(Baonghean) - Hơn 4 nghìn hộ dân trên toàn tuyến QL1A từ TX. Hoàng Mai đến TP. Vinh, đã vì lợi ích quốc gia, bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A - công trình trọng điểm quốc gia, nhưng đến ngày 20/7/2014 vẫn còn 22 hộ dân ở xóm 11, xã Quỳnh Giang tái lấn chiếm, vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công...

 t Nhà hàng Đức Tài là 1 trong 22 hộ ở xóm 11, xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) hiện chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Nhà hàng Đức Tài là 1 trong 22 hộ ở xóm 11, xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) hiện chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Quá trình giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A trên địa bàn Nghệ An có những vướng mắc, tồn tại, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với phương pháp vừa triển khai thi công, vừa vận động tuyên truyền tới từng hộ dân trên tuyến, các hộ dân có ảnh hưởng trong quá trình thi công đã hiểu thấu đáo và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu tiến hành thi công công trình. Trong đợt đó, xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu có 172 hộ dân được cấp bìa đỏ trong chỉ giới hành lang ATGT PMU1 yêu cầu bồi thường trong phạm vi 13,5m, sau khi được các đoàn thể giải thích, vận động, đã thông tỏ và tích cực phối hợp với chính quyền để bàn giao mặt bằng. Đến ngày 7/4/2014, UBND xã Quỳnh Giang cho biết, 204 hộ dân bị ảnh hưởng trên địa bàn xã đã đồng ý bàn giao 100% mặt bằng.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, đến ngày 30/5/2014, xã Quỳnh Giang có 22 hộ tái lấn chiếm, không chịu bàn giao mặt bằng. Các cấp chính quyền, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động về chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng của Nhà nước bằng nhiều hình thức, nhưng các hộ dân vẫn cố chấp không chịu bàn giao và một mực yêu cầu Nhà nước phải đền bù đất trong phạm vi 13,5m mới được thi công. Một số hộ đã đồng ý nhưng lại bị các hộ khác ngăn cản. 

Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cho biết:

Tố cáo là quyền của mỗi công dân. Tuy nhiên, lợi dụng quyền này để tố cáo sai sự thật hoặc bịa đặt những điều không có mà tố cáo trước các cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của người bị tố cáo thậm chí gây mâu thuẫn cũng như xáo trộn hoạt động bình thường trong xã hội hoặc gây hậu quả khó lường thì đây là một hành động không thể chấp nhận được và tùy theo mức độ có thể bị xử lý theo pháp luật. Nếu bịa đặt hoặc tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng đến người khác nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị xử lý về tội vu khống. 

Một trong những nguyên tắc xử lý của Bộ Luật hình sự là “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội” (Khoản 2, Điều 3 BLHS). 

Điều 122- BLHS quy định về tội vu khống:

1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm:

Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với nhiều người; Đối với ông bà, cha mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Đối với người thi hành công vụ; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm

Điều 40, NĐ 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội: “Người nào vi phạm quyền lập hội, lợi dụng danh nghĩa hội để hoạt động trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định”. 

Điều 245, BLHS quy định về Tội gây rối trật tự công cộng:

1.Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; b) Có tổ chức; c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số hộ dân bị kích động, xúi dục, đưa ra các yêu sách không đúng với chính sách của Nhà nước về đền bù, hỗ trợ, tái định cư GPMB, từ đó tổ chức ngăn cản không cho nhà thầu thi công. Trong số những người tuyên truyền, kích động, chống đối đó có ông Nguyễn Trọng Thuận (quê ở Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, có hộ khẩu thường trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã viết đơn thư tố cáo xuyên tạc sự thật về quá trình chỉ đạo giải phóng mặt mặt bằng Quốc lộ 1A. Những lập luận mang tính kích động của Nguyễn Trọng Thuận kiểu như: “Văn bản số 147/TB-UBND-GT ngày 3/4/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về công tác GPMB của Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn qua tỉnh Nghệ An có nội dung hoàn toàn trái với pháp luật, đặc biệt là GPMB đoạn qua xã Quỳnh Văn, Quỳnh Giang”, “để lại sự phẫn nộ trong lòng người dân”, “dấu hiệu của sự kém và yếu về đức và tài”... đã được một số đối tượng rêu rao, kích động các hộ dân ở Quỳnh Giang “đất của các con thì các con giữ lấy” nhằm ngăn cản các đơn vị thi công. 

Nhân danh ai, vì mục đích gì? Tại sao đang thường trú ở Hà Nội, ông Thuận lại viết đơn tố cáo đòi “bình đẳng trước pháp luật” cho các hộ dân ở Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu)? Trong đơn ông đã tỏ vẻ là người có hiểu biết pháp luật nhưng lại có những lời lẽ ngạo mạn, xúc phạm cá nhân mà chúng tôi không tiện nêu ra?!

