(Baonghean) - Chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được Bộ Chính trị chỉ đạo bằng việc ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017. Điều đó có tác động tích cực thúc đẩy các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường đầu tư hạ tầng cho lĩnh vực này. Cùng với ngân sách, việc huy động nguồn lực xã hội hóa được chú trọng.
Xác định du lịch là mũi đột phá, việc đầu tư hạ tầng du lịch đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng đẩy mạnh bằng các giải pháp lồng ghép nguồn ngân sách với thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh. Bên cạnh đô thị biển Cửa Lò được đầu tư “bài bản” với sự tham gia tích cực của Nhà nước, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì một số địa phương cũng đã ưu tiên phát triển du lịch. “
Huyện lúa” Yên Thành đã xác định trong giai đoạn 2016 - 2020, có 9 dự án du lịch được hình thành với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng từ các doanh nghiệp kết hợp ngân sách, trong đó chủ yếu là vốn đầu tư từ các doanh nghiệp. Đặc biệt, quần thể Khu du lịch sinh thái đập Vệ Vừng tại xã Đồng Thành được Tập đoàn Bắc Á ghi nhớ đầu tư trên 200 tỷ đồng. 9 dự án du lịch ở huyện Yên Thành được kết nối theo hướng du lịch sinh thái tâm linh gắn với 522 điểm di tích lịch sử, chùa, đền, thiền viện phái Trúc Lâm, danh thắng hấp dẫn. Chính vì vậy, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng có ý nghĩa quyết định đến việc tôn tạo, xây dựng, bảo tồn những công trình, kiến trúc, khu vực lưu trú... Cùng đó, huyện chủ trương phát triển thêm mô hình nghỉ tại nhà dân (Homestay) với điểm làng nghề, trang trại, gia trại bền vững.
Huyện Diễn Châu cũng đang nổi lên với mô hình gắn kết giữa du lịch nghỉ dưỡng ven biển với du lịch sinh thái ở vùng trung du. Nếu như ở ven biển, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ được các doanh nghiệp, các hộ gia đình đầu tư xây dựng tại các xã: Diễn Trung, Diễn Thành, Diễn Hồng, Diễn Yên, Diễn Hải... với 12 khách sạn, 49 nhà nghỉ, tổng số trên 1.200 phòng; hơn 200 nhà hàng ăn uống thì ở xã Diễn Lâm, Khu du lịch Mường Thanh Safari được xác định là khu vực du lịch sinh thái lớn nhất miền Trung với mức đầu tư trên 2.500 tỷ đồng (hiện đã đầu tư trên 600 tỷ đồng). Diễn Châu cũng xây dựng các tour, tuyến kết nối các trọng điểm du lịch như Nam Đàn, Thanh Chương, Cửa Lò hoặc với du lịch trải nghiệm sinh thái thiên nhiên ở huyện Con Cuông và các huyện miền núi.
Để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Con Cuông cũng xác định những trọng điểm đầu tư, lồng ghép với nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thế mạnh của huyện có thể khai thác du lịch theo hướng phục vụ du khách khám phá các cảnh quan thiên nhiên đẹp, nguyên sơ như thác Khe Kèm, khe Nước Mọc, đập Phà Lài, du thuyền Sông Giăng hay khám phá rừng nguyên sinh với hệ thống động - thực vật phong phú của Vườn Quốc gia Pù Mát. Cùng đó, đưa du khách về với bản làng, trải nghiệm cuộc sống với đồng bào các dân tộc như tham quan làng nghề dệt thổ cẩm, nghề nấu rượu cần, rượu men lá và thưởng thức những đặc sắc ẩm thực với nhiều sản vật địa phương.
Bà Kha Thị Tím - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết thêm: Phục vụ cho phát triển du lịch cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, huyện đẩy mạnh nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông từ thị trấn vào Môn Sơn - Phà Lài, thác khe Kèm, Làng nghề thổ cẩm Yên Thành. Hiện, huyện đang mở tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn đi khe Khặng, đồng thời xây dựng các đường nhánh đi từ trục đường chính vào các điểm du lịch sinh thái, di tích lịch sử, xây dựng 22 biển chỉ dẫn đến các điểm du lịch sinh thái, di tích, danh lam thắng cảnh của huyện và mở rộng diện phủ sóng điện thoại phục vụ khách du lịch. Huyện còn đầu tư xây dựng các phòng thay đồ, phòng vệ sinh di động và trang bị thêm các phương tiện cứu sinh ở các điểm du lịch...
Riêng tại điểm du lịch cộng đồng bản Nưa, xã Yên Khê được tổ chức JICA (Nhật Bản) đầu tư xây dựng mô hình 3 nhà vệ sinh, nhà tắm phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, vận động nhân dân giữ gìn, tôn tạo không gian nhà sàn truyền thống ở bản Khe Rạn phục vụ khách du lịch. Cùng với ngân sách, rất nhiều doanh nghiệp, hộ dân vào cuộc tích cực trong xây dựng quán hàng, mua sắm xuồng máy phục vụ du khách, các xuồng đã được đăng kiểm đánh số và chủ xuồng có giấy phép lái xuồng.
Về với thiên nhiên là xu hướng khách du lịch muốn trải nghiệm. Đó cũng là cơ hội cho các huyện trung du miền núi của Nghệ An khai mở tiềm năng du lịch, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân. Để thúc đẩy du lịch bên cạnh nâng cao ý thức, kỹ năng làm du lịch cho người dân thì việc đầu tư hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, dịch vụ có vai trò quyết định. Những lĩnh vực này đòi hỏi có sự đầu tư rất lớn, trong khi ngân sách các địa phương và của tỉnh còn hạn hẹp và phải dàn trải nhiều lĩnh vực thì việc huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp là yếu tố quyết định.
Những mô hình đầu tư như Tập đoàn Mường Thanh ở nhiều địa bàn, Vingroup (Cửa Hội), Bắc Á (Yên Thành và một số địa bàn), Song Ngư Sơn (Cửa Lò), Cienco 4 (đảo chè Thanh Chương)... trong xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch ở các địa phương của tỉnh đang là hướng đi tích cực.
Cũng chính bởi sự khó khăn về ngân sách và thu hút nguồn lực nên nhiều huyện như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu... đã xác định được vai trò của kinh tế du lịch nhưng chưa thể đầu tư khai thác các điểm đến. Qua trao đổi, ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ: “Tiềm năng du lịch của Nghệ An rất lớn, nhưng việc đầu tư hạ tầng để kết nối các điểm đến cũng như các dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực chưa theo kịp với nhu cầu của du khách. Trong khi nhiều địa phương cùng “phát triển nóng” về du lịch thì cần xác định trọng điểm để lồng ghép nguồn lực đầu tư hiệu quả, từ đó lan tỏa diện rộng...”.
Năm 2017, ngành Du lịch Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu đón và phục vụ 5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3,6 triệu lượt khách lưu trú; doanh thu các dịch vụ du lịch tăng 14-16% so với năm 2016. |
Nguyên Sơn