“Việc này (gia nhập NATO) đồng nghĩa chúng tôi sẽ là chủ nhà đón 2 lực lượng quân sự đụng độ nhau trên lãnh thổ nhỏ bé của mình. Bất cứ cuộc xung đột nhỏ nào giữa họ cũng sẽ mang tính thảm khốc đối với Gruzia. Chúng tôi đang làm điều mà các nước khác cố tránh. Chúng tôi đang cố biến quê hương nhỏ bé của mình thành nơi phô diễn sức mạnh giữa 2 “ông voi” có kho hạt nhân”, bà nói.
Cựu Chủ tịch Quốc hội Gruzia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc đối thoại trực tiếp với phía Nga, khẳng định bà sẽ hoan nghênh tân Thủ tướng Gruzia Giorgi Gakharia có bước đi như vậy. “Tôi rất vui nếu được chứng kiến điều đó, tuy nhiên, điều này sẽ chỉ diễn ra nếu thủ tướng tập trung vào các lợi ích quốc gia”, bà cho biết thêm.
Hôm 10/9, cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã dự cuộc phỏng vấn với hãng tin Georgian Imedi, khi ông đề xuất rằng Gruzia gia nhập NATO theo kế hoạch không áp dụng điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương về an ninh chung đối với các vấn đề hiện nay quanh Abkhazia và Nam Ossetia. Theo cựu Tổng thư ký, kế hoạch gia nhập kiểu này từng được NATO sử dụng khi Đức gia nhập liên minh hồi vẫn còn bị chia thành Đông Đức và Tây Đức. Điều 5 nêu: “Các bên thống nhất rằng một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một hay nhiều thành viên tại châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ bị xem là cuộc tấn công nhằm vào toàn bộ thành viên và do đó họ nhất trí rằng, nếu xảy ra một cuộc tấn công có vũ trang như thế, mỗi thành viên, thực thi quyền phòng vệ cá nhân hoặc tập thể theo Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc, sẽ hỗ trợ một hoặc các bên bị tấn công bằng cách đưa ra các hành động đơn phương hoặc phối hợp với các bên khác mà họ xem là cần thiết, bao gồm sử dụng lực lượng vũ trang, nhằm khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương”.
Gruzia đã và đang hợp tác với NATO kể từ cuối những năm 1990, trong khi sau đó cố Tổng thống Gruzia Eduard Shevardnadze (1928 - 2014) đã bày tỏ khát vọng của nước này muốn gia nhập liên minh tại một hội nghị thượng đỉnh ở Prague hồi tháng 11/2002. Ý định này sau đó được người kế nhiệm Mikheil Saakashvili xác nhận.
Chính phủ mới của Gruzia lên cầm quyền sau khi liên minh Giấc mơ Gruzia đắc cử hồi tháng 10/2012 và tiếp tục chính sách nhằm gia nhập NATO, đồng thời xem việc “dần bình thường hóa quan hệ với Nga là mục tiêu tối quan trọng mà không phương hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tới thăm Tbilisi năm 2015 và 2016, khi ông bảo đảm với ban lãnh đạo Gruzia rằng nước này sẽ trở thành một thành viên NATO, dù thừa nhận ông không thể vạch ra thời gian biểu chính xác cho việc chấp nhận nước này gia nhập khối.