Không được phép suy nghĩ đến nguy hiểm
P.V: Chúc mừng Thượng úy Lương Văn Lợi với thành tích “kép” khi anh vừa lọt vào danh sách 10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng và Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2021. Tôi đã đọc bản thành tích cá nhân của anh và khá ngạc nhiên bởi anh còn rất trẻ và chưa đến 5 năm công tác trong ngành?
Thượng úy Lương Văn Lợi: Ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng tôi đã được phân công về giữ chức vụ Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy - Đồn Biên phòng Mường Ải (Kỳ Sơn). Đây thực sự là một áp lực rất lớn đối với cá nhân tôi lúc bấy giờ, bởi như chị biết đấy, khi ấy tôi còn rất trẻ, có thể mình được học hành đầy đủ, lý luận rất tốt nhưng thực tế lại “muôn hình vạn trạng”.
Bên cạnh đó, ở góc độ tình cảm anh em, dù mình là cấp trên nhưng có khi chỉ bằng tuổi con, tuổi cháu của các chú đã công tác lâu năm. Do đó, tôi phải vừa làm, vừa học kinh nghiệm của các đồng đội đi trước, cả trong cuộc sống và trong công việc.
Chuyên ngành tôi cũng có những đặc thù riêng, bởi ở biên giới tệ nạn xã hội rất phức tạp. Trong khi đó, trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân còn nhiều hạn chế. Quá trình công tác, một trong những nội dung mà chúng tôi phải thường xuyên thực hiện là tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Nhưng với tính chất riêng, chúng tôi không thể rập khuôn tuyên truyền một cách máy móc mà phải linh hoạt, cùng ăn, cùng ở với bà con, tuyên truyền đúng đối tượng. May mắn là nơi tôi ở dù chủ yếu là người Mông, người Khơ mú nhưng mình là người bản xứ, nên công việc của mình ngày một thuận lợi hơn.
P.V: Ngoài những khó khăn về kinh nghiệm, về tuổi đời và những nguyên nhân khách quan khác thì công tác đấu tranh phòng, chống ma túy ở vùng núi cao đang có những vấn đề phức tạp gì?
Thượng úy Lương Văn Lợi: Như tôi đã chia sẻ, việc áp dụng những kiến thức đã học được từ sách, vở là điều hết sức khó khăn. Những ngày đầu, khi nghiệp vụ còn hạn chế, tôi chủ yếu là đi theo anh em và không tránh được những lo lắng khi lần đầu tiên đối diện với các tội phạm ma túy. Các đối tượng ma túy thường rất manh động và đều có vũ khí nóng nên khi đấu tranh với loại tội phạm này, nếu không có bản lĩnh, không có sức khỏe tốt sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ và còn có khi ảnh hưởng đến tính mạng.
Đến bây giờ huyện Kỳ Sơn vẫn là một điểm nóng về ma túy và có rất nhiều vụ án phức tạp. Để đấu tranh với loại tội phạm này không tránh được những mất mát, hy sinh. Điều đáng suy nghĩ là trong những tội phạm ma túy có một bộ phận không nhỏ là quần chúng nhân dân do nhận thức còn hạn chế, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên dễ dàng bị lôi kéo, mua chuộc dẫn đến phạm tội.
P.V:Trong bản thành tích cá nhân của anh có rất nhiều con số biết nói về những vụ án ma túy mà anh và các đồng đội đã đạt được. Nhưng chắc chắn đằng sau những thành tích rất đáng tự hào đó có rất nhiều mồ hôi, vất vả và có cả những mất mát, hy sinh. Trên vai của người lính biên phòng có những gánh nặng nào nữa... mà chúng ta không thể liệt kê được?