Cùng với đó, ngày 21/4/2014, Linh mục Nguyễn Văn Đính, quản Hạt Thuận Nghĩa, một người có bổn phận chăm lo việc đạo, chăn dắt phần hồn của các con chiên nhưng lại sốt sắng viết đơn, thư trình bày gửi UBND huyện Quỳnh Lưu, với nội dung: “Gần đây có rất nhiều hộ gia đình thuộc Thị trấn Cầu Giát và các xã thuộc huyện Quỳnh Lưu trình bày với tôi về việc “đất đai hợp pháp của họ bị lấn chiếm” để mở rộng Quốc lộ 1A nhưng chưa đền bù. Việc mở rộng Quốc lộ 1A là mong muốn của toàn dân vì tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giảm bớt tai nạn và ách tắc giao thông... Nhưng khi giải tỏa mặt bằng liên quan đến đất đai hợp pháp của dân (có bìa đỏ và nguồn gốc hợp pháp), chính quyền cần đền bù hợp lý cho dân, làm như thế: chính quyền tôn trọng chính mình (vì giấy do chính quyền cấp); đó là lẽ công bằng, tạo được niềm tin và sự bình ổn trong dân. Vì mong muốn có được sự bình ổn trong địa bàn và vì quyền lợi chính đáng của nhân dân, tôi viết đơn này kính trình ủy ban nhân dân huyện xem xét và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”. 

Ngày 14/5/2014, UBND huyện Quỳnh Lưu đã có Công văn số 731/UBND.TNMT trả lời Linh mục Nguyễn Văn Đính, trong đơn đã giải thích rõ các trường hợp có diện tích đất nằm trong phạm vi hành lang đường 13,5m đã giải tỏa trong quá trình thực hiện Dự án PMU1 trước đây nên không được bồi thường, các trường hợp có diện tích đất ảnh hưởng ngoài phạm vi hành lang đường 13,5m thì căn cứ vào nguồn gốc sử dụng đất để xem xét bồi thường, hỗ trợ theo quy định, và đề nghị linh mục tuyên truyền, vận động bà con, nhân dân bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đảm bảo đúng tiến độ theo chủ trương của Chính phủ.

Sau khi nhận được Công văn số 731 của UBND huyện Quỳnh Lưu, Linh mục Nguyễn Văn Đính đã “bàn bạc với những hộ dân đang có đất tranh chấp” và cho rằng: “Cách giải quyết của chính quyền là không thỏa đáng, nhân dân không đồng tình vì quyền lợi chính đáng của họ chưa được giải quyết” và một lần nữa ông lại lên giọng “vì quyền lợi thiết thực của người dân, vì uy tín của chính quyền Nhà nước” để phán xét rằng “UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Quỳnh Lưu, nhất là Ban Giải phóng mặt bằng mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An, cần biết rằng Quy định trước đây của Chính phủ về hành lang an toàn giao thông không phải là một quyết định thu hồi đất. Vì dù đã là hành lang an toàn giao thông thì đất đó vẫn thuộc quyền sử dụng đất của dân, nên khi Nhà nước cần thu hồi thì phải ra quyết định thu hồi và bồi thường thỏa đáng theo quy định của pháp luật tại thời điểm thu hồi”.

Đây là một ý kiến chủ quan của Linh mục Đính và thiếu căn cứ về pháp luật, bởi đã là hành lang an toàn giao thông thì không thể thuộc quyền sử dụng của riêng một cá nhân nào.

Đơn thư của Linh mục Nguyễn Văn Đính gửi UBND huyện Quỳnh Lưu.

Và xin được nói để ông Thuận và Linh mục Đính rõ, việc quy định hành lang ATGT đã được ban hành từ năm 1982, tại Quyết định số 6-CT ngày 3/1/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thực hiện Nghị định 203-HĐBT ngày 21/12/1982 về Điều lệ bảo vệ đường bộ đối với các quốc lộ đã ghi rõ: “1. Theo Điều lệ đường bộ ban hành kèm theo Nghị định số 203-HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng, phạm vi đường bộ và hành lang bảo vệ đường bộ là lưu không, thuộc tuyến đường để bảo vệ, bảo đảm an toàn giao thông và dự phòng khi mở rộng. Đất đai thuộc hành lang bảo vệ đường chỉ được sử dụng trồng lương thực, hoa màu và trồng cây xanh theo chỉ dẫn của Bộ Giao thông vận tải; 2. Trên các quốc lộ, đặc biệt đối với Quốc lộ 1, kể từ ngày ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ, tất cả các công trình đã làm trong lưu thông do các cấp chính quyền, phường, xã, quận, huyện hoặc tỉnh, thành phố cấp đất hoặc tự ý xây dựng là vi phạm luật lệ. Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày ký Quyết định này, các cơ quan và tư nhân vi phạm phải di chuyển các công trình nói trên ra khỏi hành lang của lưu không (từ chân mái đường đắp hoặc đỉnh mái đường đào ra mỗi bên 20 mét). Nhà nước miễn phạt và không đền bù”. 

