Không chỉ cần có cơ chế tiếp nhận và phản hồi thông tin mà Đảng cũng cần làm rõ “trắng – đen” trong tiếp thu những ý kiến đóng góp.
Tiếp tục tìm hiểu ranh giới giữa xây dựng Đảng thực tâm với việc lợi dụng xây dựng Đảng để chống lại chế độ, phóng viên VOV đã gặp gỡ một số chuyên gia, đại diện các hội, đoàn thể để làm rõ sự cần thiết phải có một cơ chế, cách thức tiếp thu phù hợp từ ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo họ, muốn không triệt tiêu những ý kiến tâm huyết, cũng như muốn vạch rõ thủ đoạn của những kẻ cơ hội chính trị, Đảng ta cần có một cơ chế cụ thể để phân biệt rạch ròi vấn đề “ xây” và “ chống”. Đồng thời, phát huy cao độ vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận các cấp.
TS Ngô Vương Anh, cán bộ Ban Tuyên truyền, lý luận báo Nhân dân cho rằng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc huy động nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Người viết: “... Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên”, từ đó “đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết” để “dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.
Quan sát từ những cuộc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của những tổ chức cơ sở Đảng trong thời gian gần đây, TS Ngô Vương Anh nhận định: Những ý kiến đóng góp trong những dịp như vậy thường có hai thái cực, một là khen quá nhiều, khen chung chung; hai là thẳng thắn, gai góc với động cơ tốt nhưng có khi lại không đến được đích, thậm chí có người còn lo bị trù dập. Do vậy, cần có giải pháp để khắc phục 2 thái cực này.
“Với những góp ý tâm huyết, phải có cơ chế tiếp nhận, thông báo trở lại, phản hồi lại, kể cả những ý kiến trực tiếp tại hội nghị hay ý kiến bằng văn bản thì cần phải có trả lời thật cụ thể, với ý kiến này của đồng chí a, b chúng tôi đã tiếp nhận xử lý ra làm sao để người góp ý còn yên tâm với ý kiến của mình và còn muốn góp ý tiếp. Chứ nếu không nó sẽ triệt tiêu động lực góp ý tốt của những đảng viên như vậy”, TS Ngô Vương Anh nêu quan điểm.
Ông Dương Ngọc Sơn - Phó Chủ nhiệm CLB Thăng Long (CLB dành cho cán bộ trung và cao cấp nghỉ hưu ở Hà Nội) cho biết, ông và nhiều thành viên trong CLB đã nhiều lần bày tỏ quan điểm, ý kiến tâm huyết về xây dựng Đảng thông qua Ban Tuyên giáo TW, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, qua báo chí hoặc các cuộc sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở. Tuy nhiên, ông vẫn mong muốn và trông chờ vào kênh Mặt trận với chức năng phản biện, giám sát.
“Mặt trận đã chú trọng tiếp thu ý kiến, nhưng trong điều kiện hiện nay, mặt trận cần quan tâm nhiều hơn nữa. Giám sát, phản biện là vai trò của mặt trận, nhưng phải làm thường xuyên để cán bộ đảng viên góp ý”, ông Dương Ngọc Sơn nêu ý kiến.
Mặt trận - nơi được trao quyền nhiều nhất cho hoạt động giám sát phản biện đã làm tốt vai trò của mình chưa? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam cho biết, giám sát và phản biện xã hội được đưa ra từ Đại hội X của Đảng (tháng 4/2006). Nhưng đến tháng 12/2013, Bộ Chính trị mới ra Nghị quyết về giám sát và phản biện xã hội, trong đó nêu rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nhưng, khi có cơ chế đó thì việc góp ý cũng không thật sự mạnh mẽ như Mặt trận đã từng làm trong lịch sử. Bởi vậy, trong giai đoạn hiện nay, theo ông Nguyễn Túc, trước những vấn đề cần lấy ý kiến rộng rãi mang tính phản biện, Đảng nên “đặt hàng” với tổ chức mặt trận.
“Muốn xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh thì dân phải thực hiện quyền làm chủ của mình trong tham gia xây dựng đường lối chính sách. Những năm gần đây, đóng góp của Đảng đoàn Mặt trận đối với Ban Bí thư không được thường xuyên. Ông cha mình có câu “con khóc mẹ mới cho bú”, trong trường hợp này không phù hợp lắm nhưng nếu không nhắc nhở thường xuyên thì Đảng, đặc biệt Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều công việc dễ lãng quên. Một trong những điều theo tôi phải rút kinh nghiệm là phải “thúc”, nếu thấy việc đó là chính đáng, có lợi cho dân thì Mặt trận phải làm”, ông Túc nêu quan điểm.
Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ chế tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân cho Đảng hiện nay cơ bản chưa ổn. Do đó, “cần có cơ chế lắng nghe và tiếp thu tốt hơn nữa, cần phải tạo điều kiện để có thông tin nhiều chiều hơn nữa. Tất cả những cuộc góp ý tiếp thu phải có thông tin phản hồi từ phía các cơ quan có trách nhiệm.
“Đảng phải phân công rõ lĩnh vực nào do cơ quan nào theo dõi. Anh bàn ý kiến với cơ quan, trả lời với người ta, còn ý kiến nào đề xuất lên trên để xin ý kiến thì cũng công khai luôn. Rằng với tư cách cơ quan này, chúng tôi thấy việc này các bạn nói đúng, tôi xin tiếp thu. Còn việc kia tôi cũng thấy đúng nhưng phải có giai đoạn, bước đi chứ không làm ngay được. Còn có việc tôi không tiếp thu vì lý do thế này, thế kia thì cũng phải nêu lại”, TS Vũ Ngọc Hoàng nêu ý kiến.
Tự do tư tưởng và tự do ngôn luận đã được khẳng định trong Hiến pháp nước ta và đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước. Do vậy, trong lúc này, khi mà Đảng ta đang đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa thì những đóng góp thẳng thắn, có trách nhiệm với nhân dân, với vận mệnh đất nước của cán bộ, đảng viên thông qua các kênh khác nhau, từ Trung ương đến cơ sở càng có ý nghĩa quan trọng. Điều này cũng có nghĩa là không nên đợi các đợt sinh hoạt lớn như lấy ý kiến đóng góp cho Hiến pháp hay trước các kỳ Đại hội Đảng mà cần có cơ chế thường xuyên, liên tục để Đảng ta kịp thời sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm.
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, sự nhiễu loạn thông tin là không tránh khỏi. Bởi vậy, không chỉ cần có cơ chế tiếp nhận và phản hồi thông tin mà Đảng cũng cần làm rõ “trắng – đen” trong tiếp thu những ý kiến đóng góp. Có như vậy mới huy động được sức mạnh của toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay./.
Theo VOV