Thượng úy Lương Văn Lợi: Khi đã chọn công việc này, chắc chắn không chỉ riêng tôi mà tất cả các đồng đội của tôi đều đã nghĩ tới những điều nguy hiểm. Nhưng đến khi trực tiếp đối diện với tội phạm, chúng tôi chỉ nghĩ đến công việc, nghĩ đến việc phải phá án thành công. Tất nhiên, khi đối diện với loại tội phạm nguy hiểm này chúng tôi sẽ không bất chấp mà cần phải xử lý bản lĩnh, chín chắn, dự kiến được các tình huống có thể xảy ra để hạn chế ít nhất thương vong và an toàn phải là nhiệm vụ hàng đầu.
Càng khó khăn càng phải có ước mơ, khát vọng
P.V: Anh lớn lên ở một trong những bản, làng xa xôi nhất của xứ Nghệ và cho đến bây giờ cuộc sống ở đây vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Ký ức của anh về những ngày đi học hẳn không tránh được những gian khó.
Thượng úy Lương Văn Lợi: Tôi lớn lên ở bản Cha Nga, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Ngày còn nhỏ, nơi tôi ở thậm chí còn chưa có trường mẫu giáo. Chúng tôi học tiểu học ở một điểm trường lẻ ngay trong bản. Tôi vẫn nhớ, điểm trường có 5 lớp nhưng chỉ có 2 giáo viên, một người kiêm nhiệm từ 2 - 3 lớp. Lớp học ngày ấy chỉ là mấy tấm thưng được đan bằng nứa. Để thuận lợi cho công tác dạy học, giáo viên phải đục tấm thưng ấy thành một lỗ để có thể chạy qua chạy lại giữa các lớp mới kịp các tiết dạy.
Những đứa trẻ chúng tôi lớn lên trong hoàn cảnh đó, nhiều người khá mơ hồ về định hướng sau này. Gia đình chúng tôi khi đó, mục tiêu lớn nhất là mong tôi có thể đi học nghề hoặc có kiến thức, có kinh nghiệm để lớn lên có thể xoay xở cho cuộc sống.
Đến THCS, tôi được vào trường chính ở trung tâm xã. Nhưng vì nhà xa, học sinh chúng tôi vẫn phải ở trọ trong nhà dân. Quãng đường về nhà xa lắm, phải đi bộ từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Thế nên, một năm chúng tôi chỉ được về hè, Tết hoặc là ngày nghỉ lễ.
P.V:Nghe câu chuyện của anh tôi có thể hình dung rất rõ về những vất vả của học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Có thể cũng vì vậy, nên thay vì đến trường, nhiều em đã bỏ học để đi kiếm tiền, lấy vợ, lấy chồng sớm và lại tiếp diễn một vòng luẩn quẩn. Riêng anh, trong những năm phổ thông, có khi nào khó khăn khiến anh chùn bước?
Thượng úy Lương Văn Lợi: Kỷ niệm đẹp nhất của tôi những năm đang học ở Trường THCS Mỹ Lý đó là chúng tôi được bác Trần Bình Minh (lúc bấy giờ là Phó Bí thư Tỉnh ủy) đến trường và tôi cùng một số học sinh nghèo vượt khó khác được tặng một suất học bổng trị giá 500.000 đồng. Đó là số tiền lớn nhất tôi có lúc bấy giờ và tôi đã giữ nó suốt 1 năm học, không dám tiêu gì cho bản thân… Có lẽ, từ những sự quan tâm nhỏ ấy, chúng tôi đã có động lực cố gắng và tôi đã bắt đầu nghĩ về tương lai xa hơn cho mình. Lên THCS tôi cũng học tốt hơn, được làm lớp trưởng, được công nhận học sinh giỏi trường, học sinh giỏi huyện.
Học hết THCS, tôi đủ điểm đậu vào Trường PT DTNT tỉnh và tôi có 3 năm xuống Vinh để học “trong một môi trường quân đội thu nhỏ”. Đây cũng là lần đầu tiên tôi mới biết đến Tin học, làm quen với máy vi tính. Học sinh chúng tôi đều là con em người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn nên thầy, cô rất thương nên khi nào cũng động viên học sinh phải cố gắng. Chưa bao giờ trong những năm THPT tôi nghĩ đến chuyện bỏ học, nhưng tôi chỉ hay buồn vì các bạn có thể những ngày lễ được về nhà nhưng tôi thì không vì nhà tôi quá xa, thời gian nghỉ không đủ để đi cho quãng đường quá dài. Việc liên lạc với gia đình cũng gần như rất hiếm hoi vì lúc đó chưa có sóng điện thoại.
