tượng tình nghi tại 23 tỉnh trên khắp đất nước và trong số những người bị bắt giữ, 36 người đang phục vụ trong quân đội.
Mỹ - Hàn Quốc vẫn bất đồng về quyền miễn trừ các biện pháp trừng phạt Iran
Ngày 26/9, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này và Mỹ vẫn bất đồng về yêu cầu của Seoul liên quan đến đề nghị của quốc gia Đông Bắc Á này được hưởng quyền miễn trừ các biện pháp trừng phạt của Washington đối với hoạt động nhập khẩu dầu của Iran.
Trước đó, Mỹ hối thúc Hàn Quốc và một số nước khác ngừng nhập khẩu dầu từ Tehran nếu không sẽ phải đối mặt với cái gọi là các biện pháp trừng phạt được công bố hồi tháng 5 sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Iran. Phía Hàn Quốc hy vọng Mỹ sẽ cho phép nước này được hưởng quyền miễn trừ có điều kiện, tương tự với một biện pháp dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, Trợ ký ngoại trưởng Mỹ Fannon lại cho rằng kể cả nếu Seoul được miễn trừ lệnh trừng phạt, lợi ích của việc này sẽ rất hạn chế. Ông cũng cho biết thêm chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ xem xét tình hình cụ thể mà Hàn Quốc phải đối mặt.
Quốc vương Jordan kêu gọi viện trợ khẩn cấp cho người tị nạn Palestine
Quốc vương Jordan Abdullah II vừa kêu gọi viện trợ khẩn cấp cho người tị nạn Palestine nhằm ngăn chặn sự lôi kéo của chủ nghĩa cực đoan sau khi Mỹ chấm dứt tài trợ cho UNRWA, Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc. Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 25/9, Quốc vương Abdullah II tuyên bố mong muốn khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại về nguy cơ thiếu hụt tài chính của UNRWA.
Quốc vương Abdullah nhấn mạnh sự cần thiết phải ủng hộ tài chính đầy đủ cho cơ quan Liên hợp quốc này và ủng hộ các nỗ lực khác nhằm bảo vệ các gia đình, đảm bảo sự ổn định của các cộng đồng, cũng như chuẩn bị cho những người trẻ tuổi hành trang để họ có được cuộc sống hữu ích.
Bồ Đào Nha đạt thỏa thuận tiếp nhận người di cư với Pháp, Tây Ban Nha
Ngày 25/9, Bồ Đào Nha thông báo nước này đã đạt được một thỏa thuận với Pháp và Tây Ban Nha về việc tiếp nhận 10 trong tổng số 58 người di cư trên tàu cứu hộ Aquarius hoạt động tại vùng biển Địa Trung Hải.
Trong một tuyên bố, Bộ Nội vụ Bồ Đào Nha cho biết việc nước này tiếp nhận số người di cư nói trên nhằm phối hợp và chia sẻ với Pháp và Tây Ban Nha gánh nặng tiếp nhận người di cư. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Bồ Đào Nha không nêu chi tiết địa điểm tàu neo đậu hiện nay. Trước đó, Pháp đã miễn cưỡng chấp nhận yêu cầu cho Aquarius cập cảng Marseille, thay vì đẩy tàu cứu hộ này tới Malta.
Niger: Sốt rét khiến số lượng bệnh nhi tử vong tăng đột biến
Ngày 25/9, Tổ chức bác sỹ không biên giới (MSF) cảnh báo số lượng bệnh nhi tử vong tại khu vực phía Nam Niger tăng đột biến trong tháng vừa qua với mức trung bình lên tới 10 em mỗi ngày. Nguyên nhân tử vong phần lớn do mắc sốt rét và suy dinh dưỡng trầm trọng.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Trưởng đại diện MSF tại Niger, Dorian Job cho biết trong những tuần qua, tổ chức này chưa từng phải chứng kiến những hình ảnh đau thương đến vậy và lo sợ rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu của một thảm kịch mới sắp diễn ra. Ông Dorian cho rằng hiện tại đội ngũ nhân viên y tế của MSF mới chỉ tiếp cận được chưa đến 20% số bệnh nhân nhi cần chữa trị tại đây.