Dự thảo Luật An ninh mạng do Chính phủ trình và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Theo đó Dự thảo Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 51 điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và nguyên tắc, nội dung, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý và tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi.
Tại hội nghị lấy ý kiến do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức, trên cơ sở phân tích và chỉ ra một số nội dung trong dự thảo Luật an ninh mạng đan xen với một số nội dung Luật An ninh thông tin mạng, Luật An ninh quốc gia, Luật Công nghệ thông tin đã ban hành; ý kiến của một số đại biểu đưa ra quan điểm, không nhất thiết phải ban hành thêm riêng Luật An ninh mạng mà đề xuất sửa đổi, bổ sung một số Luật đã ban hành, đồng thời quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện, đảm bảo luật đi vào cuộc sống một cách bền vững.
Bên cạnh đưa ra quan điểm trên, một số đại biểu cũng tham gia góp ý cụ thể vào từng nội dung được quy định trong các điều của dự thảo. Ông Phan Nguyên Hào – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, không gian mạng mang tính không gian ảo và nếu quy định không gian mạng theo vùng lãnh thổ quốc gia thì khó thực hiện, nhất là trong việc trao đổi thông tin và hợp tác quốc tế liên quan xử lý hành vi vi phạm về an ninh mạng.
Cũng theo ông Phan Nguyên Hào, dự thảo chỉ giới hạn quy định phá hoại, gây gián đoạn hoặc truy cập trái phép máy tính, hệ thống máy tính, hệ thống thông tin là chưa đầy đủ, bởi thực tế thiết bị công nghệ sử dụng mạng hiện nay không chỉ có máy tính mà còn có các thiết bị cầm tay, kể cả ti vi kết nối internet và với tốc độ phát triển công nghệ thông tin hiện nay thì tới gian tới sẽ có nhiều công cụ, thiết bị nữa. Vì vậy cần nói chung là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.
Một số đại biểu quan tâm đến việc quản lý an ninh mạng đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam; cần xác định rõ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia...
Liên quan đến góp ý vào dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), các đại biểu đồng tình việc sửa đổi Luật này, đồng thời tập trung góp ý, bổ sung vào các quy định liên quan đến chính sách của Nhà nước về quốc phòng; ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; lệnh tổng động viên, động viên cục bộ; quy định về thiết quân luật; về phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện… Một số đại biểu cũng góp ý chỉnh sửa liên quan đến từ ngữ, đảm bảo chính xác, chặt chẽ của Luật khi ban hành.