P.V: Tôi lại muốn hỏi anh về quyết định chọn ngành Biên phòng. Bây giờ nhìn lại những thành quả đã đạt được, anh có cho rằng đó là một quyết định đúng đắn và những năm tháng gắn bó với binh nghiệp đã làm thay đổi con người anh như thế nào?
Thượng úy Lương Văn Lợi:Hầu hết học sinh THPT khi chọn ngành, chọn nghề thường cảm tính. Nhưng tôi thì không, bởi từ những năm lớp 2, lớp 3, tôi đã quen với hình ảnh của những người lính biên phòng. Các chú vào bản chúng tôi để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bày vẽ cho bà con phát triển kinh tế, phòng, chống tệ nạn xã hội. Tôi thích hình ảnh đó và điều đó thôi thúc tôi quyết định chọn học bộ đội ngành Biên phòng. Tôi thích đến nỗi khi làm hồ sơ thi tuyển vào đại học chỉ đăng ký một trường duy nhất là Học viện Biên phòng. Sau này, bố sợ tôi không đậu nên buộc tôi đăng ký thêm trường sư phạm. Tuy nhiên, đến ngày thi, tôi chỉ thi duy nhất một trường và khi biết tôi thi đậu, bố tôi đã thịt 2 con lợn để làm vía vì quá vui mừng.
Những năm học tại môi trường quân đội cũng đã rèn giũa tôi rất nhiều dù cường độ huấn luyện ở trường rất căng. Bản thân tôi, quen cầm cuốc, cầm xẻng từ nhỏ mà có những thời điểm do tập luyện thể lực tay sưng vù. Sau 4 năm được đào tạo ở trường, tôi thấy mình trưởng thành và chín chắn hơn rất nhiều.
P.V: Nói đến tuổi trẻ là nói đến ước mơ và khát vọng. Tuổi trẻ cũng phải gắn với sự khát khao cống hiến. Và ở tuổi 27, dường như tôi thấy anh đã làm rất tốt điều này?
Thượng úy Lương Văn Lợi:Tôi cảm thấy rất bất ngờ bởi trong thời gian qua được lãnh đạo các cấp ghi nhận, được trao tặng nhiều danh hiệu. Nhận được kết quả này, tôi cũng thấy yêu nghề hơn và cảm giác chưa bao giờ hạnh phúc như thế này. Bản thân tôi cũng tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng tin tưởng của cấp trên, của đồng đội và của anh em, đồng nghiệp. Tôi cũng biết rằng, đây không chỉ là thành tích của riêng tôi mà là thành tích của cả tập thể, đơn vị.
Từ những trải nghiệm đã qua tôi cũng thấy rằng, dù cho bất cứ hoàn cảnh nào, nếu chúng ta thực sự cố gắng, sẵn sàng gian khổ, hy sinh thì chúng ta sẽ được ghi nhận. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta cần phải có khát vọng, có định hướng, có ước mơ và chúng ta không cố gắng học hỏi, trau dồi, lăn xả vào trong cuộc sống thì sẽ không có cơ hội cống hiến sức trẻ và sẽ không thoát ly được hoàn cảnh của mình.
P.V:Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!
Thượng úy Lương Văn Lợi - Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm (Đồn Biên phòng Keng Đu, BĐBP Nghệ An) là Chiến sĩ thi đua cơ sở 3 năm liên tiếp (2019-2021).
Năm 2021, anh được Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Trung ương Đoàn tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Cùng năm, anh nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn về thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2021; Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An về thành tích công tác năm 2021; được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An biểu dương vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện đợt thi đua cao điểm chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Thượng úy Lương Văn Lợi đã được bình chọn là Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng và Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2021.