Năm 1993, khi thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, do Ban Quản lý PMU1 của Bộ GTVT làm chủ đầu tư, trên toàn tuyến, đơn vị này đã định mốc hành lang ATGT từ chân đường ra mỗi bên 7m, tương đương từ tim đường ra mỗi bên 13,5 m. Tại Công văn số 1268/PMU1-QLDA2 của Ban Quản lý dự án 1-  Bộ Giao thông Vận tải ngày 28/7/2010 gửi Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An đã xác nhận: “Sau khi xem xét và kiểm tra các hồ sơ tài liệu lưu trữ tại Ban QLDA1 về công tác GPMB QL1A của Dự án WB1  từ km 212+000 - km 463+000 (Cầu Giẽ - TP. Vinh) trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Ban QLDA1 quản lý, thực hiện vào những năm 1993 - 1998, Ban QLDA1 xin có ý kiến như sau: 1. Diện tích đã xây dựng công trình giao thông thuộc dự án WB1: Đã làm thủ tục thu hồi đất vĩnh viễn đến chân công trình; 2. Diện tích từ chân công trình đến cọc GPMB của dự án WB1: Các đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị tính từ mép ngoài rãnh dọc đường ra mỗi bên là 3m, các đoạn tuyến đi qua khu vực nông thôn tính từ chân ta luy nền đường đắp và đỉnh ta luy nền đường đào ra mỗi bên là 7m, các đoạn có đường sắt liền kề đi qua chỉ cắm cọc GPMB về một phía. Trong phạm vi này dự án đã đền bù toàn bộ công trình, vật kiến trúc trên đất và cây cối hoa màu”.

Kể từ khi Điều lệ bảo vệ đường bộ đối với các quốc lộ có hiệu lực, trên toàn tuyến Quốc lộ 1A hầu như không có ai xây dựng nhà cửa kiên cố trên phạm vi 13m5! Sau này, một số hộ dân có mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, khi cấp lại giấy chứng nhận, chính quyền cũng đã trừ diện tích thuộc chỉ giới hành lang ATGT. Điều này thể hiện rõ trong bìa của các hộ dân ở Quỳnh Giang có diện tích đất sát với Quốc lộ 1A đã được cấp lại kể từ năm 1993.

 Do đó, nếu vì lý do như Linh mục Đính nhận thức là “Việc mở rộng Quốc lộ 1A là mong muốn của toàn dân vì tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giảm bớt tai nạn giao thông...” hay “Việc mở rộng đường lộ là việc quan trọng, người dân hoàn toàn ủng hộ vì trách nhiệm của công dân đối với sự phát triển của xã hội” thì linh mục hãy “có những bài giảng về sự hy sinh của Đức Giê-su, những dụ ngôn Pharisiêu..., Hay những câu chuyện kể về sự đón nhận đau khổ về mình mà sẵn sàng trao vinh quang cho người khác của Thiên Chúa đã để lại trong các tin mừng” và “chuyển tải sự kỳ diệu và niềm vui của đức tin và tình yêu sâu sắc giữa Thiên Chúa và tạo vật Ngài sáng tạo”, để cùng các cấp chính quyền vận động những hộ dân còn ngăn cản các đơn vị thi công Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn xã Quỳnh Giang; hãy “vì lợi ích quốc gia” và để “giảm bớt tai nạn giao thông”, thuận lợi trong việc đi lại và kinh doanh buôn bán, hãy bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trọng điểm quốc gia. Bởi qua tiếp xúc với chúng tôi, những hộ dân là giáo dân ở xóm 11, xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu nói rằng “mọi việc bây giờ đều do Cha quyết” và họ cũng đang chờ ý kiến của Cha!

Với những hộ dân ở Quỳnh Giang đang còn thắc mắc, lấn cấn trong việc bàn giao mặt bằng cũng nên nhìn vào tấm gương của 4.462 hộ dân trên toàn tuyến QL1A từ TX .Hoàng Mai đến TP. Vinh, đã vì lợi ích quốc gia mà bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến nay trên địa bàn các địa phương TX. Hoàng Mai, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP Vinh, hình hài của con đường trọng điểm quốc gia khang trang hiện đại đang ngày càng hiện rõ. Chẳng lẽ, cuối cùng trên toàn tuyến, chỉ còn lại một số hộ dân ở xóm 11, xã Quỳnh Giang lại cố chấp bám trụ để tạo nên sự khác biệt dị thường trên con đường thênh thang rộng rãi?!

Việc cản trở, làm chậm tiến độ bàn giao mặt bằng không chỉ là việc làm đi ngược với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn vi phạm pháp luật khi một số người quá khích đã có hành vi “cản trở người thi hành công vụ”, “gây rối trật tự công cộng”, “thành lập hội trái pháp luật”... những hành vi này chắc chắn sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật. Do đó, 22 hộ dân ở xóm 11, xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) cũng cần phải “trông người mà ngẫm đến ta” để thông tỏ và chấp hành chủ trương của Nhà nước, bởi không ai có quyền cản trở, xâm hại đến quyền lợi của quốc gia…

Nhóm phóng viên